Tiếng Việt | English

28/08/2018 - 20:23

Trên đỉnh Hải Vân Quan

Đường đèo Hải Vân là một trong những cung đường hấp dẫn du khách vì cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, một bên là núi cao, một bên là biển cả, đặc biệt là di tích Hải Vân Quan.

Một lô cốt còn lại trên Hải Vân Quan, nhìn ra phía Lăng Cô

Một lô cốt còn lại trên Hải Vân Quan, nhìn ra phía Lăng Cô

1. Lưng tựa núi Bạch Mã, mặt hướng biển Đông, Hải Vân Quan tọa lạc trên núi Hải Vân thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP.Đà Nẵng.

Theo nhiều tài liệu ghi chép lại, trong hành trình hướng về phương Nam của các bậc tiền nhân, những câu chuyện bi hùng qua bao thế kỷ còn in dấu đó đây trong trang chính sử hay lưu truyền nơi dân gian. Trên đỉnh nghìn năm mây trắng, tượng hình Hải Vân Quan hiện lên, chạm vào nơi sâu thẳm của những hoài niệm.

Năm 1307, Hải Vân có tên trên bản đồ Đại Việt bởi công trạng nhà Trần. Năm 1407, Hoàng đế Lê Thánh Tông vi hành qua đây gửi tặng câu “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Đây là cửa ải quan trọng, trấn giữ đường thiên lý Bắc - Nam có từ thời Lê. Dưới triều Nguyễn, cha ông ta đưa vị thế của Hải Vân Quan lên một tầm cao mới trong việc biến nơi đây trở thành một pháo đài quân sự, một cứ điểm phòng thủ từ xa hữu hiệu,...

Đặc biệt, năm 1826, vua Minh Mạng cho xây dựng Hải Vân Quan thành một trong những tổ hợp công trình để phòng thủ cho kinh đô Huế cũng như giám sát các hoạt động ở cửa biển Đà Nẵng. Và Hải Vân Quan được nhà vua cho khắc lên cổng đá đỉnh đèo. Sách Đại Nam thực lục chính biên viết: “Phía trước, phía sau đều đặt một cửa quan. Ngạch trước viết ba chữ Hải Vân Quan, ngạch sau viết sáu chữ Thiên hạ đệ nhất hùng quan. Phía tả hữu cửa quan, xếp đá làm tường, trước sau tiếp nhau. Minh Mạng thật sự là vị vua có tầm nhìn chiến lược “quan phòng vệ quốc”, thể hiện qua việc ông cho phái biền binh gồm bốn đội Hữu sai và hai đội Ứng sai cùng súng ống, đạn dược và thiết bị quan trắc trang bị tại đây để kịp thời phi báo khi có động ở phía Đàng Trong hay từ phía biển khơi. Lịch sử nhiều thời ghi nhận, Hải Vân Quan phát huy hữu hiệu tác dụng của những con mắt thần trông đất, giữ nước.

Suốt bao chặng đường dài dựng nước, giữ nước, đèo Hải Vân và Hải Vân Quan đi vào cuộc sống của người Việt, đi vào tâm thức, đi vào nghệ thuật bởi sự trân trọng,...

2. Trải qua hơn 600 năm, Hải Vân Quan vẫn sừng sững giữa đất trời, nhuộm màu rêu phong, cổ kính, pha chút trầm mặc của di tích xưa. Để ngắm Hải Vân Quan, các phượt thủ phải vượt cung đèo quanh co liên tiếp, nhiều đoạn cua tay áo cực kỳ nguy hiểm. Trước mặt chúng tôi là vết tích, công trình của Hải Vân Quan hùng vĩ, minh chứng đây thực sự là một trong những quan ải hùng tráng bậc nhất Việt Nam. Du khách đến đây không chỉ để thỏa lòng ngắm thắng cảnh mà còn tò mò về những câu chuyện huyền bí từ thời xa xưa.

Du khách tham quan Hải Vân Quan

Du khách tham quan Hải Vân Quan

Một ngày nắng, chúng tôi lang thang theo con đường cũ lên đỉnh đèo. Cứ ngỡ sau khi có hầm đường bộ Hải Vân vào năm 2005 thì đường lên Hải Vân Quan sẽ vắng vẻ nhưng thật ra không phải. Hôm ấy không là ngày cuối tuần, lại đúng giữa trưa nhưng rất nhiều xe chở du khách, phần lớn là người nước ngoài đến thưởng ngoạn di tích. Họ đi thành từng đoàn, dắt tay nhau lên những bậc đá để lên đỉnh cửa ải. Có người tò mò, chui vào tận sâu bên trong lô cốt để hít thở khí trời mát lạnh. Có người đưa tay sờ lên những bức tường bám đầy rêu phong. Có người háo hức ngắm đồn lũy xưa, nhìn biển Đà Nẵng bao la, xen lẫn núi rừng với những làn mây trắng lững lờ trôi,...

Chúng tôi ấn tượng với một đôi nam nữ (tỉnh Quảng Ngãi) đến Hải Vân Quan để chụp ảnh cưới. Cô dâu tên Linh chia sẻ: “Từ lâu, vợ chồng tôi được biết đến thắng cảnh núi rừng, biển cả nơi đây. Từ sớm, chúng tôi cùng ê-kip chụp hình vượt đoạn đường khá xa để đến Hải Vân Quan. Tuy vất vả nhưng vì yêu thiên nhiên nên nhất định vợ chồng phải chụp bộ ảnh cưới để làm kỷ niệm. Không chỉ chụp hình ở bên dưới Hải Vân Quan, chúng tôi còn lên trên lô cốt để lấy được toàn cảnh Hải Vân Quan”.

Mỗi lần qua lại nơi này, những câu chuyện xa xưa cứ tự nhiên hiện về như nhắc cho người sau những vết tích cha ông từ thời mở mang bờ cõi, cũng như gieo vào lòng du khách một nỗi buồn khó tả khi chiều buông.

Trải qua nhiều lớp bụi thời gian, ngày nay, công trình này vẫn chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa lịch sử và cũng là thắng cảnh nổi tiếng, góp phần vào sự phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh Thừa Thiên - Huế, TP.Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung. Trong đó, Hải Vân Quan là mắt xích quan trọng nối kết hai vùng du lịch Bắc và Nam Trung bộ. Vì vậy, nếu một lần có dịp đến miền Trung, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội được chiêm ngưỡng “bồng lai tiên cảnh”./.

Ngày nay, trên đỉnh đèo Hải Vân còn dấu vết của một cửa ải. Cửa ải này là Hải Vân Quan, xây từ đời Trần và được trùng tu vào thời Nguyễn (Minh Mạng thứ 7, năm 1826). Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông xuống Quảng Nam (nay là TP.Đà Nẵng) đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Cửa ải Hải Vân còn chứng kiến cuộc ngự du của vua Thành Thái vào mùa hè năm 1896. Xa giá của vua đi đường thủy vào đến Lăng Cô, nghỉ qua đêm rồi hôm sau đăng sơn. Vua cưỡi ngựa, tháp tùng là giới chức Pháp lên tận cửa ải để ngắm cảnh quan. Ngoài ra, nơi đỉnh Hải Vân Quan hiện vẫn còn một vài lô cốt do quân đội Pháp xây dựng vào năm 1826 để bảo vệ ngọn đèo chiến lược này. Vì những giá trị lịch sử, ý nghĩa, năm 2017, Hải Vân Quan được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ký quyết định xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.

(Theo Wikipedia)

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết