Tiếng Việt | English

07/10/2019 - 16:02

Bảo tồn và phát huy di tích lăng mộ Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức

Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức - tướng quân nổi tiếng trong triều đại nhà Nguyễn nửa cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của ông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cùng Trường Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp Viện Lịch sử Dòng họ và Môn phái Nam Huỳnh Đạo tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức: Nhân vật, Võ nghiệp và Di sản.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo

Gần 50 bài viết về tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Tiến sĩ Lê Hữu Phước nhận định: “Trong tâm thức người Việt, công đức của tiền nhân là di sản hết sức quý báu, thiêng liêng mà các thế hệ kế thừa phải nối tiếp nhau giữ gìn và phát huy giá trị. Kiến Xương Quận công, Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức - một khai quốc công thần của triều Nguyễn, một trong Ngũ hổ tướng đất Gia Định, từng kinh qua 2 chức vụ đặc biệt quan trọng là Tổng trấn Bắc thành và Tổng trấn Gia Định thành, người có công khai phá Giồng Cái Én (Khánh Hậu, Thành phố Tân An, tỉnh Long An) chính là bậc tiền nhân được lưu danh hiển hách trong sử sách và được nhân dân địa phương tôn thờ như một vị thần vẹn toàn trung nghĩa. Công lao, tầm vóc và di sản của ông rất cần được nghiên cứu tường tận, thấu đáo trên cả hai phương diện khoa học và thực tiễn”.

Hiện có gần 50 bài viết của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, học viên cao học từ nhiều địa phương trong cả nước gửi đến hội thảo. Theo Ban Tổ chức hội thảo, số lượng bài viết vượt xa dự kiến ban đầu. Điều này cho thấy sự quan tâm của giới nghiên cứu Việt Nam về Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức (1748-1819). Từ nội dung của các bài viết cho thấy, các tác giả dành cho Nguyễn Huỳnh Đức sự ngưỡng mộ bằng những quan điểm đánh giá hết sức công bằng về ông. Một số tác giả còn thực hiện nghiên cứu điền dã trong cộng đồng để tìm hiểu về lòng sùng kính của người dân đối với Nguyễn Huỳnh Đức. 

Trong tổng số gần 50 bài viết, Ban Tổ chức chọn 40 bài viết để đăng sách kỷ yếu, xuất bản tại Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM. Các bài nghiên cứu với chủ đề: Thân thế và võ nghiệp của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức; Nguồn gốc và phả hệ dòng họ Nguyễn Huỳnh; Nhân cách, đức tính và tấm lòng trung nghĩa của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức được đánh giá theo văn hóa và đạo đức Khổng Mạnh; công trận và công lao của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức trong giai đoạn đầu xây dựng chính quyền nhà Nguyễn; Tín ngưỡng thờ Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức và vấn đề ký ức dân gian về nhân vật và làng Khánh Hậu; Di sản văn hóa phi vật thể và vật thể về lễ hội, lăng mộ Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức; Văn chương, âm nhạc phục vụ cho cuộc hội thảo.

Gợi mở cho nhiều công trình nghiên cứu

Hội thảo được chia làm 3 phiên: Phiên chung, phiên tiểu ban một (Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức: Thân thế và Võ nghiệp) và phiên tiểu ban hai (Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đúc: Di sản và sự kế thừa). Tại hội thảo, có 15 tham luận được trình bày và thảo luận xoay quanh các nội dung như đánh giá lại bối cảnh lịch sử Việt Nam và văn hóa ứng xử của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức theo thuyết trung quân. So sánh Nguyễn Huỳnh Đức với các công thần khác của triều Nguyễn như Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Lê Chất,... Tham luận của các nhà nghiên cứu cũng đánh giá lại về lòng trung thành của Nguyễn Huỳnh Đức với Nguyễn Ánh, sau này là vua Gia Long. Các tác giả cho rằng, lòng trung thành của kẻ trượng phu xuất phát từ vua, vì gặp được minh chúa nên kẻ sĩ như Nguyễn Huỳnh Đức mới hết lòng phụng sự vị vua của mình. Ý kiến khác cho rằng, lòng trung của Nguyễn Huỳnh Đức xuất phát từ lòng trung của một người theo nghiệp võ học, có tâm lý bình tĩnh của một người luyện võ công.

Đánh giá về vua Gia Long và các chúa Nguyễn, các tác giả cho rằng, họ có nhiều ưu điểm, khiến lòng dân Nam bộ yêu mến. Nếu nghiên cứu chính sách của họ với vùng đất Nam bộ sẽ xác lập được cách nhìn xác thực về nhân vật Nguyễn Huỳnh Đức. Về tín ngưỡng và ký ức dân gian, các tác giả chứng minh việc thờ cúng Nguyễn Huỳnh Đức đã diễn ra ngoài địa phương Khánh Hậu như thờ trong miếu công thần tại tỉnh Vĩnh Long. Đặc biệt, người dân Tân An và các địa phương lân cận dành cho Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức lòng sùng kính. Tín niệm về Nguyễn Huỳnh Đức đã hình thành trong đạo Cao Đài hệ phái Tiên thiên với tên gọi Huỳnh Đức Đế Quân.

Tại hội thảo, đại biểu cũng đưa ra ý kiến về bảo tồn di sản. Theo đó, đề nghị Long An cần vinh danh Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức như một danh nhân văn hóa của địa phương; cần mở rộng khu di tích lăng mộ Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức, đúc tượng đồng Nguyễn Huỳnh Đức để tôn vinh tiền nhân. Nhiều đại biểu dự hội thảo cũng đưa ra những ý kiến trao đổi như cần đánh giá lại Nguyễn Huỳnh Đức qua nghiên cứu tâm thức, ký ức dân gian, dư luận tại làng Khánh Hậu và các địa phương nhằm xác nhận uy danh của Tiền quân đối với nhân dân địa phương. Hội thảo cũng nhắc lại công lao của các cán bộ lãnh đạo Đảng và ngành văn hóa tại các địa phương trong việc gìn giữ các di tích lịch sử văn hóa liên quan đến các công thần nhà Nguyễn.

Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo

Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo

Kể từ ngày Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức qua đời thì đây là lần đầu tiên có cuộc hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Các bài nghiên cứu được trình bày giúp thế hệ hôm nay và mai sau có cái nhìn bao quát hơn về lịch sử vùng đất Tân An, tỉnh Long An nói riêng, vùng sông nước Tây Nam bộ, vùng đồi núi Đông Nam bộ, Trung Nam triều đại phong kiến Nguyễn - Tây Sơn nửa cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX nói chung. Nội dung của cuộc hội thảo hướng đến một cách tiếp cận mới trong nghiên cứu, đánh giá và kêu gọi sự quan tâm bảo tồn và phát huy di tích lăng mộ Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức; đồng thời, cũng là một cách gợi mở cho nhiều công trình nghiên cứu sử học và văn hóa học về danh nhân Nguyễn Huỳnh Đức được công bố trong tương lai.

Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức có tên thật là Huỳnh Tường Đức, sinh năm 1748, tại làng Tường Khánh, huyện Kiến Hưng, nay là phường Khánh Hậu, TP.Tân An, tỉnh Long An. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống 3 đời võ nghiệp. Ông theo phò chúa Nguyễn Ánh từ năm 1780, lập nhiều công trạng lớn, được ban họ vua và giữ nhiều chức vụ quan trọng: Chưởng Hậu Quân, Chưởng Tiền Quân, Tổng trấn Gia Định thành, Tổng trấn Bắc thành, tước Quận Công. Tương truyền dân gian và sử sách ghi lại, ông là người trung cang, nghĩa khí, võ nghệ cao cường, mọi người đều gọi ông là “Hổ tướng”. Ông mất vào ngày 09-9-1819, được dân gian xem như một vị thần.

Lăng Nguyễn Huỳnh Đức được công nhận Di tích lịch sử, văn hóa từ năm 1993, là một trong những kiến trúc lăng mộ cổ nhất tại Long An tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Hàng năm, vào 3 ngày (mùng 7, 8 và 9 tháng 9 âm lịch), người dân Long An và Tiền Giang tề tựu cùng gia tộc làm lễ cúng giỗ ông hết sức trọng thể. Truyền thống này được kế tục từ năm 1819 đến nay. Đến tham quan di tích lăng Nguyễn Huỳnh Đức, chúng ta không chỉ biết đến cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của một danh tướng trong lịch sử phong kiến mà còn được chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc lăng mộ, làng mạc và những cổ vật có giá trị về lịch sử, văn hóa dân tộc./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích