Tiếng Việt | English

01/05/2018 - 14:48

Về lại vùng đất linh thiêng

43 ngày đêm chiến đấu kiên cường, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đồn Công an nhân dân vũ trang Long Khốt (nay là Đồn Biên phòng (ĐBP) Long Khốt) bảo vệ vững chắc biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi tấc đất hôm nay đều thấm đẫm máu xương các anh hùng liệt sĩ - những người con ưu tú của quê hương quên thân mình vì nền hòa bình, độc lập của dân tộc.

43 ngày đêm chiến đấu kiên cường

Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp về lại ĐBP Long Khốt (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An), nơi ghi dấu biết bao chiến công của lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) trước cuộc càn quét ác liệt của bọn Pol Pốt-Ieng Sary. 43 ngày đêm làm nên một Long Khốt anh hùng! 

Theo Đại úy Phạm Khắc Thụ - Chính trị viên phó ĐBP Long Khốt, Đồn Công an nhân dân vũ trang Long Khốt (tiền thân của ĐBP Long Khốt) được thành lập giữa quí III-1975, có nhiệm vụ bảo vệ đoạn biên giới giáp với nước bạn dài 27km qua 2 huyện Mộc Hóa và Vĩnh Hưng; phụ trách địa bàn 2 xã Thái Bình Trung và Thái Trị cách biên giới khoảng 700m trên vị trí đồn cũ của ngụy quyền Sài Gòn trước đây. Long Khốt là vị trí then chốt, nếu để mất Long Khốt, địch sẽ dùng nơi đây làm bàn đạp chiến lược đánh chiếm thị trấn Mộc Hóa và gò Măng Đa, tài sản, tính mạng của dân dễ rơi vào tay địch. Chính vì điều đó, nhiều lần, quân địch tiến sát biên giới hòng đánh chiếm đồn Long Khốt.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Long Khốt thắp hương tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ hy sinh  trên mảnh đất Long Khốt

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Long Khốt thắp hương tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ hy sinh trên mảnh đất Long Khốt

Ngày 14/01/1978, trinh sát đồn phát hiện khoảng 2 đại đội bộ binh địch tập trung ở ấp Xây Líp cách đồn 2,5km về phía Đông, Ban Chỉ huy nhận định, đây có thể là đòn nghi binh nên ra lệnh báo động chiến đấu và tổ chức 1 tổ gồm 6 đồng chí trang bị mìn, lựu đạn và AK chốt giữ cổng đồn. Đúng 22 giờ 54 phút, ngày 14/01/1978, 1 toán địch bí mật đột nhập vào cổng đồn và bắn 2 quả B40; liền sau đó, địch từ hướng Đông Bắc bắn vào đồn. Lúc này, bộ phận phục kích ở cổng đồn điểm hỏa 2 quả mìn nhưng không nổ, đồn phó lệnh cho cối 82mm bắn vào các hỏa điểm địch, sau 30 phút, địch bỏ chạy. Trong ngày đầu tiên, ta tiêu diệt 5 tên địch và làm bị thương 8 tên. Ngày 15/01/1978, địch dùng cối 82mm, pháo 105mm bắn liên tiếp trên 50 quả vào đồn. Lúc này, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh điều 38 đồng chí của Đại đội 3 đến tăng cường cho đồn. Lực lượng Đại đội 3 bố trí cách đồn 400m về hướng Tây Bắc, 2 đơn vị tổ chức hiệp đồng phương án đánh địch. Chiều tối cùng ngày, được pháo binh chi viện, 2 đại đội bộ binh địch chia làm 3 mũi tổ chức vây đánh đồn. Mũi 1 từ ấp Chùa Om Pư, theo rạch Xăm No cặp sát bờ sông Vàm Cỏ xuống đồn. Mũi 2 từ ấp Xây Líp tiến thẳng ra đồn, áp sát hàng rào chống tăng cách đồn 150m về phía Đông. Mũi 3 từ Cua Sóc Nỳ, chúng đi dọc bờ sông rồi vòng theo lối kho thóc. Nắm chắc tình hình, ta tổ chức phục kích khiến chúng không kịp trở tay, đội hình rối loạn, địch kêu la ầm ĩ, rút lui. 3 mũi tiến công của địch không thể hiệp đồng, đành tháo chạy về bên kia biên giới. Đợt phản công này, quân ta an toàn, địch bị tiêu diệt 10 tên, 25 tên khác bị thương.

Trong suốt 43 ngày đêm, từ 14/01 đến 27/02/1978, đồn cùng các lực lượng tăng cường hỗ trợ, dân quân địa phương chiến đấu anh dũng, bẻ gãy 28 đợt tiến công của địch, giành từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào, đoạn công sự, chịu đựng hàng ngàn quả đạn pháo của địch, sẵn sàng hy sinh vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. 43 ngày đêm lịch sử, CBCS đồn Long Khốt tiêu diệt 55 tên địch và làm hàng chục tên khác bị thương. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ đồn, trạm, CBCS đồn Long Khốt còn tích cực giúp đỡ, bảo vệ tài sản, tính mạng, hướng dẫn người dân sơ tán về tuyến sau an toàn,... 43 ngày đêm ấy, 10 chiến sĩ của đồn anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Máu thịt của các anh thấm vào từng tấc đất biên cương. 

Với những thành tích vẻ vang đó, ngày 20/12/1979, ĐBP Long Khốt vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Miền đất thiêng 

Mỗi năm cứ vào dịp 19/5, không chỉ có CBCS lực lượng BĐBP mà người dân, lãnh đạo địa phương cùng những cựu binh năm xưa lại tập trung tổ chức lễ giỗ liệt sĩ và tưởng nhớ Bác Hồ nơi miền đất thiêng Long Khốt.

Dâng hương tại nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ tại đồn

Trong dịp giỗ liệt sĩ năm 2015, Đại tá Trần Thế Tuyển - nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng, người từng tham gia chiến đấu nơi đây tâm sự, thời điểm sau năm 1972, chiến tranh chống Mỹ - ngụy đang trong giai đoạn quyết liệt, Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 của ông được lệnh hành quân tiến về giải phóng vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Địa điểm Long Khốt bây giờ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, vì thế, Trung đoàn 174 quyết tâm giải phóng Long Khốt nhưng vì một phần nguyên nhân chủ quan và thời cơ chưa đến, nhiều lần tấn công đều thất bại. Từ năm 1972 đến 1975, có trên 600 chiến sĩ của Trung đoàn 174 mãi mãi nằm lại ở Long Khốt. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, 10 CBCS của đồn anh dũng ngã xuống, quyết không để một tấc đất của Tổ quốc rơi vào tay địch. Cũng vì thế, mỗi dịp giỗ liệt sĩ vào tháng 5, ông Tuyển đều dành thời gian về với mảnh đất Long Khốt, để được thắp nén nhang cho đồng đội năm xưa. 

Phát huy truyền thống anh hùng của đơn vị, CBCS ĐBP Long Khốt qua các thời kỳ đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Chính trị viên phó ĐBP Long Khốt - Phạm Khắc Thụ cho biết: “Những hy sinh cao cả của CBCS trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc sẽ mãi là sức mạnh, tiếp thêm nhiệt huyết để các thế hệ CBCS ĐBP Long Khốt xây dựng đơn vị vững mạnh”. Còn binh nhất Nguyễn Tuấn Anh khẳng định: “Được khoác trên mình màu áo xanh của người lính biên phòng, đặc biệt được trở thành chiến sĩ của ĐBP Long Khốt anh hùng là niềm vinh dự của người lính. Chính vì điều đó, những ngày tháng trong quân ngũ, những người lính chúng tôi nguyện một lòng, vững tay súng bảo vệ biên cương”. 

43 năm từ ngày thống nhất đất nước, 40 năm sau trận đánh anh hùng, Long Khốt trở thành mảnh đất thiêng, nơi gặp gỡ của các đồng chí, đồng đội năm xưa dù người còn, người mất và đâu đó trên mảnh đất này vẫn còn những hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập. Các anh hóa thân vào mỗi tấc đất quê hương như chính câu đối được khắc lên chuông đồng tại nhà bia tưởng niệm liệt sĩ tại đồn:

“Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc

Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”

Kiên Định

 

Chia sẻ bài viết