Tiếng Việt | English

24/12/2019 - 11:05

Một số dự án khu, cụm công nghiệp triển khai ì ạch, kéo dài, ảnh hưởng thu hút đầu tư

Với vị trí thuận lợi, tỉnh Long An có nhiều điều kiện, lợi thế để phát triển công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều khu, cụm công nghiệp (K,CCN), tuy nhiên vẫn còn những dự án (DA) K,CCN triển khai chậm tiến độ gây bức xúc, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của địa phương.

Vẫn có những dự án triển khai chậm trễ, kéo dài
Vẫn có những dự án triển khai chậm trễ, kéo dài

Thông tin từ UBND tỉnh Long An, hiện trên địa bàn có 31 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với tổng diện tích gần 11.400ha, 42 chủ đầu tư hạ tầng (đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư 25 KCN với diện tích hơn 8.450ha). Về CCN, theo quy hoạch phát triển đến năm 2020 có 62 CCN được quy hoạch với diện tích hơn 3.100ha (đã có quyết định thành lập 58 CCN với diện tích hơn 2.900ha).

Theo thống kê, đến nay, chỉ có 16 KCN và 22 CCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích chưa đầy 3.900ha. Điều đáng nói, có một số DA K,CCN vẫn chưa triển khai đầu tư hoặc đầu tư dở dang, chậm trễ. Chẳng hạn như DA KCN Việt Phát (xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa) do Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An làm chủ đầu tư. DA được UBND tỉnh đồng ý về chủ trương thành lập từ năm 2005 với tên gọi đầu tiên là KCN Tân Thành. Sau nhiều lần thay đổi, điều chỉnh, đến nay DA này được phê duyệt tổng diện tích hơn 1.213ha, tổng vốn đầu tư trên 10.000 tỉ đồng.

Theo quy định trong giấy chứng nhận đầu tư được cấp năm 2010, DA KCN Việt Phát được cho thuê lại đất từ tháng 3/2011 và hoàn thành hạ tầng kỹ thuật từ tháng 10/2015. Sau đó, giấy chứng nhận đầu tư này được điều chỉnh, cho phép chủ đầu tư được cho thuê lại đất từ tháng 3/2013 và DA được kéo dài thời hạn hoàn thành hạ tầng kỹ thuật đến tháng 3/2020.

Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều năm triển khai thì chủ đầu tư vẫn chưa thể cho thuê lại đất trong DA. Cụ thể, theo báo cáo của chủ đầu tư chỉ mới thực hiện cơ bản việc san lấp mặt bằng, chỉ san lấp cát nền đường được khoảng 1km, đầu tư đường dây điện 1 pha 12,7kV và đường dây trung thế 3 pha 22kV, còn lại hệ thống cấp nước, thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc, nhà máy xử lý nước thải,… chưa được triển khai. 

Với tiến độ như hiện nay, theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh sẽ không bảo đảm triển khai đúng tiến độ DA. Trong khi đó, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về gia hạn thời gian triển khai DA và kết luận thanh tra ngày 13/9/2019 của UBND tỉnh quy định chậm nhất đến tháng 4-2020 đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư đối với 295ha. 

Điều đáng nói là DA này được bàn giao mặt bằng khá thuận lợi. Thế nhưng, qua nhiều năm triển khai thì chủ đầu tư vẫn chưa xây dựng gì đáng kể, nhiều phần diện tích được san lấp để quá lâu đến nay lau sậy, bụi rậm mọc um tùm, gây lãng phí tài nguyên đất đai. Không chỉ DA trên mà đánh giá về các KCN dự kiến đưa vào hoạt động năm 2019, UBND tỉnh cũng cho biết tiến độ hoàn thành thấp.

Ngoài ra, DA CCN Chế biến thực phẩm Vissan ở xã Lương Bình, huyện Bến Lức do Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản nhận chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất và nhận chuyển toàn bộ DA từ DA CCN Đại Đồng từ năm 2009. 

Theo kế hoạch, DA có dây chuyền giết mổ heo, công suất 360 con/giờ, xưởng sản xuất lạp xưởng quy mô 900 tấn/năm, xưởng sản xuất đồ hộp quy mô 2.650 tấn/năm, xưởng sản xuất xúc xích tiệt trùng quy mô 20.800 tấn/năm, xưởng sản xuất thịt nguội quy mô 3.400 tấn/năm, xưởng sản xuất giò các loại quy mô 1.500 tấn/năm và sản xuất hàng chế biến khác quy mô 5.600 tấn/năm,... Tổng mức đầu tư DA hơn 1.500 tỉ đồng.

Theo chứng nhận đầu tư, đáng lẽ ra, DA này đã đi vào hoạt động từ lâu nhưng cứ năm này qua năm khác, việc triển khai hạ tầng vẫn ì ạch, chậm trễ, dù ngành chức năng nhiều lần làm việc đôn đốc... Điều đáng nói, DA này việc giải phóng mặt bằng, san lấp hoàn thành từ lâu, rất thuận lợi cho đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Thế nhưng, nhiều năm qua, đất vẫn bị để hoang hóa, cỏ mọc um tùm làm ai đi qua nhìn vào cũng phải lắc đầu ngao ngán. Hiện nay, UBND tỉnh tăng cường kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện DA, sớm đưa vào hoạt động.

Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: Thời gian qua, huyện nỗ lực thực hiện giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho các chủ đầu tư thực hiện DA. Tuy nhiên, huyện cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền cần tăng cường rà soát, đôn đốc chủ đầu tư, cam kết thực hiện theo lộ trình, thời gian hoàn thành cụ thể hoặc xem xét lại năng lực của một số chủ đầu tư. Nếu không đủ năng lực thực hiện, cần thu hồi, bàn giao cho chủ đầu tư khác để tiếp tục thực hiện DA...

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, diện tích đất công nghiệp còn lại của các K,CCN có khả năng cho thuê ít, trong khi các K,CCN đã có chủ trương đầu tư chậm triển khai ảnh hưởng đến quỹ đất, gây khó khăn cho công tác thu hút đầu tư của tỉnh. 

Nguyên nhân chính dẫn đến việc các DA K,CCN chậm tiến độ là do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; một số chủ đầu tư có năng lực tài chính yếu, hoặc không thể hiện trách nhiệm thực hiện DA,…

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Anh Việt cho biết: “Thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh và tích cực phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường rà soát, phân loại để có hướng xử lý đối với từng DA K,CCN cụ thể. Đối với các DA mới đang tiến hành thủ tục đất đai thì tích cực hỗ trợ nhà đầu tư trong thực hiện. Đối với những DA có vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư thì tập trung giải quyết. Công tác này cần sự vào cuộc, thực hiện trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Hiện nay, các cấp, các ngành đang tập trung quyết liệt triển khai thực hiện Kết luận số 720, ngày 29/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư ở một số địa bàn trọng điểm. Còn đối với những DA chậm triển khai vì lý do chủ quan của nhà đầu tư thì tiến hành rà soát lại các cơ sở pháp lý, tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý DA theo đúng quy định của pháp luật, kể cả việc thu hồi DA, thu hồi đất.

“Ngoài ra, gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư hạ tầng để giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của tỉnh. Đối với những vướng mắc, cơ chế thuộc thẩm quyền của Trung ương thì kịp thời, tích cực phản ánh để có hướng dẫn, tháo gỡ” - ông Nguyễn Anh Việt thông tin thêm./.

Lê Đức 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích