Tiếng Việt | English

07/03/2016 - 16:51

Lúa Đông Xuân được tiếp nước

Những ngày qua, hệ thống kênh nội đồng của huyện Tân Trụ, Thủ Thừa (Long An) cạn kiệt nước. Đối mặt với nguy cơ mất trắng vụ Đông Xuân, nông dân như “ngồi trên đống lửa”.

 

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh, huyện Tân Trụ kiểm tra các cống trên địa bàn (Ảnh: MHD)

Vụ lúa Đông Xuân năm nay, huyện Tân Trụ xuống giống gần 5.100ha. Vùng thượng, trà lúa đang giai đoạn đòng trổ. Vùng hạ, trà lúa đang giai đoạn làm đòng. Giai đoạn này, cây lúa rất cần nước cho sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên năm nay, do nước mặn về sớm, trong khi nông dân xuống giống trễ so với năm trước gần 1 tháng nên hầu hết các tuyến kênh đều cạn nước. Tình trạng thiếu nước diễn ra ngày một trầm trọng, đặc biệt la các xã vùng hạ và một số khu vực xa kênh rạch.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, hiện có trên 500ha lúa bị khô héo nguy cơ mất trắng. Con số thiệt hại có thể tăng hơn nữa, bởi nhận thấy nguy cơ thiếu nước cho giai đoạn cuối vụ nên nhiều nông dân bỏ mặc lúa chết để đỡ mất công sức và tiền của. Nhiều hộ chăn nuôi phải bán vịt đẻ, bán cá non vì không có nước.

Một phần thị trấn Thủ Thừa, xã Nhị Thành của huyện Thủ Thừa cũng có chung hoàn cảnh như thế.

Tập trung chống hạn, mặn

Ngày 1-3-2016, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng và Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trần Văn Đốc chủ trì cuộc họp thống nhất cho xả 3 cống Bảo Định, Rạch Chanh, Bắc Đông đợt 2 lấy nước ngọt từ Tiền Giang về đẩy mặn lui về hạ lưu. Đồng thời, tranh thủ lúc triều kém mở các cống đầu trên thượng nguồn từ xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ đến huyện Thủ Thừa để lấy nước ngọt vào chống hạn. Các xã, thị trấn cũng cử cán bộ túc trực tại các cống nhỏ ven sông, khi độ mặn đạt yêu cầu là vận hành mở cống nhồi nước ngay.

Trưởng Trạm quản lý và khai thác công trình thủy lợi huyện Thủ Thừa - Phạm Thanh Hưng cho biết, từ ngày 3-3-2016 đến nay, 5 cống: Cây Gáo, Ao Sen, Bà Phổ, Vàm Kênh và Ông Trọng đều mở để lấy nước ngọt. Khi độ mặn còn đạt yêu cầu là còn mở cống nhồi nước. Khi triều cường xuống mà nước ngọt thì cho đóng cống, sử dụng 3 máy bơm cát công suất lớn bơm nhồi thêm. Nước từ 5 cống trên đều dồn vào rạch Cây Gáo dẫn về tưới cho đồng lúa tại thị trấn Thủ Thừa và xã Nhị Thành. Do rạch Cây Gáo kết nối với hệ thống sông Nhựt Tảo nên đây cũng là nguồn tiếp nước rất lớn cho địa bàn huyện Tân Trụ.

4 ngày qua, các cống từ rạch Châu Phê đến cống Ông Hống, huyện Tân Trụ, đều mở để lấy nước ngọt. Một số cống nhỏ ven sông thuộc xã Bình Tịnh, Bình Lãng cũng mở để dân bơm chống hạn.

Hiện nay, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cũng thống nhất mở cống Bảo Định không giới hạn để lấy nước ngọt sông Tiền về đẩy mặn, đưa nước ngọt vào chống hạn, mặn cho huyện Tân Trụ, một phần huyện Thủ Thừa và Bến Lức. Do cống Bảo Định, Bắc Đông mở xả nước nên mực nước bên trong tuột quá thấp, từ ngày 6-3-2016, các cống này sẽ đóng bớt một cửa để nông dân có điều kiện sản xuất.

Nông dân hồ hởi khi lúa được tiếp nước

Ông Nguyễn Hoàng Đáng, ấp Thanh Phong, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ canh tác hơn 3 công ruộng. Lúa đang giai đoạn đòng trổ nhưng ruộng khô nước, dưới kênh cũng không còn giọt nào. “Mấy ngày qua, chính quyền cho mở cống lấy được nước, nông dân  rất mừng. Từ sau tết đến nay, huyện mở cống 2 đợt cho nước vô, nếu không thì những cánh đồng ở ấp này coi như mất trắng” - ông Đáng cho biết.

Còn ông Nguyễn Văn Liêm - ngụ ấp Bình An, xã Bình Lãng phấn khởi: “Mấy ngày nay, tôi cũng như bà con ở đây cứ ra sông Vàm Cỏ Tây nếm thử coi nước bớt mặn chưa. Nếu triều kém không mở cống được thì vụ này nông dân thua lỗ nặng. Nhờ cống được mở tiếp nước nên giờ cũng yên tâm, ráng bơm tích trữ thật nhiều, đây chắc là đợt cuối không dễ gì mở cống lần nữa”.

Nước chảy đến đâu, nông dân phấn khởi đến đó, những cánh đồng lúa tưởng như mất trắng giờ lại được hồi sinh. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Trụ - Đoàn Văn Hoàng cho biết, qua 4 ngày mở cống tiếp nước, mực nước trong các kênh rạch trên địa bàn tăng lên hơn 1m, có nơi hơn 1,4m. Lượng nước tích trữ nhiều gấp đôi so với lần mở cống đợt trước.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều khu vực chưa tiếp cận được nguồn nước do nằm sâu ở nội đồng hoặc do hệ thống kênh, mương chưa liền nhau. Một số nơi dù phải tốn chi phí bơm nhiều cấp mới tới nhưng có nguồn dự trữ để bơm nên nông dân vô cùng phấn khởi. Nước về, không chỉ riêng cây lúa mà hoa màu, việc chăn nuôi cũng dần ổn định./.

Anh Quốc

Chia sẻ bài viết