Tiếng Việt | English

28/04/2024 - 10:00

Xã anh hùng thay 'áo mới'

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tỉnh Long An có những đóng góp to lớn về sức người, sức của. Dân và quân tỉnh nhà vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, cùng cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Trong những ngày tháng lịch sử đó, dân và quân nhiều nơi trong tỉnh viết nên truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” bằng nhiều chiến công, nhiều xã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”. Gần 50 năm trôi qua, những vùng quê cách mạng nay đã “thay da, đổi thịt”.

Trường Tiểu học Đặng Thành Công (xã Hòa Phú, huyện Châu Thành) được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia và đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2

"Điểm sáng" xây dựng nông thôn mới

Xã Hòa Phú là cửa ngõ của huyện Châu Thành. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xã là địa bàn có vị trí chiến lược rất quan trọng đối với quân đội Mỹ - ngụy. Nơi này vừa là “lá chắn” phía Nam của tỉnh lỵ Tân An (nay là TP.Tân An), vừa là “bàn đạp” để tấn công ra các vùng giải phóng của huyện Châu Thành.

Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú - Bùi Văn Hòn cho biết, xã là một trong những nơi có chi bộ đầu tiên của huyện Châu Thành, sớm tham gia kháng chiến chống Pháp, tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ. Nhân dân trong xã luôn nêu cao ý chí bất khuất, kiên cường. Đặc biệt, trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ đã sớm hình thành được nhiều cuộc đấu tranh chính trị chống đàn áp, khủng bố, đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ. Nhân dân luôn đùm bọc, che chở lực lượng cách mạng, xây dựng nhiều “căn cứ lõm” trên địa bàn xã.

Nhà truyền thống tại xã Hòa Phú được xây dựng cạnh trụ sở UBND xã, lưu giữ danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân của xã Hòa Phú trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cùng toàn bộ thông tin, hình ảnh về các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Bí thư Đảng ủy xã, Ban Chấp hành Đảng bộ xã qua các thời kỳ (từ sau năm 1975)

Sống qua những ngày tháng gian khổ trong chiến tranh đến khi đổi mới và phát triển trong hòa bình, ông Đinh Tiến Bé (SN 1947, ngụ ấp 4, xã Hòa Phú) bồi hồi kể: “Trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, mảnh đất Hòa Phú là nơi tập kết của lực lượng cách mạng tiến về tỉnh lỵ Tân An, giải phóng Tỉnh ủy, góp phần vào chiến thắng cuối cùng, thống nhất đất nước. Để có được độc lập, tự do, hạnh phúc hôm nay, hàng trăm đồng bào, chiến sĩ đã mãi nằm xuống mảnh đất này”.

Ngày nay, để xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước, phát huy truyền thống của địa phương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Hòa Phú chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, đưa xã phát triển toàn diện về nhiều mặt. Cuộc sống mới đã hồi sinh trên quê hương anh hùng, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng cao. Năm 2014, Hòa Phú là 1 trong 8 xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); năm 2019, tiếp tục là 1 trong 2 xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

Hiện nay, 100% đường xã, đường ấp được nhựa hóa, bêtông hóa; 100% đường ngõ, xóm được cứng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tham gia giao thông, vận chuyển hàng hóa thuận tiện, an toàn. Trên địa bàn xã có Trường Mẫu giáo Hồ Văn Ngà và Trường Tiểu học Đặng Thành Công đều đạt chuẩn quốc gia và đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2. Tất cả nhà văn hóa ấp đều được lắp đặt các dụng cụ thể dục - thể thao ngoài trời. Hàng năm, xã tổ chức ít nhất 4 cuộc thi về văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao quần chúng nhằm phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khỏe, vui chơi, giải trí của Nhân dân. Đến nay, 97,04% người dân tham gia bảo hiểm y tế, dân số được quản lý sức khỏe đạt 91%,...

“Những năm đầu sau giải phóng, xã đối mặt với vô vàn thách thức. Kinh tế, kết cấu hạ tầng gần như bắt đầu từ con số 0. Với sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, giờ đây, xã đã phát triển vượt bậc về mọi mặt, đời sống người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. 100% hộ dân có nhà ở kiên cố, bán kiên cố, Xã không còn hộ nghèo, chỉ còn 4 hộ cận nghèo. Sự phát triển của xã không chỉ là niềm tự hào của người dân mà còn là minh chứng về sức mạnh của lòng dân” - ông Bùi Văn Hòn cho biết thêm.

Khắc ghi truyền thống, bứt phá phát triển

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đức Hòa - Mai Văn Cương dù đã về hưu gần 24 năm nhưng vẫn thường xuyên cập nhật thông tin về xã, huyện, tỉnh

Xã Mỹ Hạnh (nay là xã Mỹ Hạnh Nam và Mỹ Hạnh Bắc), huyện Đức Hòa cũng là một trong những chiến trường ác liệt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đức Hòa - Mai Văn Cương kể lại: “Với vị trí nằm sát Sài Gòn (nay là TP.HCM), có rừng dầu, rừng sến bao quanh,... xã Mỹ Hạnh trở thành căn cứ, địa bàn đứng chân của các đồng chí trong Xứ ủy, Tỉnh ủy và Huyện ủy. Dù bị địch ra sức càn quét nhằm kiểm soát khu vực vùng ven Sài Gòn nhưng với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, dân và quân Mỹ Hạnh vẫn kiên cường bám trụ. Nơi này là tuyến xuất phát tiến công của quân ta từ hướng Tây vào Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975”.

Năm 1979, xã Mỹ Hạnh Nam được tách ra từ xã Mỹ Hạnh. Những năm đầu, do ảnh hưởng bởi chiến tranh, xã gặp rất nhiều khó khăn. Qua nhiều năm cố gắng, vượt qua khó khăn của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân, xã đã đón nhận danh hiệu NTM vào năm 2014; đồng thời, trở thành xã đầu tiên của huyện Đức Hòa được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2020. Thành quả ấy là nguồn động lực to lớn, khích lệ và tiếp thêm sức mạnh cho cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân địa phương đồng lòng, quyết tâm xây dựng xã NTM kiểu mẫu trong thời gian tới.

Đến xã Mỹ Hạnh Nam hôm nay, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng, một nơi từng bị tàn phá bởi khói lửa chiến tranh lại có bước chuyển mình “ngoạn mục”. Chủ tịch UBND xã Mỹ Hạnh Nam - Phan Văn Anh Phụng thông tin, các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã đã được đầu tư và nâng cấp một cách đáng kể. Đường xã được nhựa hóa, bêtông hóa, bảo đảm sạch sẽ và không lầy lội vào mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của người dân và phát triển KT-XH của địa phương.

Hiện nay, tại xã Mỹ Hạnh Nam, đường xã được nhựa hóa sạch sẽ, khang trang

Hiện nay, xã có 2 chuỗi siêu thị tiện lợi và 1 điểm chợ nông thôn được quy hoạch với diện tích xây dựng 32.442m2; chợ được xây dựng kiên cố, có các điểm kinh doanh được sắp xếp trật tự, không lấn chiếm lòng, lề đường, có danh mục hàng hóa kinh doanh phong phú, hệ thống điện, nước sinh hoạt, khu vệ sinh, phòng cháy, chữa cháy theo quy định. Nền chợ được bêtông hóa, có bảng hiệu khu vực thu gom, xử lý rác trong ngày.

Những năm qua, xã Mỹ Hạnh Nam luôn quan tâm, vận động xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết,... nêu cao tinh thần "tương thân, tương ái". Nhờ vậy, đến nay, 100% nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng, không còn nhà tạm hay nhà dột nát. “An cư thì mới lạc nghiệp”, cũng từ đó mà người dân tập trung lao động, sản xuất, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 65 triệu đồng/năm.

Tuổi trẻ xã Mỹ Hạnh Nam ra quân hưởng ứng Tết trồng cây

Bí thư Đoàn xã Mỹ Hạnh Nam - Lê Khắc Huy chia sẻ, dù sinh ra trong thời bình nhưng tinh thần bất khuất, không ngại hy sinh, gian khổ của cha ông vẫn luôn là động lực để anh phát triển bản thân. Anh Huy nói: “Thanh niên xã nhà cần phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, tham gia mọi mặt của cuộc sống, từ học tập, lao động, sản xuất đến phát triển kinh tế. Đặc biệt, họ cần sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc và giữ vững niềm tự hào, tinh thần yêu nước và tự tôn dân tộc”.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, cả 2 xã anh hùng Hòa Phú và Mỹ Hạnh Nam vẫn luôn giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương. Qua quãng đường dài từ thời chiến đến thời bình đã chứng minh rằng, bằng tinh thần đoàn kết và sự nỗ lực không ngừng, có thể vượt qua mọi thách thức. Trong thời chiến, Hòa Phú và Mỹ Hạnh Nam là những lá cờ đầu, còn trong thời bình, đây là những “điểm sáng” trong phong trào thi đua lao động, sản xuất, giúp nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân./.

Khánh Duy

Chia sẻ bài viết