Tiếng Việt | English

22/09/2017 - 12:31

Trên những mảnh đất anh hùng

Tỉnh Long An có 3 tập thể huyện được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (AHLĐ) thời kỳ đổi mới. Đó là các huyện: Bến Lức, Mộc Hóa cũ (nay là thị xã Kiến Tường và Mộc Hóa), Cần Đước. Suốt chặng đường dài, những địa phương này luôn có nhiều thành tích nổi bật trên các lĩnh vực.

Vượt trội trên nhiều lĩnh vực

Năm 2010, Bến Lức là đơn vị đầu tiên trong tỉnh được phong tặng danh hiệu AHLĐ thời kỳ đổi mới. Lúc đó, thành tích này hoàn toàn “mới toanh” so với các địa phương khác. Đây là cả một quá trình phấn đấu lâu dài của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện.

Khu dân cư Nam Long, huyện Bến Lức được xây dựng khang trang

Huyện phát huy hiệu quả tiềm năng sẵn có từ hệ thống giao thông: Quốc lộ 1, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Bến Lức - Long Thành (khởi công đầu năm 2015), Đường tỉnh 830, sông Vàm Cỏ Đông,... tạo thuận lợi cho việc giao lưu, phát triển KT-XH.

Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi cho biết, điểm nhấn của huyện chính là tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất kinh tế duy trì ở mức cao. Bến Lức được quy hoạch phát triển công nghiệp từ rất sớm. Nếu như trước đây, giá trị sản lượng công nghiệp toàn huyện chiếm gần 60% so với tổng sản lượng công nghiệp toàn tỉnh, hiện nay còn khoảng 40%. Hiện, toàn huyện có 11 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 1.200ha. Dù diện tích quy hoạch không lớn nhưng tỷ lệ lấp đầy tương đối cao (gần 65%).

Điển hình như các khu công nghiệp: Thuận Đạo, Thịnh Phát, Phúc Long, Vĩnh Lộc, Nhựt Chánh 1, Phú An Thạnh,... Bến Lức có hơn 1.200 doanh nghiệp (DN) trong nước, tổng vốn đầu tư trên 18.000 tỉ đồng; DN nước ngoài là 94, thu hút vốn đầu tư 1,2 tỉ USD. Các dự án, DN đầu tư sản xuất, kinh doanh tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục ngàn lao động và đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách địa phương.

Bến Lức hiện có nhiều khu dân cư đô thị mọc lên, hứa hẹn mang đến sự phát triển sôi động. Huyện có 6 dự án khu dân cư đô thị đang hình thành ven thị trấn Bến Lức, điển hình là khu Nam Long, Thanh Yến, Thái Bình Dương tạo nên diện mạo mới cho địa phương. Chính sự phát triển nhanh đó, tỉnh tiếp tục đầu tư đường Vành đai 4 (Đường tỉnh 830) nhằm kết nối các khu, cụm công nghiệp các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc đi Cảng Quốc tế Long An.

Một điểm nổi bật nữa của địa phương chính là đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc Bến Lức - Long Thành kết nối đường Vành đai 3 tạo nên tổng thể giao thông hoàn chỉnh phục vụ phát triển công nghiệp. Với điều kiện đó, cấp trên tiếp tục cho Bến Lức quy hoạch thêm 1.300ha đất công nghiệp (thuộc các xã: An Thạnh, Lương Hòa, Lương Bình,...) nhằm kết nối với TP.HCM.

Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, lĩnh vực thương mại - dịch vụ ở huyện phát triển nổi bật qua hệ thống siêu thị, ngân hàng, bởi nơi đây tập trung khá nhiều chi nhánh. Trong quy hoạch, huyện dành hơn 1ha để mở rộng việc xây dựng siêu thị gần Khu công nghiệp Thuận Đạo hướng về huyện Cần Đước.

Từ những định hướng đúng đắn, trong vài năm tới, khi các dự án trên lấp đầy sẽ thu hút thêm nhiều DN đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo nên cuộc bứt phá lớn ở Bến Lức. Thị trấn Bến Lức đạt đô thị loại IV vào năm 2010, đang phấn đấu trở thành đô thị loại III vào năm 2020. Thời gian tới, Bến Lức tiếp tục tăng cường nhiều giải pháp đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp và triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất. Đây là điểm nhấn quan trọng để huyện tiếp tục bứt phá vươn lên.

Vươn lên từ danh hiệu cao quý

Năm 2013, huyện Mộc Hóa cũ (nay là thị xã Kiến Tường và huyện Mộc Hóa) được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực vươn lên của một huyện biên giới vùng Đồng Tháp Mười. Khi đó, địa phương này luôn dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của tỉnh, thể hiện xuất sắc vai trò trung tâm vùng Đồng Tháp Mười. Từ đó, tạo sức lan tỏa cho sự phát triển chung của toàn vùng, đóng vai trò nòng cốt cho sự phát triển KT-XH vùng biên gắn với bảo đảm chủ quyền, an ninh biên giới, phát triển mối quan hệ hữu nghị, láng giềng với nước bạn Campuchia.


Trường THCS Trần Văn Giàu, xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh vùng biên giới

Ngày nay, dù chia tách địa giới hành chính nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 địa phương vẫn quyết tâm gìn giữ, phát huy danh hiệu AHLĐ trong điều kiện còn nhiều khó khăn.

Theo UBND thị xã Kiến Tường, trong lộ trình phát triển, địa phương phấn đấu trở thành đô thị năng động, trung tâm vùng Đồng Tháp Mười; ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; từng bước xây dựng, đưa vào hoạt động một số phân khu chức năng trong Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp. Trong khi đó, huyện Mộc Hóa mới chia tách là địa bàn vùng sâu nên còn lắm khó khăn, trở ngại. Vượt qua thử thách, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mộc Hóa tập trung phát triển nông nghiệp, nuôi thủy sản nước ngọt, xây dựng vùng lúa chất lượng cao,... hứa hẹn mang đến sự khởi sắc trong thời gian không xa.

Thi đua toàn diện

Đối với huyện Cần Đước, để đạt danh hiệu AHLĐ vào năm 2015 là cả quá trình phấn đấu qua nhiều giai đoạn. Nhiều năm liên tục, huyện thuộc tốp đầu của tỉnh về phong trào thi đua.

Hơn 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện được khen thưởng từ tỉnh đến Trung ương. Tốc độ phát triển kinh tế tăng bền vững hàng năm (từ thu nhập bình quân đầu người 20 triệu đồng/năm vào năm 2010, đến nay đạt 55 triệu đồng/năm).

Về phát triển công nghiệp, nếu như đầu năm 2005, huyện chỉ mới hình thành một vài khu, cụm công nghiệp: Long Định - Long Cang, Cầu Tràm,... thì hiện nay, nhiều cụm công nghiệp mới được tập trung triển khai ở các xã khó khăn hơn: Long Hựu Đông, Long Hựu Tây, Cụm công nghiệp Long Sơn - Tân Trạch,... giúp người dân địa phương không phải đi làm ăn xa như ngày trước nữa.

Đặc biệt, đời sống người dân vùng nông thôn có bước chuyển biến rõ rệt. Điều kiện sản xuất, sinh hoạt thay đổi, khu dân cư nông thôn, đường làng, hạ tầng đô thị mọc lên. Đây là nền tảng để huyện phát triển. Hiện tại, các trục đường từ huyện đến xã được nhựa hóa, xe ôtô đến trung tâm xã, kể cả xóm, ấp. Đây là bước phát triển khá nhanh so với những năm trước đây.

Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường nhận định, có được thành quả trên, trước hết là Đảng bộ luôn đoàn kết, chung lòng, phát huy sức mạnh, trí tuệ của tập thể và sự đồng thuận của người dân. Nhờ chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cuộc sống người dân ngày càng khấm khá hơn. Huyện đang tập trung thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với cây rau ở vùng thượng và tôm giống chất lượng cao vùng hạ.

Đường dẫn vào trung tâm huyện Cần Đước

Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến, thể hiện qua phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Tất cả tạo nên nét đẹp về tình làng, nghĩa xóm ở huyện điểm điển hình về văn hóa của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Lành, ngụ xã Mỹ Lệ, chia sẻ: ‘‘Trước đây, chúng tôi chủ yếu trồng lúa nhưng năng suất bấp bênh, cái nghèo cứ mãi đeo đẳng,... Sau này, nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, cuộc sống dần ổn định. Đường sá, trường học được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu đi lại và học tập của các cháu học sinh. Tôi vô cùng phấn khởi!’’.

Cần Đước đang chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - nông nghiệp - thương mại - dịch vụ.

Danh hiệu AHLĐ là phần thưởng cao quý mà không phải tập thể nào cũng có được. Vì vậy, việc gìn giữ và phát huy những thành tích ấy trong giai đoạn hiện nay với các địa phương được xem là động lực quan trọng vững tiến đến tương lai./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết