Tiếng Việt | English

06/08/2015 - 17:36

Hợp tác xã Gò Gòn: Lợi ích cho người sản xuất

Hợp tác xã (HTX) Gò Gòn của xã Hưng Thạnh là đơn vị tiên phong tham gia mô hình cánh đồng lớn (CĐL) ở huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, có tác động tích cực, giúp nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm và yên tâm sản xuất.

Cánh đồng lớn sản xuất giống theo tiêu chuẩn

Phục vụ sản xuất nông nghiệp

Hình thành năm 2005, những năm đầu HTX làm dịch vụ bơm tưới là chính. Trước tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn, người dân tự bươn chải, tự quyết định trên đồng ruộng của mình theo phong tục tập quán, không áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nên hiệu quả đem lại rất thấp, có khi không có lãi mà còn bị lỗ.

Trước tình hình đó, HTX đề ra nhiều giải pháp nhằm phục vụ lợi ích chung. Các quy định, quy trình trong sản xuất được tuyên truyền đến từng hộ thành viên: xuống giống đồng loạt, các loại giống, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh,… phải theo một quy chuẩn nhất định để thống nhất, từ đó giúp nông dân nâng cao năng suất lúa.

Đến nay, HTX có 103 hộ tham gia, với diện tích 464ha, canh tác 2 vụ chính: Đông – Xuân, Hè – Thu. Ngoài ra, HTX còn thử nghiệm trồng xen canh 20ha cây mè, bước đầu đem lại lợi nhuận cho nông dân. Thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng ra toàn bộ diện tích của HTX.

Cánh đồng lớn của HTX Gò Gòn

Tham gia cánh đồng lớn đem lại hiệu quả

HTX đã từng bước khẳng định được vai trò trong việc liên kết sản xuất, làm ăn tập thể, những chính sách đem lại quyền lợi cho nông dân. Năm 2013, HTX được lãnh đạo tỉnh cho thực hiện CĐL – sản xuất lúa trong vùng trọng điểm của tỉnh. Đồng thời, thực hiện liên kết 4 nhà, mà trung tâm chính là người sản xuất, nông dân tự sản xuất lúa phục vụ lợi ích thiết thực của mình. Thông qua HTX, các chính sách của Nhà nước khi tham gia CĐL được triển khai đến các hộ thành viên, liên kết sản xuất, đầu tư bao tiêu sản phẩm. HTX đóng vai trò chủ đạo trong việc lo đầu vào và đầu ra cho nông sản.

Trước đây, nông dân tự sản xuất và tự tìm thị trường nông sản, do vậy, nguồn thu nhập luôn bấp bênh. Do không nắm được tình hình, chưa xác định được giống chất lượng cao, đầu tư chi phí cao, đến khi lúa chín lại gặp khó khăn trong việc tìm nơi tiêu thụ và bị thương lái ép giá.

Từ khi tham gia CĐL, toàn bộ giống lúa của HTX được xác định từ giống - lúa hàng hóa đều là đặc sản, tạo ra thương hiệu riêng cho mình. Nông dân được chuyển giao khoa học, tập huấn nâng cao nhận thức về quy trình sản xuất, canh tác đồng ruộng, giảm được chi phí đầu tư, đầu ra sau thu hoạch được bảo đảm.

Lúa trong chương trình CĐL đều là đặc sản nên giá thành ổn định, thu nhập cao hơn đối với người sản xuất thông thường từ 2-4 triệu đồng/ha. Năng suất bình quân hơn 10 tấn/ha đối với vụ Đông-Xuân và khoảng 7-8 tấn/ha đối với vụ Hè-Thu.
Việc thu hoạch và sau thu hoạch được HTX đảm nhận nhằm tránh thất thoát, giảm chi phí. Theo đó, mỗi hécta lúa nông dân sẽ tiết kiệm thêm khoảng 500-600 ngàn đồng. Ngoài ra, khi tham gia CĐL, HTX được Nhà nước hỗ trợ 30% chi phí về giống, phân bón, thuốc trừ sâu,… cho 209ha (trị giá trên 500 triệu đồng).

Anh Nguyễn Văn Ngưu – thành viên HTX thông tin: “Tham gia CĐL, nông dân được hỗ trợ vốn đầu tư ban đầu, được chuyển giao khoa học - kỹ thuật áp dụng vào canh tác nên rất yên tâm. Chúng tôi không phải lo lắng về đầu ra, không sợ thương lái ép giá vì đã có công ty thu mua, bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định”.

Tạo ra giống đặc sản

Trong chương trình CĐL, giống cao sản (hay giống đặc sản) đặc trưng của HTX là RVT, VD20. Đến nay, nông dân vùng nguyên liệu đã tự sản xuất được loại giống này để phục vụ cho CĐL và bán trên thị trường. Từ đó diện tích vùng nguyên liệu đặc sản tăng lên đáng kể. Nếu như năm 2013 chỉ có 80ha thì đến 2015 diện tích tăng lên 272ha.

Khi tham gia sản xuất vùng nguyên liệu, nông dân phải tuân thủ các quy trình, quy định đặt ra. HTX lần lượt triển khai và chọn những hộ thành viên đạt yêu cầu mới cho tham gia sản xuất giống đặc sản. Giống đặc sản có giá trên thị trường khoảng 14-15 ngàn đồng/kg, nhưng khi đưa CĐL tự sản xuất giá thành rẻ hơn 6-8 ngàn đồng/kg. Tính ra mỗi hécta nông dân tiết kiệm thêm khoảng 700-800 ngàn đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh – Ngân Văn Giang cho biết: “HTX Gò Gòn là nơi tiên phong thực hiện CĐL. Nhờ đó, đời sống người dân trong HTX được cải thiện, từng bước nâng cao. CĐL đem lại nhiều lợi ích cho bà con nên tôi hy vọng thời gian tới mô hình sẽ được nhân rộng”./.

Thanh Mỹ

 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích