Tiếng Việt | English

14/02/2018 - 22:05

Nôn nao chờ tết...

Gần sáu mươi năm cuộc đời, sau những tháng năm dài bay nhảy, tôi lại nôn nao quay về căn nhà chất đầy kỷ niệm của ba má, nhất là vào dịp tết.

Hôm tháng Mười âm lịch, tôi về thăm nhà, gặp thằng Hùng, nó nói: “Con đã kêu người vét mương, chất chà, tết chú về tát mương ăn tết chơi!”. Tôi nghe mà mừng quýnh. Cái thằng thiệt biết ý ông chú nó!

Từ hôm nghe thằng Hùng nói vậy, tôi cứ nôn nao trong dạ, sáng thức dậy là vội vàng xé lịch ngay, đếm từng ngày mong mau tới tết.
Hồi ba tôi còn khỏe, tết nào cũng tát mương từ hăm sáu, hăm bảy tháng Chạp. Vì năm nào cũng tát mương ăn tết nên tôi xem đó là chuyện thường, thậm chí tôi rất sợ. Tôi sợ là có nguyên do. Nhà chỉ có hai anh em trai nhưng anh Ba đi học trên tỉnh, thường tới hai chín, ba mươi tết mới về. Tôi lúc đó chừng mười hai, mười ba tuổi, mặc nhiên được giao nhiệm vụ lặn xuống rút nút ống bộng cho nước trong mương chảy ra ngoài. 

Tháng Chạp, buổi sáng sớm trời lạnh căm căm. Người ta lặn hai, ba hơi thì rút được nút; còn tôi vừa nhỏ con, vừa không quen việc nên phải tới mười mấy hơi mới giật được cái nút ống bộng bện bằng rơm, được bọc nylon bên ngoài, nút chặt cái miệng bộng. Xong việc, tôi leo lên bờ thì má tôi đã đốt sẵn đống lửa, lấy quần áo khô cho tôi thay. Má còn cho tôi uống một ngụm rượu gừng cho ấm.

Tôi ghét tát mương! 

Đúng hơn là, tôi ghét việc phải lặn xuống nước lạnh giá để rút nút bộng, còn chuyện ngồi nhìn nước cạn từ từ, cá lớn, cá bé nổi lên, nhảy đùng đùng; tôm càng xanh búng tanh tách,... thì tôi rất mê. Cái mương dài cả trăm thước, ba tôi chất chà thành từng cụm. Khi nước cạn, cá dồn về đầu mương. Tuy vậy, cũng còn rất nhiều cá trê, cá lóc, lươn, lịch “chém vè” trong đất bùn. Lúc mấy anh hàng xóm vét mương, thảy bùn lên bờ thì “tụi nó” mới lộ ra, thi nhau giãy đành đạch trên bờ. Tôi chỉ việc lượm bỏ vô thùng rồi đem khoe với má. 

Đến giờ, tôi vẫn không hiểu vì sao hồi đó cá tôm nhiều như vậy. Chỉ một cái mương mà ba tôi bắt được tới mấy giạ cá. Nhiều nhất là cá sặt, cá rô, cá trắng, cá thiểu, cá lòng tong, mè vinh, thác lác,... Má tôi phải nhờ mấy chị hàng xóm qua làm giúp chớ một mình má làm không xuể. Cá trê, cá lóc thì rộng cả lu để dành ăn tới ra ngoài tết; tôm càng xanh thì cả rổ xúc, ba tôi phải để vô cái cần xé, may miệng lại rồi neo ở chỗ nước chảy, để dành ăn từ từ. 

Minh họa: TM

Hồi đó, nồi khổ qua hầm ngày tết nhà tôi không phải dồn cá thác lác với thịt bằm như bây giờ. Má tôi lấy mấy thứ cá hủn hỉn bằm nhuyễn, trộn hành, tiêu, nêm nếm vừa ăn rồi cho vô cối đá quết thêm một hồi để cá được dai. Đây là thứ nhân khổ qua hầm tôi ăn suốt thời thơ ấu; đến nỗi sau này lên thành phố, thấy người ta làm món khổ qua dồn thịt với cá thác lác, tôi thấy rất lạ và không quen được ngay. Cá hủn hỉn nhiều quá, má cho bớt hàng xóm, phần còn lại, ướp muối phơi khô, để dành. Ra Giêng ngán thịt, cá, bữa cơm chỉ cần khô chiên với canh rau tập tàng là ngon không kể xiết!

Cái món tôi nhớ tiếp theo là cá lóc nướng trui cuốn bánh tráng, chấm mắm nêm. Đã thành thông lệ, mâm cơm rước ông bà nhà tôi bao giờ cũng có cá lóc nướng trui và tôm kho tàu. Lần nào cũng vậy, khi chuẩn bị nướng cá là ba lại sai tôi qua nhà anh Bảy Tuấn xin mấy ôm rơm. Khi tôi đem rơm về tới thì đã thấy ba cắm một hàng... cá lóc thẳng băng như người ta xếp hàng duyệt binh. Những con cá lóc bị xuyên qua que tre cắm xuống đất. Ba tôi xếp rơm chung quanh rồi đốt lửa. Ban đầu là lửa to, khi vẩy cá cháy hết thì ba vót thanh tre mỏng cạo cho tróc hết vảy cá rồi hơ lại trên than gáo dừa. 

Trong suốt quá trình ba thao tác, tôi cứ ngồi chò hõ mà nhìn, vừa nuốt nước miếng vì mùi cá nướng khiến trăm ngàn con kiến bò râm ran làm cồn cào bao tử. Bao giờ cũng vậy, khi ba nướng cá xong thì người ngợm tôi cũng dính đầy tro bụi và chị Tư phải hét lên kêu tôi đi tắm rửa, thay quần áo mới.

Món tôm kho tàu của má cũng ngon vô kể! Đó là những con tôm càng xanh to bằng cườm tay, hai cái càng đầy rong rêu mà ba tôi giở chà bên rạch Ông Túc. Má tôi chọn những con tôm to nhất, ngon nhất để làm món tôm kho tàu cúng ông bà. Con tôm được lột vỏ, tách gạch để riêng, sau đó ướp chút muối, bột ngọt, hành, tiêu,...

Tôi có tật xấu là khi má nấu nướng, tôi hay luẩn quẩn chung quanh dể dòm ngó và... nuốt nước bọt. Món tôm kho tàu của má thơm lạ, thơm lùng! Chờ cho tôm thấm gia vị, má bắc chảo lên bếp, cho chút mỡ, tỏi bằm và gạch tôm vô. Trong nháy mắt, gạch tôm tan chảy tạo thành một thứ dung dịch đỏ au, sền sệt và dậy mùi. Khi đó, má tôi mới cho nước mắm vô chảo nấu sôi lên rồi lần lượt cho từng con tôm vào. Tôm nằm cong xếp hàng trong chảo như mấy chị em tôi nằm ôm nhau ngủ trên bộ ván ngựa lúc những đêm gió bấc về lạnh thấu xương. Khi nghe tôi so sánh như vậy, má tôi cười: “Mày nói má nghe ngộ quá! Thôi, đi chỗ khác cho má nấu nướng, đừng chộn rộn nữa”. 

Tôi nghe lời má, đi ra sân coi ba chặt mai chưng tết và lòng đầy thắc mắc: Tại sao mâm cơm cúng ông bà nhà tôi, ngoài món thịt kho hột vịt là phải mua ngoài chợ, còn lại các món khác thì toàn là “cây nhà lá vườn” mà ba má tôi tự tay làm dâng lên cúng ông bà? Hỏi rồi, tôi tự trả lời, chắc tại nhà mình nghèo, ba má không có tiền đi chợ tết như nhà bác Tám hàng xóm. Tuy vậy, tôi vẫn rất thích mâm cơm cúng ông bà của nhà mình vì nó đủ màu sắc, nhìn rất vui mắt. Tôi đặc biệt thích dĩa tôm kho tàu đỏ au nổi bật ở giữa mâm cơm giống như cái nhụy lộng lẫy của bông hoa.

Sau này khi rời quê lên thành phố mưu sinh, tôi không bao giờ còn có mâm cơm cúng ông bà ngon, đẹp như vậy. Khi ba má tôi lần lượt qua đời, anh em tôi cũng tứ tán mưu sinh. Ngôi nhà của ba má giờ ít tiếng người, hơi ấm của sum họp cũng không còn. Cái mương cũ đã bồi cạn; ô rô, mái dầm mọc đầy hai bên mé mương, cái nút bộng giờ cũng không còn vì đâu có ai tát mương ăn tết! Bởi vậy, khi nghe thằng Hùng nói vét mương, chất chà để tát mương ăn tết, lòng tôi lại bồi hồi. Tôi nghiệm ra rằng, khi càng nhiều tuổi thì người ta lại hay hoài niệm và thèm được trở lại những tháng năm thơ dại bên gia đình có ông bà, cha mẹ và anh chị em đủ đầy... 

Gần sáu mươi năm cuộc đời, sau những tháng năm dài bay nhảy, tôi lại nôn nao quay về căn nhà chất đầy kỷ niệm của ba má, nhất là vào dịp tết. Tôi nói với thằng Hùng: “Chừng nào tát mương, mày để chú rút nút ống bộng tháo nước như hồi nhỏ nghen!”. Nó nhìn tôi không mấy tin tưởng, bởi trong mắt nó, tôi là người đàn ông thị thành; quen cầm viết hơn cầm cuốc, xẻng. Nhưng tôi mặc kệ. Cái nút bộng giờ không còn là nỗi sợ hãi nhưng tôi biết, thay vào đó là sự trống vắng đến rưng rưng trong lòng bởi bây giờ, má không còn để đốt lửa sưởi ấm cho tôi...

Dù vậy, tôi biết ở nơi xa, má vẫn dõi nhìn và sẽ mỉm cười khi tết này và những tết sau, căn nhà của má sẽ đầy ắp tiếng cười của con, cháu.

Chiếc lá nào rụng cũng về cội.../.

Phạm Hồng Thủy

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích