Tiếng Việt | English

31/08/2020 - 11:03

Nông dân sản xuất rau cần đầu ra ổn định

Hiện nay, giá cả, lượng tiêu thụ rau màu trên địa bàn tỉnh Long An giảm nhẹ. Theo đánh giá của nhiều người trồng rau, nguyên nhân do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19.

Nông dân cần ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất rau

Giá rau giảm

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng dịch Covid-19, người trồng rau trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn.

Huyện Cần Đước hiện có trên 500ha rau màu các loại, tập trung ở các xã: Long Khê, Long Trạch, Long Hòa,… Nông dân ở đây chủ yếu trồng các loại rau ăn lá như cải, xà lách, hành, ngò,… tiêu thụ tại địa phương, các chợ đầu mối và siêu thị ở TP.HCM. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, sau vụ rau tết, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19, giá rau giảm. Hiện nay, giá rau dao động từ 8.000-18.000 đồng/kg, thương lái mua số lượng ít hơn nên thu nhập của nhiều hộ trồng rau giảm.

Theo anh Nguyễn Văn Thơi, ngụ xã Long Khê, thời điểm cách nay hơn 1 tháng, giá nhiều loại rau, củ, quả khác cũng giảm gần 50% so cùng kỳ các năm trước do sức tiêu thụ trên thị trường yếu và thương lái hạn chế thu mua vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài ra, giá giảm còn do nguồn cung tăng vì thời gian qua, nông dân tại nhiều địa phương đẩy mạnh phát triển trồng rau màu. Tuy nhiên, điều đáng mừng là trong vài ngày gần đây, giá dần hồi phục và đã tăng lên ở mức tương đối, giúp người sản xuất có thể kiếm lời. Nếu như trước đây, rau muống, mồng tơi, bầu, bí,... chỉ ở mức 2.000-5.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên từ 5.000-10.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn. Riêng ớt chỉ thiên tăng hơn 10.000 đồng/kg, hiện ở mức 20.000 đồng/kg. Còn cải xanh, cải ngọt, xà lách và hành lá tại nhiều địa phương đang ở mức 10.000-20.000 đồng/kg,…

Gia đình ông Trần Văn Giàu là một trong những hộ trồng rau có thâm niên ở xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc. Gia đình ông có hơn 0,5ha đất sản xuất thì có tới 1/3 diện tích đã chuyển hẳn sang trồng rau quanh năm, số còn lại cấy 1 vụ lúa và 1 vụ màu. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về 50 triệu đồng. Ông Giàu chia sẻ: “Tuy thường gặp khó khăn về giá nhưng những năm qua, nông dân cũng có nhiều thuận lợi như điều kiện tự nhiên, giao thông, khả năng nắm bắt thị trường cùng kinh nghiệm canh tác lâu năm giúp nông dân phát triển nghề trồng rau. Trong đó, đầu ra sản phẩm vô cùng quan trọng đối với người dân”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương cho biết: “Thời gian qua, nông dân sản xuất rau trên địa bàn gặp không ít khó khăn do hạn, mặn, dịch bệnh,… Tuy nhiên, địa phương chủ động, kịp thời ứng phó, tạo điều kiện để nông dân tái sản xuất và hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật tăng hiệu quả trong sản xuất. Ðể nông dân tiến tới việc sản xuất rau theo hướng hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, có đầu ra ổn định, địa phương tích cực phối hợp các phòng, ban chuyên môn của huyện tuyên truyền, vận động, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đến nông dân”.

Cần đầu ra ổn định

Tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, trong khi việc tiêu thụ nông sản của nông dân chủ yếu dựa vào thương lái vì chưa có hợp đồng bao tiêu đầu ra của các doanh nghiệp và siêu thị. Để ổn định đầu ra sản phẩm một cách lâu dài cho nông dân, ngành chức năng cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, kết nối nông dân với các nhà tiêu thụ để khai thác tốt các kênh bán hàng, thích ứng điều kiện thực tế mới; tăng cường các khâu chế biến và bảo quản sản phẩm; đặc biệt là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao được giá trị hàng hóa.

Để phát triển ngành nông nghiệp, nhất là trồng rau phát triển bền vững, thời gian qua, huyện Cần Giuộc tích cực triển khai các giải pháp để đưa khoa học và công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật; tập trung các giải pháp thúc đẩy mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, gắn với nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, nhiều nông dân tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà màng, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, mở rộng quy mô sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp địa phương. Hiện toàn huyện có 980/1.750ha trồng rau ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 92 hộ dân xây dựng nhà lưới, nhà màng, nhà kính với diện tích 57,8ha.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, để nâng cao hơn nữa tính bền vững trong sản xuất cũng như áp dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, thời gian tới, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm gắn tìm kiếm thị trường bền vững; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản đến đầu tư nhằm xây dựng chuỗi liên kết, cung ứng sản phẩm; sản xuất rau theo hướng công nghệ cao. Hiện toàn tỉnh có trên 2.000ha rau ứng dụng công nghệ cao, đạt trên 100% kế hoạch, trong đó thực hiện các nội dung: Vùng sản xuất sử dụng giống sạch bệnh, năng suất cao và chất lượng tốt; sử dụng phân hữu cơ vi sinh; sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, bảo vệ môi trường, giữ cân bằng hệ sinh thái; ứng dụng hệ thống tưới tự động, tiết kiệm; sản xuất trong nhà lưới để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết và dịch hại, đạt tiêu chuẩn rau an toàn tiến tới đạt chuẩn VietGAP, sản xuất theo chuỗi,… Thông qua việc triển khai ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau và công tác tuyên truyền, quảng bá, hiện nay, các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao đều có lợi nhuận tăng./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích