Tiếng Việt | English

25/08/2016 - 20:05

Áp lực nhập khẩu năng lượng và thiếu vốn đầu tư các dự án

Nhu cầu năng lượng tăng trưởng cao gây áp lực lớn về an ninh năng lượng và vốn đầu tư cho các dự án.

Từ một nước xuất khẩu năng lượng, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng. Nhu cầu năng lượng tăng trưởng cao gây áp lực lớn về an ninh năng lượng và vốn đầu tư cho các dự án, khi riêng ngành điện từ nay đến 2020 mỗi năm cần 7,9 tỉ USD. Đây là nhận định được đưa ra tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam năm 2016 do Bộ Công Thương tổ chức hôm nay (25/8) tại Hà Nội.

Diễn đàn năng lượng Việt Nam

Theo Bộ Công Thương, nhu cầu năng lượng của Việt Nam tăng rất nhanh, khoảng 11,5% trong giai đoạn 2001-2010, nhu cầu tiêu thụ điện cũng tăng trung bình khoảng 11%/ năm giai đoạn 2011-2015. Từ một nước xuất khẩu năng lượng, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng. Dự kiến nhập khẩu khoảng 17 triệu tấn than, chiếm hơn 30% nhu cầu than cho phát điện vào năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam cho biết, giải pháp ngành than đặt ra đối với doanh nghiệp phải tái cơ cấu cổ phần hóa, nâng quy mô công suất mỏ hầm lò hiện nay tiêu chí tập đoàn đặt ra hiện nay là trên 2 triệu tấn, còn mỏ lộ thiên là 5 triệu tấn.

Theo ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, với nhu cầu điện ngày càng tăng cao, cần một lượng vốn rất lớn để đầu tư các dự án. Theo tính toán từ nay đến 2020 mỗi năm cần gần 8 tỷ USD, trong đó 75% đầu tư nguồn điện, 25% đầu tư cho lưới điện. Từ năm 2021 đến 2030 cần 10,8 tỷ USD. Với khối lượng đầu tư lớn như vậy, phải huy động tất cả nguồn lực trong và ngoài nước. Theo chiến lược phát triển này, ngoài nhà đầu tư BOT độc lập, thì cần có các tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư trong nước tham gia phát triển ngành.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, cần có cách nhìn khác trong phát triển ngành năng lượng để nâng cao thêm giá trị gia tăng cho ngành và nền kinh tế. Đối với công nghiệp, lâu nay vẫn chủ yếu là khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp và có những ngành tiêu thụ năng lượng khổng lồ như thép, xi măng.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện hoạch định chiến lược phát triển năng lượng, xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh để cải thiện hiệu quả và năng suất của ngành. Thời gian tới cần tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và thúc đẩy các giải pháp công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả./.

Việt Hà/VOV-Trung tâm Tin

Chia sẻ bài viết