Tiếng Việt | English

06/06/2017 - 15:59

Giải pháp cho vùng tôm Tân Chánh - Bài 2: Xây dựng vùng chuyên canh tôm ứng dụng công nghệ cao

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cần Đước, tỉnh Long An nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra 2 chương trình trọng điểm, trong đó có chương trình “Phát triển sản xuất nông nghiệp chất lượng cao và bền vững”. Theo đó, huyện xác định Tân Chánh là vùng chuyên canh tôm, từng bước thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm.


Một đoạn kênh được gia cố chống sạt lở

Đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi tôm

Thực hiện nghị quyết trên, lãnh đạo huyện và ngành chuyên môn chủ động làm việc với các sở, ngành liên quan: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Sở Công Thương cùng giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện thành công vùng chuyên canh tôm Tân Chánh - Tân Ân.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương cho biết: “Ngay từ đầu năm, lãnh đạo các sở trên cùng lãnh đạo huyện khảo sát vùng tôm Tân Chánh, nhất là hệ thống đê bao dọc sông Vàm Cỏ. Khó khăn nhất hiện nay là đường giao thông nông thôn còn nhỏ hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nông sản; các kênh nội đồng chưa được nạo vét thường xuyên nên không bảo đảm nguồn nước phục vụ nuôi tôm. Đặc biệt, tuyến đê bao sông Vàm Cỏ gần như bao quanh toàn bộ xã Tân Chánh, đoạn từ chợ Tân Chánh đến Hương lộ 21 chưa được đầu tư khép kín; tình trạng sạt lở ngày càng nhiều cũng ảnh hưởng đến việc nuôi tôm. Việc đầu tư cần nguồn vốn khá lớn nên rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Bên cạnh đó, để phục vụ mục tiêu nuôi tôm theo hướng công nghiệp tiến tới nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), xã Tân Chánh cần được đầu tư hệ thống điện 3 pha phục vụ sản xuất. Tuy nhiên đến nay, dọc theo Hương lộ 24 mới có điện sinh hoạt hạ thế, một số nơi vẫn sử dụng điện tổ. Ðây là lực cản lớn đối với việc xây dựng vùng chuyên canh tôm”.

Trong số khoảng 200ha tôm nuôi theo hướng công nghiệp của xã Tân Chánh, các ao nuôi vẫn nằm rải rác, chưa liền kề, liên kết với nhau. Mặc khác, tình trạng thiếu hụt lao động cũng là một trong những vấn đề nan giải.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Chánh - Nguyễn Văn Sánh cho biết thêm: Để giải quyết bài toán hạ tầng, riêng đoạn đê bao dọc sông Vàm Cỏ cần được đầu tư khoảng 15 cầu và cống trên tuyến. Ngoài ra, trên địa bàn xã cần đầu tư hoàn thiện 6 tuyến đường liên ấp. Nếu được đầu tư hoàn thiện hệ thống đê bao ven sông Vàm Cỏ thì xã Tân Chánh kết nối với thị trấn Cần Đước, xã Phước Đông và Quốc lộ 50, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương. Hiện nay, việc nạo vét kênh, mương nội đồng được huyện hỗ trợ kinh phí, UBND xã vận động người dân giải quyết việc đổ đất bùn.


Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Chánh - Nguyễn Văn Sánh mong muốn sớm đầu tư kết cấu hạ tầng cho vùng nuôi tôm của xã

Toàn huyện Cần Đước có khoảng 1.800ha tôm, trong đó, xã Tân Chánh có gần 900ha, Long Hựu Đông, Long Hựu Tây trên 300ha, Tân Ân gần 80ha. Còn lại là các xã khác và thị trấn Cần Đước. Riêng Tân Chánh có diện tích nuôi tập trung và có nhiều thuận lợi ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm.

Ứng dụng công nghệ cao - Hướng đi tất yếu

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng, hiện nay, việc đầu tư hạ tầng phục vụ vùng chuyên canh tôm xã Tân Chánh đang gặp khó khăn. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn liên xã, liên ấp bị sạt lở nặng. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước do dọc sông Vàm Cỏ Đông có nhiều nhà máy mọc lên, ảnh hưởng rất lớn đến vùng tôm chuyên canh. Do đó, đầu tư đê bao ven sông Vàm Cỏ là việc làm quan trọng nhất, cần sự quan tâm của các cấp, các ngành. Song song đó, huyện đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng.

Được sự hỗ trợ của Sở KH&CN tỉnh Long An liên kết Sở KH&CN tỉnh Bạc Liêu chuyển giao quy trình nuôi tôm ƯDCNC, Phòng NN&PTNT huyện Cần Đước phối hợp UBND 2 xã Tân Chánh, Tân Ân và Công ty Trúc Anh triển khai thí điểm mô hình nuôi tôm ƯDCNC.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Chánh - Nguyễn Trọng Tuyên cho biết: “Mục tiêu đến năm 2020, toàn xã có 500ha tôm nuôi theo hướng công nghiệp và 100ha nuôi ƯDCNC”. Tại các ấp: Hòa Qưới, Đồng Nhì và Đông Trung, nhiều ao tôm được cải tạo nuôi theo mô hình công nghiệp. Tuy nhiên, để phòng tránh dịch bệnh và đối phó với biến đổi khí hậu ngày càng bất thường, rất cần cơ quan quan trắc môi trường, dự báo thời tiết kịp thời thông báo cho người nuôi nắm rõ, chuẩn bị ứng phó nhằm hạn chế các thiệt hại./.

Hải Đăng

Chia sẻ bài viết