Tiếng Việt | English

25/01/2018 - 18:05

Câu lạc bộ Hoa kiểng Thanh Tâm: Điểm hẹn văn hóa

Là địa chỉ quen thuộc của những người yêu nghệ thuật sinh vật cảnh (SVC), hội họa, điêu khắc, thi ca ở thị xã Tân An (nay là TP. Tân An, tỉnh Long An) trước đây nhưng từ năm 2010, cụ Ba Tín - chủ nhân khu vườn qua đời ở tuổi gần 90 thì khu vườn mang tên Hoa kiểng Thanh Tâm “cửa đóng then cài”. Đến nay, được sự đồng ý của người thừa kế khu vườn, Hội SVC tỉnh chuẩn bị làm lễ ra mắt chính thức Câu lạc bộ (CLB) Hoa kiểng Thanh Tâm, tái lập trên cơ sở CLB HKTT cũ,...

Cụ Ba Tín (sinh thời) trong khu vườn của mình

Từng là điểm hẹn văn hóa của nhiều khách mộ điệu gần, xa và du khách trong, ngoài nước, nhưng 7 năm qua, thiếu bóng chủ nhân Ba Tín nên khu vườn ngày càng hoang vắng. Nhiều tác phẩm nghệ thuật SVC và điêu khắc, hội họa của cụ Ba Tín để lại cũng xuống cấp, hư hỏng dần.

Các tường rào của khu vườn đều được nghệ nhân tài hoa này đắp phù điêu các kỳ quan thế giới bằng ximăng pha màu: Vạn lý trường thành (Trung Quốc), Đế Thiên Đế Thích (Khmer), Kim tự tháp (Ai Cập), Phú Sĩ Sơn (Nhật Bản),… sống động như thật. Bên trong, không gian vườn bố cục theo thuyết Tam giáo đồng quy: Phật, Khổng, Lão với nhiều hình tượng: Hòn giả sơn uy nghi trong bể cảnh tơ liễu thướt tha, phù điêu bầy ngựa trắng 8 con phi nước đại mang tính triết lý nhân sinh, phù điêu ngôi đền Taj Mahan (Ấn Độ) là biểu tượng Tình yêu vĩnh cửu của Hoàng đế Shah Jahan và phù điêu Khải hoàn môn (Pháp),…

Một mảng phù điêu Vạn lý trường thành

Xuất thân là thợ bạc, rồi làm chủ một tiệm vàng lớn nhất thị xã Tân An trước 1975. Với tâm hồn nghệ sĩ, tính người hiền lành, hào phóng, trọng nghĩa khinh tài, cụ Ba Tín bỏ cả thương trường lẫn vinh hoa phú quý, đến phường 4 mua đất, lập vườn nghệ thuật, tạo không gian SVC, điêu khắc, hội họa,… Nhiều tao nhân mặc khách nghe tiếng Ba Tín và vườn Thanh Tâm, tìm đến chơi và lấy cảm hứng để sáng tác. Các nhạc sĩ: Phạm Duy, Trịnh Công Sơn,… cũng thường đem đàn đến chơi,… Ai chơi thì chơi, còn chủ nhân khu vườn vẫn miệt mài sáng tạo nghệ thuật.

Sau này, người viết có nhiều cuộc trà đàm với cụ Ba Tín khi cụ ngoài tuổi 80 mà vẫn lụm cụm ra con kênh sau nhà, móc đất vác lên vườn, đắp tượng: Sư tử hí cầu bên hồ cảnh, voi phủ phục bên cổng vào vườn,… Cứ thế, cụ cần mẫn lao động hết ngày này qua tháng nọ, “thổi hồn” cho khu vườn. Nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Kiên Giang đến chơi vài lần là nhớ và đến đều đều. Hàng năm, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12, CLB Hoa kiểng Thanh Tâm tổ chức họp mặt văn nghệ; khách từ miền Đông, miền Tây và trong tỉnh đem tác phẩm nghệ thuật đến so tài và cùng ca hát, ngâm thơ, bình tác phẩm,… Ngành Du lịch Long An cũng từng đưa nơi này vào tuyến du lịch. Nhiều xe chở khách du lịch khi qua Tân An thường ghé để khách tham quan vườn Hoa kiểng Thanh Tâm.

Phù điêu bầy ngựa trắng 8 con bên một hồ cảnh

Là nghệ nhân SVC bậc thầy, cụ Ba Tín còn được Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM thỉnh giảng bộ môn SVC trong nhiều khóa học cho sinh viên. Cụ còn được Hội Hoa lan - Cây cảnh châu Á mời dự đại hội Hoa lan - Cây cảnh tổ chức tại Singapore,…

Hy vọng, sau khi tái lập CLB Hoa kiểng Thanh Tâm, điểm hẹn văn hóa ngày xưa sẽ “sống” lại. Trước mắt, cần chăm sóc, bảo dưỡng các loại hoa, cây cảnh; tu bổ và sửa chữa những chỗ hư hỏng trên các phù điêu, tranh tượng là di sản của cố nghệ nhân Ba Tín. Kêu gọi sự đóng góp để tôn tạo khu vườn thành một hội quán văn hóa SVC có sức thu hút khách tham quan, du lịch và người dân đến hưởng thụ văn hóa./.

 Quang Hảo

Chia sẻ bài viết