Tiếng Việt | English

01/01/2017 - 22:45

Bộ sách văn học yêu nước đồ sộ

Rất nhiều tác giả văn chương cùng tề tựu trong bộ sách 25 quyển được công nhận là “văn học yêu nước, cách mạng TP.HCM” với gần 20.000 trang in, vừa được Thành ủy TP.HCM giới thiệu, ra mắt.

Bà Nguyễn Thị Thu - phó chủ tịch UBND TP.HCM - trao tặng sách cho các tác giả có tác phẩm được đưa vào tổng tập - Ảnh: T.V
Công trình “Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng TP.HCM 1900 - 2000” thật sự đồ sộ, được thực hiện suốt sáu năm. Tổng cộng có trên 1.560 tác phẩm của hơn 400 tác giả đã sống và sáng tác tại Sài Gòn - TP.HCM trong thời gian từ năm 1900 đến 2000 được đưa vào bộ sách theo ba giai đoạn: 1900-1945, 1945-1975, 1975-2000.

Bộ sách này ra đời từ ý kiến của Thành ủy TP.HCM vào năm 2010, cho rằng TP.HCM chưa có được một công trình tập hợp, lưu giữ lại những tác phẩm văn học có giá trị trong giai đoạn lịch sử 100 năm đầy biến động và hào hùng của thế kỷ 20. GS Mai Quốc Liên - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc học - đã đề xuất dự án này.

Theo PGS.TS Đoàn Lê Giang - trưởng khoa văn học và ngôn ngữ Đại học KHXH&NV TP.HCM, người tham gia biên soạn giai đoạn 1 bộ sách trên, chỉ trong thời gian từ năm 1900-1945, các tác phẩm “yêu nước, cách mạng” của bộ sách đã chiếm đến 3.000 trang, có thể xem đây là tổng tập lớn nhất từ trước đến nay về văn học của TP.HCM và của cả Nam bộ.

“Điều thú vị là khái niệm “yêu nước, cách mạng” ở đây mang nghĩa rộng, chẳng hạn yêu tiếng Việt, sử dụng giỏi tiếng Việt cũng là yêu nước, cách mạng” - ông Đoàn Lê Giang cho biết. Chính cách hiểu thoáng này đã khiến bộ sách có nhiều gương mặt được ghi nhận, giai đoạn đầu có Trần Chánh Chiếu, nữ sĩ Manh Manh, học giả như Ca Văn Thỉnh, nhà văn như Hồ Biểu Chánh... “Có thể nói các khuynh hướng văn học Nam bộ giai đoạn đầu thế kỷ 20 đều được ghi nhận và đưa vào tổng tập này” - ông Giang nói.

Có thể tìm thấy ở bộ sách đồ sộ này tác phẩm của những nhân vật nổi tiếng từ lâu ít được nhắc đến như: Cô gái xuân (Đông Hồ), Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam (Kiều Thanh Quế), Ngồi tù khám lớn (Phan Văn Hùm), Chúng tôi làm quốc sự (Phan Văn Trường), một loạt tác phẩm của Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Đình Kiên, Huỳnh Văn Nghệ...

Nhiều tác phẩm của các tác giả văn học tại miền Nam giai đoạn 1945-1975 cũng là tư liệu cần thiết cho những ai quan tâm. Đó là các tác phẩm như: Hồi ký của Bùi Công Trừng, các tác phẩm của Dương Tử Giang, Lê Vĩnh Hòa, Lý Văn Sâm, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Xuân Miễn, Vũ Bằng, Lưu Quý Kỳ, Nam Quốc Cang...

Ngoài ra, theo PGS.TS Đoàn Lê Giang, qua bộ sách có thể thấy một dòng văn học “9 năm kháng chiến chống Pháp” ở Nam bộ cũng rất sinh động, chứ không như nhiều người lâu nay vẫn hình dung: văn học thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954) chỉ có chủ yếu ở miền Bắc.

Bà Thân Thị Thư - trưởng Ban Tuyên giáo thành ủy - nhận xét: “Công trình “Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng TP.HCM” không chỉ có giá trị cao về văn học, sân khấu, điện ảnh, mà còn thể hiện lòng tri ân sâu nặng với biết bao thế hệ những nhà văn, nhà thơ, những nghệ sĩ, chiến sĩ đã hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc, thống nhất đất nước...”.

Và theo ông Giang, tổng tập này sẽ là nguồn tư liệu đáng tin cậy cho sinh viên, học viên sau đại học tham khảo và khai thác nghiên cứu theo nhiều mảng đề tài./.

Lam Điền/tuoitre online

Chia sẻ bài viết