Tiếng Việt | English

22/06/2020 - 11:05

Chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu bất thường như mưa to kèm dông lốc, mưa đá liên tục xảy ra ở các tỉnh phía Bắc; hạn, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra ở Nam, Trung bộ.

Ảnh hưởng thiên tai

Đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra cơn mưa kèm theo dông lốc làm 1 người chết do sét đánh và 68 căn nhà sập, tốc mái. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn, mực nước trong các tuyến kênh, rạch bị hạ quá thấp gây giảm phản áp; đất mềm yếu; chênh lệch cao độ giữa đáy kênh và bờ kênh lớn gây ra tình trạng trượt, sụp lún và dẫn đến sạt lở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tinh thần và sự an toàn của người dân. Sạt lở, sụp lún đất thời gian qua xảy ra phần lớn tại khu vực các huyện Tân Trụ, Cần Giuộc, Thạnh Hóa. Ước tổng kinh phí thiệt hại do dông lốc, hạn, mặn khoảng 57,522 tỉ đồng.

Hàng năm, thiên tai gây ra nhiều thiệt hại cho người dân

Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng - Thủy văn, năm 2020 ít có khả năng xuất hiện lũ sớm tại Đồng bằng Nam bộ. Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức báo động 1-2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm từ 0,2-0,4m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào nửa cuối tháng 9-2020.

Theo báo cáo từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Giuộc, vào ngày 06 và 07-6-2020, trên địa bàn huyện xảy ra mưa kèm theo dông, lốc xoáy làm sập đổ 2 chuồng trại nuôi gà (xã Phước Lại); sập 4 căn nhà, tốc mái 56 căn nhà bán kiên cố; hư hỏng 2 nhà lưới trồng lan tại xã Phước Lại, ước tổng thiệt hại khoảng 4,1 tỉ đồng. Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện - Ngô Bảo Quốc, trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện đã cử đoàn đến thăm hỏi, động viên gia đình và giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét hỗ trợ, giúp hộ dân bị thiệt hại do thiên tai vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Còn tại huyện Thạnh Hóa, vào ngày 01-6-2020 cũng xảy ra mưa kèm theo dông, lốc xoáy làm chết 600 con gà do sập chuồng trại tại xã Tân Tây; tốc mái 15 căn nhà bán kiên cố; 0,5ha gấc bị thiệt hại hơn 70% (ngã đổ không còn thu hoạch được). Ngoài ra, bờ kè thị trấn Thạnh Hóa bị hư hỏng, sụp lún chiều dài khoảng 3m, rộng 2m và sâu 2m. Ước tổng thiệt hại cây trồng, nhà ở, chuồng trại khoảng 650 triệu đồng.

Không riêng gì mùa mưa bão mà hàng năm, khi nước lũ từ thượng nguồn đổ về các huyện vùng Đồng Tháp Mười cũng gây ra nhiều ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Tại huyện Vĩnh Hưng, hàng năm, nước lũ về làm cho mực nước xung quanh khu vực đê bao thị trấn Vĩnh Hưng dâng cao kết hợp mưa to kéo dài và gió mạnh trong mùa mưa, lũ. Do đó, công tác bảo vệ các điểm xung yếu của đê bao thị trấn Vĩnh Hưng trong điều kiện mực nước lũ trên báo động III ở trạm Tân Hưng (+3,50m) và Mộc Hóa (+2,00m) là yêu cầu cấp thiết. Được sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương trong công tác phòng, chống thiên tai, nhất là đầu tư hoàn chỉnh tuyến đê bao chống lũ triệt để, đê bao thị trấn Vĩnh Hưng bảo đảm đủ năng lực phục vụ, bảo vệ an toàn cho dân cư. Việc đầu tư hoàn thiện các hạng mục hiệu quả, cơ bản đáp ứng việc ứng phó các tình huống bất lợi do mưa, lũ trong năm 2020 cũng như các năm tiếp theo. “Nhớ trước đây, mỗi khi lũ về, chúng tôi rất lo lắng. Mùa lũ làm thiệt hại nhà cửa, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Giờ thì khỏe rồi, các tuyến đê bao đều đã hoàn thiện. Người dân an tâm sản xuất, không còn lo ngại khi mùa mưa, lũ về nữa” - ông Nguyễn Văn Yên, ngụ thị trấn Vĩnh Hưng, chia sẻ.

Chủ động phòng, chống

Để chủ động phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão cũng như lũ về, UBND tỉnh đề nghị các huyện xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để chủ động tham gia PCTT&TKCN theo quy định; đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền về phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” đến nhân dân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn nữa trong việc chủ động tự phòng, tránh thiên tai được an toàn, hiệu quả.

Các lực lượng ở địa phương giúp dân chằng chống nhà cửa mùa mưa bão

Ngoài ra, các địa phương cần rà soát, tăng cường quản lý việc xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống tiêu thoát nước, khu dân cư, đô thị tại khu vực ven sông,… bảo đảm hạn chế tác động do thiên tai; chủ động lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu trong quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực. Song song đó, để bảo đảm người dân sản xuất hiệu quả, tránh ảnh hưởng mặn, Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Sở chỉ đạo các đơn vị chuyên môn cùng các địa phương thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng nước và có kế hoạch vận hành hợp lý các cống đầu mối để có giải pháp khai thông kênh, rạch nội đồng. Khuyến cáo người dân tuân thủ theo lịch xuống giống của địa phương; tranh thủ lấy nước, tích trữ nguồn nước vào ao, đồng ruộng khi có nguồn nước ngọt xuất hiện để gieo sạ vụ Hè Thu 2020, không lấy nước ở các khu vực đã bị nhiễm mặn; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí và làm ô nhiễm nguồn nước nhằm bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt an toàn”./.

Hiện nay, do đã bước vào thời kỳ mùa mưa, lượng mưa phân bố ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh nên độ mặn trên các tuyến sông Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và sông Tra tiếp tục giảm dần. Hiện tại, độ mặn trên các hệ thống sông đang dao động ở mức từ 0,7-7,0g/l.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết