Tiếng Việt | English

20/01/2016 - 08:28

Làm giàu từ nông nghiệp

Những năm qua, kinh tế nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng toàn diện, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch nhanh, theo hướng nâng cao chất lượng. Theo đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đẩy mạnh, ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung hình thành ngày càng nhiều, đời sống nông dân được cải thiện. Mỗi nông dân có cách làm giàu khác nhau, nhưng họ đều có cùng điểm chung là sự cần cù, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm,...

Bờ kênh KT9 là con đường giao thông dẫn vào ngôi nhà của bà Trương Thị Hương, một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở ấp Hà Tân, xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng. Bén duyên với vùng đất này từ những năm 2000, vượt qua bao khó khăn, vất vả, đến nay, bà Hương có khoảng 40ha đất để làm lúa, mỗi năm 2 vụ, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về từ 600 triệu đến 1 tỉ đồng. Ngoài ra, gia đình bà còn tạo việc làm thường xuyên và ổn định cho khoảng 10 lao động, còn khi vào vụ sản xuất thì có khoảng 40 lao động làm việc.

Không chỉ vậy, bà Hương còn là người đóng góp tích cực cho công tác phúc lợi xã hội như đóng góp hơn 100 triệu đồng để nạo vét mương nước phục vụ tưới tiêu cho các hộ dân trong ấp, hiến gần 1ha đất để làm đường giao thông nông thôn, mỗi năm ủng hộ quỹ phúc lợi xã hội của xã trên 30 triệu đồng để tặng quà cho người nghèo, người già bệnh tật, khó khăn, học sinh hiếu học,...


Ông Trương Văn Sáng chăm sóc vườn thanh long của gia đình

Không làm lúa như bà Hương, ông Trương Văn Sáng, ngụ ấp Cầu Đôi, xã An Lục Long, huyện Châu Thành là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 2 lần được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vào năm 1996 và 2014. Với trên 20 năm trồng thanh long, gia đình ông trở thành hộ khá, giàu. Ông Sáng chủ yếu trồng thanh long ruột trắng với năng suất bình quân từ 80-100 tấn/ha. Ngoài ra, gia đình đang trồng thêm 1,3ha thanh long ruột đỏ và thời gian tới sẽ cho thu hoạch. Bên cạnh đó, ông Sáng còn là hộ dân tiên phong trong các phong trào hoạt động của địa phương. Ông tham gia vận động người dân trong ấp hiến đất làm đường, riêng gia đình ông hiến khoảng 600m2.


Ông Thi Văn Chói bên đàn bò sữa của mình

Về với xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, cuộc sống người dân nơi đây thoát nghèo nhanh chóng và vươn lên làm giàu nhờ vào mô hình nuôi bò sữa nhiều năm nay. Tiêu biểu là hộ ông Thi Văn Chói, ngụ ấp Chánh, với mô hình trồng cỏ nuôi bò sữa. Với 1,5ha đất trồng cỏ, ông nuôi trên 30 con bò sữa, lợi nhuận từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng mỗi năm.

Theo ông Chói: “Nuôi bò sữa, kỹ thuật không khó lắm nhưng đòi hỏi người nuôi phải siêng năng, chịu khó. Mỗi ngày tắm cho bò ít nhất 3 lần vào buổi sáng, trưa, chiều và cần làm vệ sinh chuồng trại sạch sẽ trước khi vắt lấy sữa vào buổi sáng và buổi chiều. Đặc biệt chú trọng việc chăm sóc, cho ăn hằng ngày, ngoài thức ăn chính như cỏ, rơm, cây bắp, vào buổi trưa, tôi cho bò uống nước pha với cám xay để tăng dinh dưỡng. Mỗi ngày, gia đình tôi thu được 10-12kg sữa/con”.


Nông dân Bùi Văn Khắp bên vườn chanh

Nhờ kinh nghiệm chăn nuôi, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm, ông Thi Văn Chói thu lãi gần 1 tỉ đồng từ tiền bán sữa và bán bò giống, bò thịt. Bên cạnh đó, ông cũng được công nhận nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh trong 7 năm liền, được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và là nông dân duy nhất của tỉnh được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vì “Đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2015”.

Những năm gần đây, đời sống người dân xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa ngày càng phát triển nhờ chanh không hạt. Cây chanh đang là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Và cũng từ cây chanh, ông Bùi Văn Khắp, ngụ ấp Gãy, xã Thuận Bình đã vươn lên và đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Ông hiện là Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Sản xuất-dịch vụ nông nghiệp Thuận Bình. Đặc biệt, chanh không hạt của HTX được vinh danh là sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia năm 2014. Với hơn 6ha trồng chanh không hạt, mỗi năm, ông thu lợi trên 600 triệu đồng.

Ông Khắp cho biết: “Có được những kết quả như hôm nay là cả quá trình phấn đấu. Vượt qua những khó khăn, thử thách, học hỏi, tích góp kinh nghiệm từ những thành công của người đi trước, cũng có khi từ trải nghiệm của chính mình, đó là nhân tố làm nên sự thành công, vươn lên làm giàu cho bản thân và xã hội. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được sự hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiều của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương”.

Họ, những nông dân cần mẫn và luôn có những sáng tạo, linh động trước thị trường, biết ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Những người nông dân ấy đang làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương và góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh./.

Lê Huỳnh - Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích