Tiếng Việt | English

01/08/2015 - 17:59

(tiếp theo kỳ trước và hết)

Du lịch Long An có gì?

Xuồng đưa du khách vào tham quan rừng tràm

Tiềm năng du lịch Long An còn đó

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch (DL) Long An - Vũ Vi Quốc cho biết: Sau khi có Quốc lộ (QL) N2 từ Đức Hòa đến QL 62 (điểm giao tại huyện Thạnh Hóa) thì khách DL ở TP.HCM đến Long An khá hơn. Họ đi tour: Làng cổ Phước Lộc Thọ - Làng nổi Tân Lập - Núi Đất - Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp - chùa Nổi.

Theo người viết, các địa chỉ DL trên đây còn ở dạng “tiềm năng” chứ chưa thật là sản phẩm DL hoàn chỉnh. Với 2 làng “Cổ” và “Nổi” thì như trên đã nói. Còn với núi Đất chưa thể gọi “thắng cảnh” vì nó quá nhỏ, nếu tôn tạo thành non bộ nghệ thuật, xung quanh có ao sen thả các loại cá cảnh lớn, có khu sinh vật cảnh, vườn lan và các hàng quán bán đồ lưu niệm, đặc sản ẩm thực thì hay hơn.

Với chùa Nổi Cổ Sơn tự, cần mở rộng không gian quanh chùa, tạo thêm gò nổi, vườn cây cảnh bên các đám cổ thụ hiện hữu. Ở chùa Thiên Mụ (Huế), những cây cổ thụ được ghép lan rừng trổ hoa rất bắt mắt du khách (DK). Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp chưa có khu mua sắm cho DK. Chợ biên giới bên kia cửa khẩu thì quá nghèo nàn, hàng hóa lèo tèo, ẩm thực chẳng có gì,…

Ông Vi Quốc còn nói, tính mở tuyến DL nhà vườn Châu Thành với những vườn thanh long nối nhau từ ấp này sang ấp khác. Thật ra, ý định này không mới, song bất khả thi vì ngoài cây thanh long đâu còn sản phẩm DL nào khác cho DK đến? Đó là chưa nói tới khi chủ vườn xịt thuốc, DK nào dám vào xem? Trong khi nhà vườn ở các tỉnh trong khu vực ĐBSCL thì cây trái đủ loại xum xuê trồng trên liếp đất cao, 2 bên liếp đất là mương xẻo nước có nhiều tôm, cá, cua, ốc và trong vườn có các loại rau tập tàng, đủ làm thỏa mãn thú ẩm thực của DK cả trong và nước ngoài.

Thử đề xuất một tuyến du lịch Đồng Tháp Mười Long An

Với Làng nổi Tân Lập nên “lấy ngắn nuôi dài”: Hoàn chỉnh bàu sen, đầm lúa trời, khu câu cá, khu xuồng chèo tham quan rừng tràm,… Tại khu nhà đón khách, nhà nghỉ,... hiện hữu cần có chỗ bán các loại thủy sản (tươi, khô và mắm) và các loại rau củ quả đặc trưng Đồng Tháp Mười (ĐTM). Nên chăng dời chợ nông sản ở Thạnh Hóa về đây? Về ẩm thực, cần khai thác, tận dụng đặc sản ĐTM. Tại mặt tiền Làng nổi, nên mở cơ sở chế biến rượu đế Gò Đen (nấu kiểu cổ truyền); có rượu ngâm trái cà na (Mộc Hóa là xứ cà na mà!). Nên chăng khôi phục làng nghề nấu tinh dầu tràm?

Ở Huế, hiện dầu tràm bày bán nhiều trên nhiều ngả đường với giá 180.000 đồng/chai lít, có khá đông DK đến mua. Mộc Hóa trước đây có xí nghiệp dầu tràm; lò cất tinh dầu tràm nối dài 2 bên lộ 49 (nay kà QL 62) thành làng nghề nấu dầu tràm thịnh hành một thời. Có lần tôi nghe ông Bảy Láng - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa lúc đó - nói ở Làng nổi sẽ tổ chức cho người dân đến đan đệm và nóp - sản phẩm thời khẩn hoang để du khách mua làm quà lưu niệm. Thấy cũng hay!

Một đề xuất nữa: Ở xã Nhơn Hòa Lập (huyện Tân Thạnh) có khu rừng tràm lâu năm, do Trại giam Thạnh Hòa quản lý là một khu sinh thái đa dạng sinh học mà tôi thấy được. Nhớ mùa lũ nọ, đến đây tôi thấy chỉ một lỗ trổ nước chảy, đặt cái đó qua đêm, sáng hôm sau giở lên đã đổ đầy một thau to cá trèn. Xuồng chạy qua các xẻo trong rừng tràm, cá trắng nhảy lóa mắt. Các bàu sen, thảm cỏ trong rừng đầy đặc chim trích, cò, diệc, le le, vịt trời,… Trong rừng còn có nhiều giống trăn, rắn, rùa,… Dọc đường cặp bờ kênh Dương Văn Dương có dựng nhiều bia di tích lịch sử cách mạng. Nên chăng quy tập vào một khu và lập nhà lưu niệm (như nhà lưu niệm phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre có các hiện vật, hình vẽ, tượng sáp minh họa và bảng thuyết minh từng di tích). Từ Nhơn Hòa Lập đi xuống nữa là ngã 6 ngã 7 Gãy Cờ Đen, có thể liên kết với DL Đồng Tháp mở khu chợ nổi Gãy Cờ Đen gắn với quần thể di tích lịch sử-văn hóa và khu DLST Gò Tháp nằm cách đó không xa. Rồi từ Gãy, mở tour: Kênh Ngang đi Láng Sen - đi chùa Nổi - đi cửa khẩu Bình Hiệp - đi núi Đất - về Làng nổi Tân Lập. Như vậy sẽ hình thành được một tour DL tích hợp bối cảnh thiên nhiên, lịch sử-văn hóa ĐTM. Nên chăng?.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến DL Long An - Vũ Vi Quốc cho biết: Hiện nay, DL Long An đang chuẩn bị cho ngày Hội sông Vàm - gắn với lễ hội Hỏa hồng Nhựt Tảo ở Vàm Nhựt Tảo (Tân Trụ) bằng hình thức sân khấu hóa trận Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa. Loại hình này làm tôi nhớ lễ hội Núi Sập (An Giang) với cảnh diễn hóa thời khẩn hoang trên đất Chín Rồng, thu hút hàng vạn DK.

Nhiều người rơi nước mắt với cảm xúc cảnh ông cha ta chịu quá nhiều gian nguy, vất vả trong cuộc mở cõi, chinh phục đất phương Nam. Có lẽ, sự kiện văn hóa DL trên đây sẽ được tổ chức vào dịp lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực sắp tới? Cái cần là phải quảng bá mạnh cho sự kiện này. Nên chăng có thuyền DL đưa khách từ bến (bên cầu Bến Lức) đi trên sông Vàm Cỏ Đông đến khu di tích Vàm Nhựt Tảo. Nên chăng mở chợ dưa hấu, thanh long, khóm (thơm), gạo Nàng thơm Chợ Đào, rượu đế Gò Đen… tức hàng đặc sản Long An để DK mua sắm?Tín hiệu đáng mừng nữa là dự án Happyland ở Bến Lức với diện tích xây dựng lên tới 688ha, vốn đầu tư đến 2 tỉ USD- “Xứ sở Hạnh phúc” (Happyland) này là một khu phức hợp với nhiều loại hình DL, thương mại-dịch vụ được coi là lớn nhất nước.

Sau thời gian khủng hoảng kinh tế thế giới và thị trường bất động sản trong nước đóng băng, nay đã hồi phục, theo ông Vũ Vi Quốc, hiện các nhà đầu tư đã quay lại và đang tập trung nguồn lực, tiếp tục xây dựng các hạng mục của dự án Happyland để có thể sớm đưa vào phục vụ cho DK trong nước và ngoài nước.

 

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết