Tiếng Việt | English

08/06/2021 - 17:50

Đồng lòng sẽ thắng lợi

Hiện nay, đại dịch Covid-19 không chỉ hoành hành ở một vài thành phố, khu vực mà đã lan rộng khắp cả nước, đặc biệt là các thành phố có vai trò quan trọng như TP.HCM, Thủ đô Hà Nội, TP.Đà Nẵng,… Trận chiến này, trước mắt không chỉ cướp đi quá nhiều sinh mạng vô tội, đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, văn hóa, đời sống tinh thần, xã hội,.. đó là chưa kể đến những hệ lụy từ tệ nạn xã hội do số lượng lao động thất nghiệp tăng cao,...

Nhân dân và doanh nghiệp đánh giá cao những chính sách đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, những nỗ lực mạnh mẽ của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đã sớm vào cuộc và quyết tâm cao trong suốt quá trình chống dịch. Đặc biệt, chúng tôi xin cuối đầu tri ân những y sĩ, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, đã hy sinh cuộc sống bình thường của bản thân để đổi lại sức khỏe, an toàn và tính mạng của hàng triệu người dân Việt Nam.

Long An ra mắt Quỹ vắc-xin phòng Covid-19

Ý thức được tốc độ lan rộng của đại dịch, tập thể người lao động Đồng Tâm Group (DTG) đã tự giác ngay từ đầu, kiên quyết triển khai hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch tại nơi làm việc, tuyên truyền, kêu gọi toàn thể CB.CNV thực hiện nghiêm và đầy đủ các biện pháp nhằm đảm bảo phòng chống dịch bệnh hiệu quả, hạn chế tối đa khả năng phơi nhiễm và tốc độ lây lan (nếu có).

Tại các Văn phòng, Nhà máy thuộc tập đoàn, chúng tôi linh hoạt xây dựng các kịch bản ứng phó khi có trường hợp phơi nhiễm.

1. Bố trí, sắp xếp nhân sự đảm bảo tính phân tán, chia nhỏ thành nhiều nhóm trong các sinh hoạt nơi làm việc nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người với người, giữa các nhóm với nhau.

2. Tận dụng các hình thức trao đổi công việc trực tuyến nhằm đảm bảo các hoạt động vẫn diễn ra thông suốt.

3. Bữa ăn tại căn-tin cũng được sắp xếp lệch giờ giữa các nhóm theo đúng quy định về giãn cách xã hội.

4. Nhân sự thuộc các chức năng hỗ trợ công ty sẽ sắp xếp để làm việc tại nhà hoặc nghỉ luân phiên.

5. Bên cạnh đó, Công ty triển khai thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế trong toàn thể người lao động, đảm bảo phương tiện và con người được kiểm soát chặt chẽ khi ra vào nơi làm việc.

6. Ban lãnh đạo và Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Tập đoàn cũng thường xuyên truyền thông, hướng dẫn, động viên CB.CNV tuân thủ triệt để. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, nhưng giữ bình tĩnh, kiên trì để có giải pháp phù hợp. Đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ, thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần đảm bảo công ăn việc làm ổn định, đảm bảo cuộc sống cho người lao động.

7. Tại các Khu công nghiệp (KCN) do DTG làm chủ đầu tư, tập trung nhiều người lao động, như KCN Thuận Đạo có hơn 50.000 lao động, chúng tôi đã tổ chức giám sát, phối hợp với từng Đối tác, từng văn phòng, nhà xưởng nhằm thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch, như:

a. Chặn chốt kiểm tra tất cả lối ra vào KCN để nhân viên Bảo vệ thực hiện kiểm tra nhiệt độ.

b. Phát loa phóng thanh nhằm tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch được triển khai trong KCN, các khuyến cáo của chính quyền địa phương, của cơ quan y tế.

c. Thực hiện truyền tải những văn bản của chính quyền sở tại, của cơ quan y tế đến tất cả Nhà đầu tư trong KCN để kịp thời tiếp nhận thông tin.

d. Kêu gọi Nhà đầu tư nghiêm túc thực hiện các báo cáo, thống kê tình hình phòng chống dịch của từng đơn vị cho cơ quan chính quyền theo yêu cầu.

c. Phân luồng di chuyển, phân chia thời gian làm việc nhằm giảm thiểu tối đa mức độ tập trung.

Chúng ta cần nhận thức rõ, chỉ khi mỗi cá nhân, mỗi tổ chức vững vàng duy trì được sinh kế và đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình, thì mới có thể giải tỏa bớt gánh nặng cho Nhà nước. Dù phát sinh một ổ bệnh hay một địa phương bị phong tỏa cũng không có nghĩa là cả khu vực sẽ  “thất thủ”.

Chúng ta vẫn phải kiên cường đứng lên ứng phó, có thái độ tích cực trong “tâm bão”. Từ đó mới có thể cùng nhau nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Trên tinh thần đó, chúng tôi có một số kiến nghị muốn gửi đến các cơ quan, tổ chức hữu quan như sau:

1. Kêu gọi ý thức của tất cả những người dân, kể cả công dân nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam phải tự giác tuân thủ triệt để các quy định, yêu cầu, hướng dẫn phòng chống dịch của Chính phủ và chính quyền địa phương, các cơ quan y tế. Đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

2. Mỗi công dân Việt Nam trong khả năng của mình, hãy tham gia chia sẻ, đóng góp vào các Quỹ hỗ trợ hoạt động phòng chống Covid, Quỹ vắc-xin phòng Covid,… của Trung ương và địa phương nhằm chia sẻ một phần gánh nặng cho Ngân sách vốn đã có quá nhiều khoản phải đảm đương kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

3. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 với thời gian gia hạn được quy định cụ thể cho từng đối tượng và từng loại thuế khác nhau, có hiệu lực từ ngày 19/4/2021. Đây là chính sách hết sức thiết thực, cho thấy Chính phủ hiểu rõ khó khăn của Doanh nghiệp trong thời điểm này.

Tuy nhiên, đối với thuế GTGT từ tháng 3/2021 đến tháng 5/2021, thời gian gia hạn là 5 tháng, nhưng đến tháng 6 và tháng 7/2021 thì thời gian gia hạn lần lượt là 4 tháng và 3 tháng. Theo đó, doanh nghiệp phải nộp thuế GTGT cho các tháng 5, 6, 7 tập trung hết vào tháng 12/2021-tháng cuối năm. Vì vậy, để giảm áp lực cho doanh nghiệp, xin kiến nghị thời gian gia hạn cho các tháng được gia hạn, đều là 5 tháng. Theo đó, tiền thuế GTGT tháng 7, 8/2021 được nộp lần lượt trong tháng 1/2022 và tháng 2/2022.

4. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi/phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục vay mới, thực hiện các kế hoạch sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp đóng trên các địa bàn thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Chính phủ. Các tổ chức tín dụng có thể xem xét hỗ trợ thu trước 50% lãi vay cho các khoản đến kỳ trả lãi, còn lại 50% lãi vay sẽ thu trong vòng 12 tháng tiếp theo liền kề, tùy mức độ khó khăn của doanh nghiệp và tùy vào chính sách cụ thể của từng tổ chức tín dụng mà áp dụng cho phù hợp.

5. Về vấn đề vắc-xin, chúng tôi rất hoan nghênh Chính phủ & Bộ Y tế đã có lộ trình cụ thể để mua vắc-xin tiêm chủng cho toàn dân trong năm 2021. Tuy nhiên, với điều kiện Ngân sách còn hạn chế, chúng ta không nên xem việc này là trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ Y tế, mà cần xem đây là trận chiến của toàn dân! Muốn đánh thắng trận này, mỗi người dân phải là một chiến sĩ, đóng góp sức mình, giảm bớt áp lực cho Ngân sách, để Chính phủ có thể dùng tiền vào các việc cấp bách hơn. Sự hỗ trợ từ Chính phủ thiết thực nhất trong lúc này chính là cơ chế, là chính sách hỗ trợ kịp thời, bởi Ngân sách cũng là hình thành từ nguồn đóng góp toàn dân. Và mỗi công dân Việt Nam, trong lúc này sẽ thể hiện trách nhiệm với quê hương, đất nước.

Chúng tôi ủng hộ giải pháp tự nguyện góp tiền mua vắc-xin. Doanh nghiệp đóng góp cho Quỹ vắc-xin của địa phương, bằng hoặc nhiều hơn chi phí trang bị vắc-xin cho toàn bộ nhân sự của Doanh nghiệp mình, như một hình thức hoàn lại chi phí cộng với hỗ trợ thêm cho cộng đồng. Doanh nghiệp sẵn sàng chi phí cho việc tiêm ngừa vắc-xin cho người lao động để bảo vệ sức khỏe cho họ cũng là bảo vệ nguồn nhân lực phát triển bền vững cho Doanh nghiệp.

Cá nhân có điều kiện khi đến tiêm vắc-xin có thể đóng góp tại chỗ vào quỹ để góp phần giúp đỡ người khác. Người có hoàn cảnh khó khăn thì đăng ký với địa phương, cơ quan, tổ chức nơi mình sinh sống, làm việc, học tập để được hưởng chế độ tiêm ưu đãi… Từ đó, đảm bảo đạt được mục tiêu hơn 100 triệu người dân đều được tiêm vắc-xin, sớm đưa Việt Nam trở lại trạng thái bình thường mới.

6. Bên cạnh đó, việc mua vắc-xin không chỉ tốn kém mà còn khan hiếm, chuyển đủ tiền cũng chưa đảm bảo sẽ mua được vắc-xin. Cho nên, việc phân bổ và tiêm chủng cũng phải có thứ tự ưu tiên hợp lý. Trong xã hội, Chính phủ & Bộ Y tế đã có quy định rõ các ngành nghề hoạt động được ưu tiên tiêm trước thì trong mỗi cơ quan, doanh nghiệp cũng nên phân định như vậy. Những cá nhân quan trọng, đầu tàu, có sức ảnh hưởng nhiều nhất nên được tiêm trước. Ví dụ như những lãnh đạo cấp cao, giám đốc sản xuất của cả nhà máy, quản đốc, tổ trưởng,… Nói như thế không có nghĩa là nhân viên thì không được ưu tiên. Họ vẫn sẽ được ưu tiên khi công việc có tính đặc thù phải tiếp xúc nhiều đối tượng, nguy cơ lây nhiễm cao, ví dụ như bảo vệ, lái xe đưa rước công nhân, nhân viên bếp ăn… Giải pháp ưu tiên tuy có thể gây ra chút bất đồng nội bộ, nhưng để đảm bảo đạt được hiệu quả phòng chống dịch bệnh cao nhất và doanh nghiệp vẫn an toàn trong hoạt động thì đây chính là một trong số những giải pháp phù hợp trong điều kiện hiện nay. Mỗi cá nhân trong tập thể đều phải ý thức được “mình vì mọi người” thì mới có thể chống dịch thành công.

7. Việc thực hiện phong tỏa, khoanh vùng dập dịch là để hạn chế lây lan ra cộng đồng. Vì vậy, mỗi người dân cần nghiêm túc, hợp tác, tuân thủ. Tuy nhiên, quyết định phong tỏa cần thận trọng và cân nhắc dựa trên cơ sở khoa học và phân tích, cũng là nhằm đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ, vừa chống dịch vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tôi tin rằng, khi Chính phủ hỗ trợ về chính sách, cơ chế và toàn dân đồng lòng chống dịch, thì nhất định thắng lợi!

Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An, đồng Chủ tịch các Hiệp hội Doanh nghiệp ĐBSCL.

Chia sẻ bài viết