Tiếng Việt | English

15/04/2019 - 10:43

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - Đòn bẩy phát triển nông nghiệp

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp được huyện Cần Đước, tỉnh Long An nỗ lực triển khai thực hiện với mục tiêu tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính bền vững.

Trung tâm Phát triển nông thôn - SAEMAUL UNDONG - thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, khảo sát vùng trồng cải bẹ xanh tại Hợp tác xã Rau an toàn Mười Hai

Trung tâm Phát triển nông thôn - SAEMAUL UNDONG - thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, khảo sát vùng trồng cải bẹ xanh tại Hợp tác xã Rau an toàn Mười Hai

Sản phẩm chủ lực

Nhằm cụ thể hóa chương trình OCOP của Trung ương và UBND tỉnh, huyện Cần Đước triển khai kế hoạch thực hiện mô hình trọng điểm phát triển nông nghiệp gắn với chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 với mục tiêu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế, đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.

Qua khảo sát thực tế, Cần Đước có 3 sản phẩm được đưa vào chương trình OCOP của tỉnh: Lạp xưởng Cô Châu (thị trấn Cần Đước), cải bẹ xanh của HTX Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê) và bánh in Long Hựu. Đây là các sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Long Khê - Nguyễn Thanh Oai, HTX Rau an toàn Mười Hai là đơn vị được huyện chọn tham gia chương trình. Đơn vị được hỗ trợ cả về vốn, kỹ thuật; nâng cấp các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại khu vực sản xuất, sơ chế. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, hàng năm, doanh thu của HTX đều tăng, sản phẩm rau an toàn được tiêu thụ tại địa phương và các tỉnh lân cận,... HTX có 31 thành viên, sản xuất khoảng 10 loại rau ăn lá đạt chuẩn VietGAP với khoảng 10,1ha. Qua đó, tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương với thu nhập gần 5 triệu đồng/người/tháng.

Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai - Lê Văn Giấy chia sẻ: “Các thành viên của HTX đều rất phấn khởi vì từ khi tham gia OCOP, đầu ra sản phẩm ổn định, thu nhập của các thành viên cao hơn so với trước. Hiện HTX cung cấp rau an toàn cho hệ thống siêu thị Lucky Farm, Công ty ARITEX, Công ty PCC; HTX Nông nghiệp SX TM DV Phước An,... Để chương trình Mỗi xã một sản phẩm đạt hiệu quả, tôi mong các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, giúp các đơn vị, doanh nghiệp mở rộng thị trường”.

Còn theo bà Lưu Thị Kim Châu - chủ Cơ sở sản xuất lạp xưởng Cô Châu, chương trình OCOP là cầu nối để sản phẩm đến gần hơn với thị trường. Nhằm khẳng định chất lượng và thương hiệu, từ lâu, cơ sở áp dụng kỹ thuật hiện đại trong chế biến như sử dụng hệ thống lò sấy điện, bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, nguyên liệu được bảo đảm.

Sản phẩm bánh in Long Hựu là sản phẩm chủ lực của Cần Đước đang dần khẳng định uy tín và chất lượng đối với người tiêu dùng. Điểm thuận lợi nhất đối với các sản phẩm này là sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Để chương trình đạt hiệu quả

Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng khẳng định: “Chương trình OCOP là giải pháp trọng tâm trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện chủ trương phát triển sản phẩm, dịch vụ có lợi thế tại các xã, thị trấn. Mỗi xã sẽ lựa chọn một sản phẩm chủ lực của địa phương theo chuỗi giá trị, do các tổ chức kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân thực hiện. Huyện chủ trương phát triển 3 sản phẩm chủ lực: Cải bẹ xanh, lạp xưởng và bánh in. Tuy nhiên, các mặt hàng này đang vận hàng đơn lẻ, mang tính địa phương, chưa phát huy được tiềm năng; năng lực sản xuất còn nhiều hạn chế”.

Đoàn Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới Trung ương khảo sát nghề làm lạp xưởng truyền thống Cần Đước

Đoàn Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới Trung ương khảo sát nghề làm lạp xưởng truyền thống Cần Đước

Để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, huyện tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp và người dân, đưa nội dung thực hiện Đề án OCOP vào nghị quyết của địa phương, xây dựng wesite quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, kêu gọi các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. 

Đồng thời, áp dụng đồng bộ, thống nhất các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhất là các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì, máy móc, trang thiết bị, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng,... Xây dựng hệ thống đối tác hỗ trợ thực hiện đề án OCOP từ các doanh nghiệp tham gia trong chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhằm từng bước khẳng định thương hiệu các sản phẩm chủ lực của huyện, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình OCOP, hướng đến xây dựng thành công huyện nông thôn mới./.

Kim Thoa

Chia sẻ bài viết