Tiếng Việt | English

07/11/2017 - 11:29

Kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga (07/11/1917 - 07/11/2017)

Ấn tượng sâu sắc và bền vững

Vào giữa những năm 20 của thế kỷ XX, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội và giảng những bài đầu tiên về Cách mạng XHCN Tháng Mười ở Quảng Châu, Trung Quốc thì từ đất Chợ Lớn và Tân An (nay là Long An) cũng bắt đầu có một số du học sinh sang Pháp, tham gia phong trào cộng sản quốc tế.

Năm 1926, trí thức yêu nước Nguyễn An Ninh lần đầu tiên cho đăng đàn tại Sài Gòn toàn văn Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Thực dân Pháp lo sợ cách mạng và ra sức bưng bít, vì thế, chủ nghĩa cộng sản "bên Tây" dù thâm nhập về Sài Gòn, Chợ Lớn và Tân An nhưng ánh sáng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga hãy còn le lói.

Hẳn phải từ năm 1930, người Long An nay mới thật sự đón nhận cuộc cách mạng vĩ đại thông qua những người cộng sản - từ những hạt giống đỏ nảy mầm do chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gieo về mảnh đất Nam bộ - với niềm tin tưởng mãnh liệt. Vè Cộng sản - một trong những bài ca tuyên truyền cách mạng dưới ánh sáng Cách mạng Tháng Mười - xuất hiện năm 1930 ở Trung Quận, mới tìm thấy, viết rằng: “Cộng sản đúng đắn, ở tại nước Nga”. Trước đó, theo một tài liệu lưu trữ, Võ Văn Tần - đảng viên cộng sản tiêu biểu thuộc thế hệ ban đầu, sau là Thường vụ Trung ương Đảng, nói: “Thời đại ngày nay chỉ có Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là con đường tương lai xán lạn nhứt”.

Tháng 3/1930, khi Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của Long An ngày nay ra đời ở Đức Hòa thì Nghị quyết hành động đầu tiên là lấy thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga làm nội dung tuyên truyền trong quần chúng lao khổ, chống ách áp bức của thực dân Pháp.

Cùng năm 1930, đồng chí Lê Quang Sung, nguyên là hội viên của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, sau khi tiếp thu bài học về cuộc cách mạng đến nơi (tức Cách mạng Tháng Mười) từ Quảng Châu vào Sài Gòn đi vô sản hóa rồi về hoạt động ở Đức Hòa, Trung Quận, Tân An, sau đó là Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Chợ Lớn (tháng 11/1930).

Nữ đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ hoạt động chung với đồng chí Phạm Văn Đồng được Nguyễn Ngọc Ba - hội viên Thanh niên học khóa đầu ở Quảng Châu và Châu Văn Liêm, người sáng lập An Nam Cộng sản Đảng - trực tiếp giác ngộ về Cách mạng Tháng Mười và lý luận đấu tranh giai cấp, về hoạt động với Lê Quang Sung và trở thành Phó Bí thư Tỉnh ủy. Cả Lê Quang Sung và Nguyễn Thị Nhỏ đều bị Pháp bắt bỏ tù, tra tấn dã man và sau đó hy sinh.

Đồng bào Đức Hòa ngày nay còn nhắc nhớ nhiều về cuộc míttinh tháng 4/1931 nhằm kỷ niệm cuộc Cách mạng Nga ở vườn cao su Đức Lập do chính Lê Quang Sung trực tiếp diễn thuyết. Tên Chánh cò mật thám Chợ Lớn Cam-pa-na chĩa súng vào cuộc míttinh này và huy động lính đàn áp, chúng bắn chết đồng chí Hộ Thỏ (tức Bộ Thỏ, tức Nguyễn Văn Thới), Phó Bí thư Quận ủy Đức Hòa.

Cùng một thời gian, Tỉnh ủy Chợ Lớn thống nhất chỉ đạo nhiều nơi trong tỉnh tổ chức đấu tranh kết hợp kỷ niệm lần thứ 13 cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười với kỷ niệm ngày sinh của Lênin, tung rải truyền đơn cách mạng khắp nơi. Ở Cần Giuộc, Quận ủy trương ngay trước cửa dinh của tên Phủ Tấn một lá cờ đỏ cùng các truyền đơn, biểu ngữ tung hô ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ muôn năm, bất chấp mọi đàn áp của đế quốc Pháp.

Đồng chí Hà Huy Giáp - nguyên Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ năm 1931, sau này nhắc lại một sự kiện của những năm 30: Từ Tân An, Lê Văn Kiệt đi làm kỹ thuật viên ở Sở Dây thép gió (Station télégraphique sansfil) Sài Gòn dũng cảm thừa cơ đêm tối treo một lá cờ đỏ búa liềm khổ lớn lên tận đỉnh cột ăngten để kỷ niệm cuộc Cách mạng Tháng Mười. Chính quyền thực dân lồng lộn tìm bắt ngay Lê Văn Kiệt và kết án tù chung thân, đày đi Côn Đảo. Chúng ta biết, Lê Văn Kiệt là một trong những người lãnh đạo Tổng Công hội đỏ Nam kỳ năm 1930, trực tiếp gặp gỡ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô và được Người quan tâm giúp đỡ khi sang dự Đại hội Quốc tế Công hội đỏ. Tháng 8/1930, tại diễn đàn Quốc tế Công hội đỏ lần thứ V ở Mátxcơva, đồng chí Lê Văn Kiệt đọc diễn văn tham luận nói về tình cảnh và cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, lao động ở Nam kỳ, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới, trong đó có Liên Xô với cách mạng nước ta.

Từ năm 1927 đến năm 1933, nhờ sự giới thiệu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với Quốc tế Cộng sản, từ Tân An và Chợ Lớn, có 5 thanh niên được theo học Đại học Phương Đông (Liên Xô). Sau này trở về, 1 đồng chí làm việc ở Ban Phương Đông, 1 đồng chí làm Tuyên huấn Trung ương và 1 đồng chí làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ.

Năm 1933, lúc cách mạng còn nhiều gian khó, cơ quan Xứ ủy và các Tỉnh ủy nhiều lần tan vỡ do sự đánh phá của địch, đồng chí Trần Văn Giàu, người Tân An, từ Liên Xô rời Trường Đại học Phương Đông lao động Cộng sản chủ nghĩa (khóa 1931-1933) về nước, bắt tay ngay vào việc thành lập cơ quan Xứ ủy. Đồng chí kể rằng: “Tụi tôi đi Liên Xô về mắt thấy tai nghe, tuyên truyền Cộng sản càng đắc lực. Đồng bào mình tin rằng, Liên Xô không phải chỉ làm gương và mở đường. Liên Xô còn là thành trì của cách mạng thế giới. Cho nên những năm 30, khẩu hiệu “Ủng hộ Liên Xô” là một khẩu hiệu chính trị lớn của nhân dân Việt Nam”.

Trên cương vị là cán bộ lãnh đạo Xứ ủy, đồng chí Trần Văn Giàu chỉ đạo lập Đặc ủy Vàm Cỏ Đông đóng tại tỉnh Chợ Lớn và ra báo lấy tên là “Giải phóng”, sau đó là “Bạn nghèo”. Liên tiếp các số báo này đến năm 1935 nhiều lần mở mục kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, “kỷ niệm 3 vị L” tuyên truyền về Lênin, Các-liếp-nếch, Luýt-xăm-bua là 3 vị lãnh tụ của cách mạng thế giới trong thời điểm Âu chiếm (1914-1918). Báo Cờ Vô sản, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương (ra ngày 20/02/1935) xác nhận: Lễ kỷ niệm 3 vị L “Khi đó được tiến hành ở nhiều địa phương thuộc Vàm Cỏ Đông, Chợ Lớn, Đức Hòa, được quần chúng thợ thuyền và dân cày tham gia đông đảo cùng với các khẩu hiệu đòi tăng lương, bớt giờ làm, giảm các sắc thuế”.

Nếu như năm 1930, người dân Tân An - Chợ Lớn mới chỉ được rỉ tai về cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga qua bài Vè Cộng sản thì đến trước ngưỡng cửa của phong trào Mặt trận bình dân, người ta được biết nước Nga Xô-viết ngay trên mặt báo của Đảng. Tờ Tranh đấu, cơ quan tuyên truyền của Khu ủy Chợ Lớn phát hành trong tỉnh tháng 8/1935 viết: “Ở Liên bang Xô-viết không còn người thất nghiệp cũng như người bần cùng. Những người Xô-viết không còn sống trong cảnh khổ nữa. Trước đây bọn tư bản chế giễu nước Nga Xô-viết là “nước thiên đàng”. Bây giờ nước Nga Xô-viết thật xứng đáng với tên gọi đó”. Và đây, một tờ truyền đơn được rải ở địa phương Long An hồi năm 1935 viết về Lênin vĩ đại:

“Lênin, một người Nga sinh trưởng trong giai cấp hữu sản (nguyên văn tiếng Pháp: Classepossédante) là một trong những chiến sĩ cách mạng quan trọng nhứt. Người có nhiều sáng kiến đem lại sự thành công sớm cho Cách mạng Nga. Người đã giải thoát ách nô lệ cho 170 triệu người, đánh thức các dân tộc bị áp bức ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa và thúc giục họ làm cách mạng để tự giải phóng. Lênin mất ngày 21/01/1924”.

Tờ truyền đơn này cũng đề ra khẩu hiệu kỷ niệm trong ngày mất của Lê-nin: “Ủng hộ Liên Xô, thành trì cách mạng thế giới!”.

Cũng cần biết thêm, năm 1935, bản thân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bí mật của Chợ Lớn - Nguyễn Văn Lộc trực tiếp vẽ cờ đỏ búa liềm và khẩu hiệu bằng vôi, trầu xú đỏ ở sau một lẫm lúa nhằm kỷ niệm vị lãnh tụ của Liên Xô và cách mạng thế giới.

Đến trước cuộc Nam kỳ khởi nghĩa, kẻ thù của cách mạng tiếp tục phải thừa nhận ảnh hưởng của Cách mạng Nga trong nhân dân địa phương, khi điều kiện hoạt động của Đảng còn trong bí mật. Một báo cáo của địch ở Đức Hòa hiện còn lưu trữ, viết: "Khuynh hướng của một số dân cư trong quận bây giờ còn là thiểu số... để cho các thuyết của Mátxcơva hấp dẫn đến say mê, tuy phần đông không thấu rõ ý nghĩa đúng đắn, không lộ vẻ gì giảm sút, mặc dù bề ngoài có một thời kỳ yên lặng. Những người ngoại quốc tinh ranh (ám chỉ sự lãnh đạo từ Mátxcơva) thèm muốn Đông Dương này - một trong những hòn ngọc đẹp trên vương miện của Pháp = đã vận động họ... Họ theo phương pháp đã học hỏi kỹ lưỡng, họ sẽ dấy lên những cuộc nổi loạn đột ngột và dữ dội".

Cũng trong báo cáo trên, thực dân Pháp và tay sai gọi những người cộng sản là “các môn đồ của Mátxcơva”. Tháng 9/1940, Xứ ủy Nam kỳ họp hội nghị đại biểu ra nghị quyết, quyết định phát động các địa phương “kỷ niệm lần thứ 24 ngày Liên Xô thắng lợi”, trong tinh thần hành động. Trong mối liên hệ thực tiễn, cuộc khởi nghĩa bất khuất tháng 11/1940 và cuộc tổng khởi nghĩa thành công ở Tân An và Chợ Lớn năm 1945 cho thấy sự khắng khít cả tinh thần và ý thức về mục đích hành động cách mạng của nhân dân Long An với Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga năm 1917.

Ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Tháng Mười, như về sau được Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người”(1). Từ nguồn sáng ban đầu là ý thức về chủ nghĩa cộng sản, ánh sáng Cách mạng Tháng Mười được Đảng Cộng sản rọi sáng vào lòng mỗi người Long An và được tiếp nhận như một cẩm nang để hành động, bất chấp mọi xiềng xích, súng đạn của quân thù để vươn lên giành tự do, độc lập và dân chủ. Ngày nay, đúng như ý kiến của Giáo sư Sử học Trần Văn Giàu: Những kỷ niệm về Cách mạng Tháng Mười và đất nước Xô-viết trong mỗi chúng ta là ấn tượng sâu sắc và bền vững(2), bởi vì không gì có thể làm phai nhòa!

Long Thái

(1) Hồ Chí Minh - Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin, NXBST, Hà Nội, 1987, trang 87, 88.
(2) Xem chuyên san Nhà giáo với Cách mạng Tháng Mười, Bộ Giáo dục và Công đoàn Việt Nam, ấn hành tháng 10/1987, trang 16.

Chia sẻ bài viết