Tiếng Việt | English

14/07/2019 - 19:35

Kem mút ấu thơ

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Giữa phố thị ồn ào bụi bặm, giữa trưa hè chao chát nắng, chợt thèm một tiếng rao kem mút mát lành. Chẳng thánh thót như chim hót trên tán cau trước cửa, chẳng vang rền như ve gọi bạn tình, chẳng trầm bổng như sáo diều tầng không, nhưng tiếng “bim bíp, bim bíp” từ chiếc kèn cao su trên tay người bán kem lại là thứ âm thanh mê hoặc nhất, len lỏi vào từng giấc mơ con trẻ. Dẫu cho đang mải mê đọc cuốn truyện tranh yêu thích, rượt đuổi sát nút trong trò cá sấu lên bờ cũng bất giác khựng lại chỉ vì thanh âm nhiệm màu ấy. Sau tiếng “bim bíp” là í ới gọi nhau “kem mút, kem mút”, là những bước chân trần thoăn thoắt ùa ra ngõ đứng ngóng, đợi mua.

“Chú kem mút”, lũ trẻ chúng tôi thường gọi như thế, xuất hiện như một ông bụt. Đó là người đàn ông mặt đen sạm, hai má hóp vào, đôi mắt nheo nheo vì nắng, đội mũ cối, đạp chiếc xe cà tàng chở theo thùng xốp trắng đựng đầy kem. Chú không quên nở những nụ cười với đám “khách hàng” bé nhỏ của mình, “cứ từ từ” rồi chậm rãi lật giở từng lớp từng lớp vải tuyn phủ trên miệng thùng. Những que kem trắng “kiêu kỳ” trên bàn tay gân guốc của người đàn ông đã ngoại tứ tuần. Có đứa hí hửng đưa chú đồng tiền lẻ cuộn tròn rồi nâng niu que kem mát lạnh, có đứa chẳng có tiền mua, mặt buồn xo, đứng xa nhìn cho đỡ thèm.

Kem mút chỉ là bột gạo trộn với đường, ép trong khuôn đá lạnh, thế mà xáo động bao khung trời tuổi thơ. Sở dĩ gọi là “kem mút” bởi trẻ con không ăn ngồm ngoàm như những thứ quà vặt khác. Chẳng đứa nào dám “chơi sang” cắn miếng to, không phải vì lạnh mà vì sợ mau hết. Chúng tôi chỉ nhấm nháp từng chút, từng chút một, thậm chí còn chờ cho kem tan ra rồi há miệng hứng từng giọt ngon lành. Kem mút là thức quà quen thuộc nhưng chẳng phải ngày nào cũng được ăn. Lâu lâu, tôi được thưởng vì “sưu tầm” đủ 5 điểm 10 hay nhổ tóc sâu cho bà nên được “trả công” để mua kem mút.

Sáng sáng, mẹ thường chải đầu rồi cuộn những sợi tóc rụng lại và gài lên mái hiên trước nhà để dành cho chị em tôi đổi kem mút. Có lần, tôi phụng phịu trách sao tóc mẹ không rụng nhiều hơn để đủ đổi được 2 que kem. Chị mắng: “Mày muốn mẹ mau già đúng hông?”. Lúc ấy, tôi chưa đủ lớn để hiểu mỗi sợi tóc rụng xuống vai gầy là thêm một dấu vết thời gian tàn phá trên cơ thể mẹ. Thằng bé lên bốn lên năm thuở ấy chỉ biết rằng mớ tóc rụng của mẹ đem đến hương vị ngọt lành của cây kem mút, niềm háo hức mong chờ mỗi khi nghe tiếng “bim bíp, bim bíp” quen thuộc cất lên vời vợi giữa không gian yên ả của xóm nhỏ.

Mùa hè sau, mùa hè sau… rồi lại mùa hè sau nữa, vắng dần tiếng rao kem mút. Trẻ con bây giờ không biết đến những que kem chỉ có bột gạo trộn đường cứng như đá, lạ lẫm với tiếng kèn cao su “bim bíp”. Ngày nay kem có đủ hương vị, màu sắc nhưng với tôi, thức quà tuổi thơ ấy vẫn là ngon nhất vì nó mang mùi vị của ký ức, của tháng năm tuổi nhỏ dữ dội hay cuộc sống ngổn ngang xô bồ chẳng còn đủ thời gian để ngồi nhấm nháp một que kem thật chậm, thật lâu như xưa nữa./.

Đào Mạnh Long

Chia sẻ bài viết