Tiếng Việt | English

27/11/2017 - 18:02

Tập trung phát triển vùng lúa chất lượng cao

Bên cạnh những kết quả, Chương trình Phát triển vùng lúa chất lượng cao (CLC) phục vụ chế biến xuất khẩu của tỉnh Long An vẫn còn không ít khó khăn. Tỉnh tập trung nguồn lực, thực hiện nhiều giải pháp, phấn đấu đạt kế hoạch.


Cơ giới hóa hầu hết các khâu trong quy trình sản xuất lúa

Thị trường tiêu thụ vẫn còn khó

Từ năm 2013, tỉnh quy hoạch vùng sản xuất lúa CLC phục vụ chế biến gạo xuất khẩu với diện tích canh tác hơn 48.000ha ở 25 xã thuộc các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười. Mục tiêu của chương trình là phát huy lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân. Theo đó, nông dân sản xuất lúa trong vùng quy hoạch phải thực hiện gieo sạ bằng các loại giống xác nhận CLC, áp dụng các quy trình thống nhất “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”,... bảo đảm 100% sản lượng lúa thu được phải là lúa CLC phục vụ chế biến xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích lúa trong vùng quy hoạch được sản xuất theo hướng VietGAP.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: Trong quá trình thực hiện, tỉnh tập trung nhiều nguồn lực đầu tư thủy lợi, giao thông, xây dựng và sửa chữa các trạm bơm điện,... hỗ trợ nông dân sử dụng lúa giống xác nhận, xây dựng các cánh đồng lớn,... góp phần tăng năng suất, sản lượng lúa CLC. Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn yếu, việc liên kết 4 nhà chưa phát triển mạnh, nhiều nông dân còn sản xuất nhỏ, lẻ, e ngại khi tham gia các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX),... làm ảnh hưởng đến chương trình.

Ông Nguyễn Văn Bờ - nông dân xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa, cho biết, thực hiện chương trình vùng lúa CLC, nông dân được hưởng lợi. Tuy nhiên, trong sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, cần tăng cường đầu tư hệ thống điện 3 pha để xây dựng các trạm bơm phục vụ sản xuất, xử lý vấn nạn lục bình trên các kênh, rạch, tạo thuận lợi vận chuyển nông sản,... Về lâu dài, cần có hướng nghiên cứu chuyển đổi sản xuất, phát triển bền vững để nông dân yên tâm sản xuất, tránh tình trạng “được mùa - rớt giá, được giá - mất mùa”.

Theo ông Huỳnh Văn Cư - Giám đốc HTX Tiên Tiến (xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa), hiện nay, nhiều nông dân vẫn còn sản xuất theo tập quán cũ, chưa tuân thủ quy trình sản xuất tiên tiến dẫn đến hiệu quả sản xuất còn thấp. Bên cạnh đó, HTX chỉ lo được khâu sản xuất và một số dịch vụ liên quan, còn thị trường tiêu thụ vẫn gặp khó khăn. HTX Tiên Tiến ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng đến nay vẫn không thực hiện được nên vẫn phải phụ thuộc vào thương lái. Do đó, kiến nghị các cấp chính quyền cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn về ứng dụng khoa học - kỹ thuật,... để người dân hiểu rõ, cùng tham gia thực hiện. Đồng thời, có giải pháp đẩy mạnh liên kết, giới thiệu nhiều doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho HTX.

Giám đốc HTX Gò Gòn - Trương Hữu Trí (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng), cho biết: Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp góp phần tăng năng suất, sản lượng lúa, nông dân tham gia các mô hình trong HTX thu lợi nhuận cao hơn từ 5-7 triệu đồng/ha/vụ so với ngoài mô hình. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là nhiều nông dân còn hạn chế trong thực hiện cơ giới hóa, thông tin khoa học - kỹ thuật nông nghiệp, HTX phải tích cực hướng dẫn, vận động nông dân áp dụng các quy trình tiên tiến vào sản xuất.

Quyết tâm thực hiện

Việc quy hoạch vùng lúa CLC là một trong những chương trình mang tính đột phá của tỉnh nhằm thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, giúp nông dân phát triển kinh tế. Hướng đến mục tiêu đó, tỉnh thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có trên 20.000ha lúa ứng dụng công nghệ cao ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh.

Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai xây dựng các mô hình điểm ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất lúa để có cơ sở triển khai nhân rộng. Trong đó, hỗ trợ nông dân san phẳng mặt ruộng bằng tia laser; cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất; thực hiện gieo sạ bằng giống xác nhận, sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ thay cho các loại phân bón vô cơ; hướng dẫn quy trình canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”;...

Gần đây, tại cuộc tiếp xúc với nông dân về việc quy hoạch và phát triển vùng dự án lúa CLC, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh đề nghị, thời gian tới, toàn bộ hệ thống chính trị cần có sự quyết tâm cao trong quá trình thực hiện, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, vận động người dân tham gia các THT, HTX để cùng hợp tác trong các khâu của quá trình sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng giá trị sản phẩm; tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung với nhiều cánh đồng lớn, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; tạo điều kiện cho các THT, HTX hoạt động hiệu quả;...

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tăng cường các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp trong vùng quy hoạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trong sản xuất./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết