Tiếng Việt | English

14/02/2018 - 03:27

Giữ gìn nét đẹp phong tục ngày tết

Đối với người Việt, tết không chỉ là dịp sum vầy bên gia đình mà còn giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc qua việc duy trì những phong tục, tập quán cổ truyền. Tùy theo vùng, miền, phong tục ngày tết có chút khác biệt nhưng đều là nét đẹp truyền thống trong cuộc sống hiện đại.

Cứ vào ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), chị Nguyễn Thị Bảy dậy sớm dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa thật đẹp

Dọn dẹp nhà cửa

Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), chị Nguyễn Thị Bảy, ngụ ấp Nhà Thương, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, dậy sớm dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa thật đẹp. Tất cả đồ dùng trong gia đình đều được lau chùi sạch sẽ. “Mọi thứ trở nên sạch sẽ cũng là xóa bỏ những điều xấu, không may trong năm cũ, giúp tinh thần vui vẻ, sẵn sàng rước tài lộc vào nhà trong năm mới” - chị Bảy chia sẻ.

Cùng với dọn dẹp, vệ sinh các vật dụng, gia đình nào cũng trang hoàng nhà cửa ngày tết. Những câu đối đỏ, tranh được treo chỉn chu trên tường nhà. Đến 29, 30 tết, mọi thứ hoàn tất, nhà nhà rực rỡ sắc mai vàng, cúc, vạn thọ,... Nhiều loại trái cây: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, thanh long,... được gia đình bày lên mâm ngũ quả. Qua đó, thể hiện mong muốn một năm mới với những điều tốt lành cho gia đình.

Dọn nhà ngày tết không thể thiếu trong đời sống của người Việt. Việc làm này ngoài ý nghĩa trang hoàng nhà cửa còn mang thông điệp sắp xếp lại năm cũ, chào đón năm mới an khang.

Lì xì đầu năm

Từ nhiều đời nay, lì xì là một trong những phong tục tốt đẹp không thể thiếu trong những ngày tết. Những bao lì xì đỏ thắm, xinh xắn thay lời chúc may mắn, hạnh phúc đầu năm.

Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho sự như ý, cát tường, thịnh vượng suốt cả năm

Chị Đặng Thị Thanh Huyền, ngụ phường 4, TP.Tân An, cho biết, hàng năm, cứ vào sáng mùng 1 tết, mọi người trong gia đình diện quần áo đẹp, quây quần bên nhau để con, cháu chúc thọ ông, bà. Sau đó, người lớn tặng cho trẻ nhỏ chiếc bao lì xì cùng với lời chúc tốt đẹp. Theo chị Huyền, đầu năm mới, những chiếc bao lì xì có giá trị rất đặc biệt, góp phần gắn kết mọi người với nhau hơn, thể hiện tình cảm, sự hy vọng vào một năm mới ấm áp, an lành và gặp nhiều may mắn.

Những bao lì xì đầu năm mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì, hơn thua. Màu đỏ tượng trưng cho sự như ý, cát tường, thịnh vượng suốt cả năm. Cùng với cành đào, mai, hộp mứt, nếu thiếu tục lì xì, hẳn là ngày tết chưa trọn vẹn. Bởi, tục mừng tuổi, lì xì đầu năm là nét đẹp văn hóa, mang ý nghĩa của lời chúc may mắn, sức khỏe và sung túc.

Hái lộc đầu năm

Tục hái lộc đầu năm có từ rất lâu. Sau thời khắc giao thừa, nhiều người đến chùa hái lộc với mong ước mang lộc, sự sinh sôi nảy nở về nhà.

Chị Nguyễn Thị Thanh Lan, ngụ thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, thường đến chùa thắp hương, hái lộc mang về sau khi cúng giao thừa. Chị mong muốn, những điều không may trong năm cũ sẽ qua đi, rước về những phước lộc mới. Cành lộc chị mang về thường được treo trước nhà hay đặt lên bàn thờ.

Vào thời điểm sau giao thừa, nhiều người thường đi chùa hái lộc với mong ước mang lộc, sự sinh sôi này nờ về nhà

Lộc ở đây là một lá cây hay mầm non vừa nhú ra từ thân cây, nách lá ở đền, chùa, miếu. Lộc tượng trưng cho những gì mới được hình thành, hứa hẹn nhiều điều kỳ diệu, con người nhìn vào có thể thấy được tương lai tốt đẹp phía trước mà cố gắng, phấn đấu.

Mùa xuân là mùa cây cối phát triển đâm chồi, nảy lộc sau mùa đông lạnh giá, hái lộc vào thời khắc đầu năm mới với hy vọng mang lại niềm vui và ấm no, hạnh phúc cho bản thân, gia đình.

Và còn rất nhiều phong tục ngày tết khác nữa, giữa cuộc sống hiện đại, một số phong tục tết dần mai một. Để giữ gìn nét đẹp, phong tục truyền thống ngày tết, nhiều người có cách riêng nhưng đều là góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc./.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết