Tiếng Việt | English

17/05/2016 - 10:22

Hiệu quả từ chương trình giảm nghèo

Câu chuyện về tấm gương thoát nghèo của chị Huỳnh Thị Ba, ngụ xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An khiến nhiều người cảm động. Lập gia đình từ đôi bàn tay trắng, cuộc sống vợ chồng khởi đầu từ sự túng quẫn. Nhưng nhờ ý chí, nghị lực và sự hỗ trợ của địa phương, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo bền vững.


Chị Ba (bìa trái) trong lần dự hội nghị tuyên dương điển hình vươn lên thoát nghèo

Chị Ba chia sẻ, năm 1986, hai vợ chồng chị nên duyên từ sự đồng cảm vì hoàn cảnh khó khăn của nhau. Cả hai đều không có đất đai, nhà cửa, nghề nghiệp không ổn định,... Hai vợ chồng dắt díu nhau xuôi theo dòng nước và sinh sống bằng nghề thu mua phế liệu ở các tỉnh miền Tây. Đến khi ba người con chào đời, cả hai vợ chồng bàn tính chuyện ổn định cuộc sống để nuôi dạy các con. Hơn nữa, lúc ấy vợ chồng chị lại phải chăm lo cho người mẹ lớn tuổi. Vì vậy, sau hơn 10 năm đi ghe, đến năm 2000, vợ chồng mua mảnh đất tại Tân Tập mở tiệm bán tạp hóa. Những tưởng cái nghèo thôi đeo đẳng cuộc sống của chị nhưng đến năm 2004, chồng chị té ngã bị chấn thương não. Bao nhiêu tiền bạc kiếm được, chị đều dốc sức vào chạy chữa cho chồng nhưng anh vẫn không qua khỏi.

Trong lúc đó, chị được địa phương giới thiệu vay 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Từ số tiền này, chị đầu tư vào chăn nuôi heo. Sau bao năm tảo tần, chị lo cho 3 người con gái ăn học thành tài. Chị Ba nói: “Ngần ấy năm trời cực nhọc, tôi cũng không hiểu tại sao mình vẫn trụ được. Có lẽ, cuộc sống này vẫn còn nhiều người bất hạnh hơn tôi nhưng họ vẫn cố gắng. Mỗi lần nghĩ vậy, tôi thầm cảm ơn địa phương đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho mình có được như ngày hôm nay”.

Hay như chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, ngụ xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc thông tin, trước đây gia đình chị có cuộc sống khó khăn. Chồng phụ hồ, chị làm mướn. Sau này vì có con nhỏ nên chị đành ở nhà làm nội trợ. Nhờ địa phương phối hợp mở lớp dạy nghề may công nghiệp, chị đăng ký theo học và hiện nay đã làm công nhân tại Khu công nghiệp Long Hậu. Có thu nhập, chị phụ giúp chồng và gia đình không còn vất vả như xưa.

Nhờ thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện Cần Giuộc đã giảm đáng kể. Năm 2011, toàn huyện có 3.231 hộ nghèo (tỷ lệ 7,5%) đến năm 2015 còn 1.189 hộ (tỷ lệ 2,69%) và hiện nay 3,45% theo tiêu chí mới.


Mô hình trồng nấm rơm tại xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ

Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Cần Giuộc - Hồ Văn Sơn cho biết, ngoài nguồn vốn được hỗ trợ từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện và các dự án khác, cùng với chính sách thu hút đầu tư hình thành các khu, cụm công nghiệp nên địa phương đã tạo việc làm cho nhiều lao động. Từ đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng theo quy hoạch, tạo điều kiện tập trung công tác giảm nghèo. Hiện nay, huyện có trên 13.000 lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Hằng năm, huyện đào tạo nghề cho 3.000 lao động, giới thiệu và giải quyết việc làm cho khoảng 2.700 người. Bên cạnh đó, UBMTTQ Việt Nam và các đoàn thể đã tham gia tích cực vào công tác giảm nghèo.

Đức Huệ là huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo nơi đây còn cao. Tuy nhiên, so với những năm trước đây, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; hiện nay, toàn huyện còn 2.131 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12,61%. Theo Phó trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đức Huệ-Trần Quốc Bảo, xác định giải quyết việc làm là một trong những giải pháp quan trọng để người dân có thu nhập, cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo. Ngoài các nguồn vốn vay, huyện khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Một trong số đó là mô hình trồng nấm rơm tại xã Mỹ Thạnh Bắc.

Từ một lớp đào tạo nghề trồng nấm rơm cho lao động nông thôn với khoảng 35 học viên và ông Nguyễn Văn Cường, ngụ ấp 5, xã Mỹ Thạnh Bắc là một trong những học viên ấy. Ban đầu, ông được hỗ trợ meo, rơm làm nấm. Sản xuất hiệu quả và cần cù, tiết kiệm, giờ đây cuộc sống gia đình ông đã bớt vất vả hơn xưa.

Ông nói: “Trước đây, 5 thành viên gia đình sinh sống dựa vào 2 mẫu đất ruộng. Nhưng ngặt nỗi, năng suất lúa ở đây không cao, có khi bị thua lỗ nên cuộc sống gia đình khá chật vật. Khi hay tin địa phương mở lớp dạy nghề trồng nấm tôi bèn đăng ký đi học. Sau đó, nhận thấy, ngoài làm ruộng, thời gian nhàn rỗi khá nhiều, trồng nấm cũng khá đơn giản nên hai vợ chồng bàn nhau cùng làm để có thêm thu nhập. Vợ chồng tôi thường bán nấm tại chợ biên giới, bình quân được vài chục ngàn/kg. Do nhu cầu tiêu thụ nhiều nên lượng nấm bán rất nhanh, không sợ bị tồn đọng."

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, công tác giảm nghèo được chú trọng theo hướng bền vững và xã hội hóa. Nhiều chủ trương, chính sách, dự án tập trung nguồn lực nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh giảm từ 7,37% (năm 2011) xuống còn 2,98% trong năm 2015. Hiện sở đang tổng hợp tỷ lệ hộ nghèo từ các huyện, thị xã, thành phố để tính tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh theo tiêu chí mới./.

Thanh Nga

 

Chia sẻ bài viết