Tiếng Việt | English

14/10/2017 - 21:30

9 tháng năm 2017: Toàn quốc phát hiện hơn 13.000 trường hợp vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng

Ngày 14/10, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới” do Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – Phạm Văn Rạnh chủ trì điểm cầu Long An.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – Phạm Văn Rạnh chủ trì điểm cầu Long An

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2016, diện tích rừng toàn quốc là 14.377.682ha, tăng 315.826ha so với năm 2015, độ che phủ đạt 41,19%. Giá trị lâm nghiệp tăng bình quân 6,75%/năm trong giai đoạn 2013-2016.

Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng từ 2,8 tỉ USD/năm giai đoạn 2006-2010 lên 6,52 tỉ USD/năm giai đoạn 2012-2015; năm 2016 đạt 7,3 tỉ USD, xuất siêu 5,4 tỉ USD; ước cả năm 2017 đạt 7,6-7,8 tỉ USD.

Dịch vụ môi trường rừng thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng, giảm áp lực chi ngân sách. Việc bảo vệ và phát triển rừng có sự tham gia của toàn xã hội. Diện tích rừng cả nước tăng. Nghề rừng góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân.

Một số nơi trên cả nước, diện tích rừng giảm, nhất là khu vực Tây Nguyên. Toàn khu vực hiện có hơn 2,5 triệu ha rừng, giảm hơn 3.000ha so với năm 2015.

Việc vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng thường xuyên xảy ra. 6 tháng cuối năm 2016, cả nước phát hiện gần 11.000 vụ vi phạm, xử lý hành chính trên 9.500 vụ, xử lý hình sự 164 vụ. Trong 9 tháng năm 2017, toàn quốc phát hiện hơn 13.000 vụ vi phạm, xử lý hành chính gần 11.000 vụ, xử lý hình sự 263 vụ.

Thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên được các địa phương quan tâm. Tuy nhiên, tình trạng khai thác lén lút, trái pháp luật diễn biến phức tạp, chậm phát hiện và xử lý, đặc biệt tại khu vực Tây Nguyên, một số tỉnh miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Nghệ An) và tỉnh Điện Biên.

Trước thực tế trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất Chính phủ giao trách nhiệm cụ thể từng đơn vị, cá nhân, xử lý triệt để các hành vi vi phạm. Trong đó, nghiêm túc thực hiện đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên; kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng; chống nạn chặt phá rừng trái pháp luật.

Thủ tướng Chính Phủ - Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung bảo vệ và phát triển rừng; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn nạn phá rừng và kêu gọi nhân dân tích cực trồng rừng, giữ gìn và phát triển diện tích rừng hiện có./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết