Tiếng Việt | English

27/04/2016 - 14:52

Long An: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Long An có vị trí, điều kiện tự nhiên phù hợp phát triển nhiều loại nông sản hàng hóa. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, thiếu tính bền vững. Vì vậy, việc thành lập “Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp” là cần thiết. Đề án khẳng định được hướng đi đúng của chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra.


Ứng dụng khoa học - công nghệ để tăng năng suất thanh long. Ảnh: Hồng Anh

Sự cần thiết ban hành đề án

Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu về hiệu quả và chất lượng. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng giống có năng suất cao, chất lượng tốt, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất còn hạn chế, từ đó làm cho giá thành sản xuất và tỷ lệ thất thoát trước, trong và sau thu hoạch còn cao.

Nhiều vùng sản xuất tập trung liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị khép kín còn hạn chế, làm cho thu nhập người dân còn thấp. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân vô cơ, chất kích thích sinh trưởng, ý thức chấp hành xử lý chất thải còn thấp, tác động đến sức cạnh tranh sản phẩm, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ bộc phát dịch hại.

Vì vậy, việc lựa chọn định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là rất cần thiết. Mục tiêu cơ bản của tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh là xây dựng nền nông, lâm, ngư nghiệp bền vững, toàn diện, trong đó tập trung vào một số nông sản hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, đồng thời, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo tăng trưởng ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân.

Long An tập trung vào 4 lĩnh vực chính trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trồng trọt, tập trung vào 6 loại cây: Lúa, thanh long, rau, mè, bắp, chanh. Chăn nuôi, tập trung vào chăn nuôi bò sữa, gia cầm và heo. Thủy sản, tập trung nuôi cá nước ngọt và tôm. Về đầu tư, ưu tiên đầu tư các dự án phục vụ cho các sản phẩm chủ lực như phát triển hạ tầng, cơ giới hóa, trạm bơm điện, ứng dụng công nghệ cao...

Bước đầu thực hiện đề án tạo sự đồng thuận, đáp ứng nhu cầu thiết thực trong sản xuất của nhân dân. Ông Huỳnh Văn Tựu, ngụ ấp 3, xã Tân Đông cho biết: “Tôi có 3,5 ha diện tích đất sản xuất nếp đều nằm trong cánh đồng lớn. Lợi thế trong cánh đồng là sản xuất tập trung trong khu đê bao, người dân gieo sạ đồng loạt nên né được sâu, bệnh; người dân yên tâm vì được hỗ trợ giống lúa, phân, thuốc có chất lượng và được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn so với thị trường là 100 đồng/kg. Hàng tuần, nông dân được cán bộ khuyến nông đến thăm đồng, hướng dẫn kỹ thuật bón phân, xử lý sâu bệnh đúng và kịp thời nên hạn chế được kinh phí sản xuất. Vì vậy, lợi nhuận bình quân so với ngoài cánh đồng từ 3 đến 4 triệu đồng/ha/vụ”.


Thanh long là một trong các loại cây chủ lực gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Giải pháp để thực hiện

Tại kỳ họp thứ 16, tổng kết hoạt động của HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016, đại diện lãnh đạo các sở, ngành và địa phương đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện đề án. Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Long An-Lê Văn Hoàng cho biết: “Tập trung triển khai công tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, sản xuất của người nông dân để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Mặt khác, ngành sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch cây trồng, vật nuôi theo các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra”.

Theo đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Văn Tâm, để thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đề nghị tỉnh cần quan tâm đầu tư xây dựng thêm cơ sở hạ tầng như hệ thống cầu, đường, trạm bơm điện, đê bao,… để phục vụ sản xuất. Đồng thời, xây dựng hệ thống giao thông phải đồng bộ để thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Song song đó, từng địa phương cũng đưa ra giải pháp để mục tiêu đề án từng bước đi vào cuộc sống. Điển hình ở xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa đã có nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Chủ tịch UBND xã Tân Tây-Lê Văn Lợi cho biết: Thời gian qua, việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn xã mang nhiều kết quả thiết thực. Cây khóm “bén duyên” và phù hợp với vùng đất Tân Tây nên dần hình thành vùng chuyên canh, với diện tích đến nay là 283 ha. Trong đó, xã được quy hoạch cánh đồng chuyên canh khóm đến năm 2020 là 600 ha. Cây khóm trên địa bàn hiện có hiệu quả kinh tế cao nên thu nhập người dân tăng đáng kể. Riêng diện tích cánh đồng lớn đến nay xã thực hiện được 289 ha.

"Để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã tiếp tục vận động nhân dân sản xuất trong cánh đồng lớn; hỗ trợ người dân vay vốn sản xuất; xây dựng thêm trạm bơm điện tại kênh 22, ấp 5 để phục vụ 600 ha vùng chuyên canh khóm. Đồng thời, thành lập các tổ hợp tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiêu thụ hàng hóa." Chủ tịch UBND xã Tân Tây-Lê Văn Lợi cho biết thêm.

Chỉ tiêu đề án, chọn 3 cây trồng, 1 vật nuôi thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào các khâu chính (giống, canh tác, sau thu hoạch) để phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên sản phẩm chủ lực của tỉnh, gồm:

-20.000 ha sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao trong vùng lúa cao sản, xuất khẩu với 40.000 ha ở các huyện Đồng Tháp Mười của tỉnh (gồm các huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Kiến Tường, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng).

-2.000 ha thanh long tại huyện Châu Thành; 2.000 ha rau tại huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP. Tân An; vùng chân nuôi bò thịt ở Đức Hòa, Đức Huệ và hỗ trợ hình thành 1 đến 2 cơ sở ươm tạo công nghệ cao.

Ngọc Mận

 

Chia sẻ bài viết