Tiếng Việt | English

23/12/2020 - 08:52

Để vụ lúa Đông Xuân thắng lợi

Bố trí lịch gieo sạ sớm; dự báo tình hình thời tiết, sâu, bệnh; ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác,... là những biện pháp mà ngành Nông nghiệp tỉnh Long An đang thực hiện để góp phần cho vụ lúa Đông Xuân (ĐX) 2020-2021 thắng lợi toàn diện.

Xuống giống đúng khung thời vụ góp phần cho vụ Đông Xuân 2020-2021 thắng lợi

Xuống giống đúng khung thời vụ góp phần cho vụ Đông Xuân 2020-2021 thắng lợi

Chủ động phòng, chống dịch hại

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh gieo sạ 114.010ha lúa ĐX 2020-2021, tập trung ở các huyện: Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Thủ Thừa, thị xã Kiến Tường,... Trong đó, lúa ở giai đoạn mạ 43.046ha, đẻ nhánh 36.941ha, đòng trổ 33.463ha, giai đoạn chín 170ha và thu hoạch 390ha. Hiện nay, mặc dù lúa ĐX 2020-2021 trên địa bàn tỉnh chủ yếu ở giai đoạn dưới 1 tháng tuổi nhưng những ngày qua, trên nhiều cánh đồng, nông dân phải tất bật phòng trừ các loại dịch hại. Trong đó, đối tượng chính mà ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo cần cảnh giác trong lúc này là bệnh đạo ôn lá trên các trà lúa ở giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ ở các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Bến Lức, Cần Giuộc, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường.

Ông Nguyễn Tuấn Trài, ngụ ấp Cây Me, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, cho biết: “Vụ ĐX năm nay, do thời điểm sạ lúa gặp thời tiết không thuận lợi, mưa kéo dài nên lúa chết khá nhiều. Để có mạ giặm, tôi đành bón nhiều phân cho lúa mau nở bụi. Vì bón thừa phân nên giờ lúa xanh đậm, sợ bệnh đạo ôn lá bùng phát nên tôi phải phun thuốc ngừa khi lúa mới 18-25 ngày tuổi, còn bình thường như mọi năm thì phải từ 35-40 ngày mới xịt”. Theo những nông dân đã xuống giống vụ lúa ĐX 2020-2021, khi xuống giống, thời tiết không được thuận lợi lắm nhưng thời điểm hiện tại thì thời tiết đã có nhiều sự chuyển biến, tương đối thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển. Điều đáng mừng là sâu, bệnh hại lúa tuy có xuất hiện nhưng ở tỷ lệ ít (từ 5-10%), nông dân hoàn toàn có thể kiểm soát tốt.

“Tình hình dịch bệnh đầu vụ ít, một phần là do thời tiết, một phần là hiện nay, hầu hết nông dân đều có ý thức sử dụng giống lúa xác nhận trong gieo sạ nên kháng được dịch hại. Bên cạnh đó, nông dân cũng chủ động trong phòng trừ sâu, bệnh để bảo đảm năng suất và chất lượng” - ông Trài cho biết thêm.

Bên cạnh việc tích cực ứng phó với tình hình sâu, bệnh thì tại một số địa phương, nông dân cũng đang đau đầu tìm giải pháp để hạn chế thiệt hại do bị chuột cắn phá. Ông Phạm Văn Sơn, ngụ xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, chia sẻ: “Năm nay, khu vực này chuột xuất hiện và cắn phá nhiều hơn mọi năm, nhất là những ruộng nằm cặp các tuyến đường. Mặc dù đã mướn nhân công giặm lúa xong nhưng thấy chuột cắn và làm lúa chết loang lổ khá nhiều nên tôi phải đi giặm lại cả ngày mới xong”.

Cũng theo ông Sơn, mặc dù chuột xuất hiện nhiều và nông dân đã triển khai không ít cách để diệt chuột như dùng bẫy, thả thuốc,... nhưng vẫn không mấy hiệu quả. Do đó, một số nông dân áp dụng biện pháp mua lưới có kích thước mắt lưới nhỏ để rào xung quanh nhằm hạn chế chuột vào ruộng.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ cho biết: “Vụ ĐX 2020-2021, toàn huyện gieo sạ 25.279ha, trong đó lúa giai đoạn mạ khoảng 9.086ha. Từ đầu vụ, trên lúa đã xuất hiện một số bệnh và dịch hại như: Chuột, ốc bươu vàng, rầy nâu, sâu cuốn lá, đạo ôn lá, cổ bông, tỷ lệ nhiễm nhẹ. Phòng đã khuyến cáo đối với người dân trên địa bàn về lịch gieo sạ, tình hình sâu, bệnh và phối hợp các ngành liên quan tổ chức những buổi hội thảo giới thiệu về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho người dân”.

Điều chỉnh khung thời vụ hợp lý

Hiện nay, ngoài những hộ xuống giống trước đang chủ động phòng ngừa dịch hại trên lúa thì những ngày gần đây, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đồng loạt xuống giống cao điểm vụ lúa ĐX cho kịp mùa vụ. Ông Hồ Văn Nhánh, ngụ ấp 2, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, cho hay: “Gia đình tôi đang bơm bớt nước ra để chuẩn bị gieo sạ vụ ĐX, thấy có ốc tương đối nhiều nên tôi tranh thủ rải thuốc để diệt. Nếu không làm việc này ngay thì khi gieo giống xuống sẽ bị ốc ăn mộng, không còn lên cây nữa”.

Theo kế hoạch, vụ lúa ĐX 2020-2021, toàn tỉnh xuống giống 222.000ha. Nhằm bảo đảm vụ mùa thành công, ngành Nông nghiệp tỉnh đã có nhiều kế hoạch chu đáo, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc điều chỉnh hợp lý khung thời vụ gieo sạ. Cụ thể, lịch gieo sạ đợt 1 từ ngày 20 đến 30/10/2020 áp dụng cho các vùng cao, vùng gò thiếu nước của vùng Đồng Tháp Mười và các huyện phía Nam có khả năng bị hạn, xâm nhập mặn như Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ; đợt 2 gieo sạ đồng bộ trên toàn tỉnh từ ngày 18 đến 30/11/2020; đợt 3 gieo sạ từ ngày 15 đến 30/12/2020.

Gia đình ông Bùi Văn Hoài, ngụ ấp Tân Chánh A, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, trồng 3ha lúa. Nhờ tuân thủ lịch gieo sạ và các khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, ruộng lúa của gia đình ông hạn chế được sâu, bệnh; bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất. Dự kiến cuối tháng 12 (Âm lịch), diện tích lúa của gia đình ông sẽ thu hoạch.

Ông Hoài bộc bạch: “Năm rồi, gia đình tôi sạ trễ nên thiếu nước bơm lên lúa. Vì thế, tôi phải thường xuyên thức khuya canh nước lên để lấy vào ruộng. Còn năm nay thì khỏe hơn, tôi chủ động xuống giống ngay sau khi lũ vừa rút. Hiện lúa của gia đình tôi rất khỏe mạnh, không bị sâu, bệnh gây hại”.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh - Trần Thị Kham Ly thông tin: Vụ ĐX 2020-2021, huyện đã xuống giống được 22.100/29.000ha kế hoạch. Hầu hết diện tích đều gieo sạ theo khung thời vụ của ngành và lúa đang phát triển tốt. Ngoài tổ chức cho nông dân gieo sạ theo khung thời vụ, Phòng còn cử cán bộ kỹ thuật xuống địa phương để cùng nông dân ra đồng, hỗ trợ người dân phân tích các điều kiện về thời tiết, nước; tăng cường dự báo, thông báo kịp thời dịch bệnh cho người dân,... Đến nay, một số ít diện tích lúa giai đoạn đẻ nhánh có xuất hiện sâu cuốn lá, đạo ôn lá; lem lép hạt xuất hiện rải rác trên trà lúa trổ nhưng tất cả đều ở mật độ thấp và có thể khống chế được.

Áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất là một trong những biện pháp giúp cây lúa tốt ngay từ đầu vụ

Áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất là một trong những biện pháp giúp cây lúa tốt ngay từ đầu vụ

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, để chuẩn bị cho vụ ĐX 2020-2021, Sở đã khẩn trương chỉ đạo cho các phòng, đơn vị trực thuộc tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh đồng ruộng thật kỹ nhằm hạn chế cỏ dại, lúa chét, chuột, ốc bươu vàng,... cày vùi rơm rạ kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học giúp rơm rạ được phân hủy nhanh, tăng độ phì cho đất, hạn chế ngộ độc hữu cơ, cắt đứt mầm sâu, bệnh lây lan; tăng cường công tác điều tra, theo dõi sinh vật gây hại trên lúa ĐX và hướng dẫn nông dân các biện pháp xử lý kịp thời khi xuất hiện sinh vật gây hại; tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt công tác vệ sinh đồng ruộng và chăm sóc cây lúa khỏe ngay từ đầu vụ để tăng sức chống chịu đối với sâu, bệnh hại.

“Để vụ ĐX 2020-2021 đạt hiệu quả, Sở đã căn cứ vào tình hình thực tế ở các địa phương để có chỉ đạo gieo sạ thích ứng, linh hoạt với diễn biến nguồn nước. Đặc biệt, đối với các huyện phía Nam như Tân Trụ, Thủ Thừa, Bến Lức và TP.Tân An (bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020), Sở đã yêu cầu các địa phương chủ động trong việc nạo vét kênh, mương nội đồng, sử dụng các biện pháp tích trữ nước, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân gieo sạ dứt điểm vụ lúa ĐX 2020-2021 trong tháng 11/2020. Ngoài ra, phải thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, lũ, triều cường, hạn, xâm nhập mặn tại địa phương; khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng, chống thiếu nước, hạn, xâm nhập mặn từ nay đến hết mùa khô và phương án bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh và an ninh xã hội” - ông Nguyễn Chí Thiện thông tin thêm.

Tin rằng, với sự chủ động trong sản xuất của nông dân và sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, vụ lúa ĐX 2020-2021 của tỉnh sẽ thắng lợi, bội thu./.

Lê Ngọc - Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết