Tiếng Việt | English

02/12/2016 - 19:05

Liên hoan Sân khấu thể nghiệm quốc tế

Nghệ sĩ Bạch Long đoạt Huy chương Vàng

Hóa thân xuất sắc vào vai Thần chết trong vở kịch Giấc mơ (đạo diễn Thái Kim Tùng), nghệ sĩ (NS) Bạch Long đoạt Huy chương Vàng trong sự vui mừng của đồng nghiệp.

Liên hoan Sân khấu thể nghiệm quốc tế lần 3-2016 khép lại sau 10 ngày tranh tài sôi nổi. Kết quả, 3 vở diễn xuất sắc đoạt huy chương vàng: Chim Hải âu (Nhật Bản); Ramayana (Trung tâm Kinh kịch tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) và Dưới cát là nước (Nhà hát Kịch Quân đội, Việt Nam). 4 huy chương bạc trao cho 4 vở: Medea (Nhà hát Thế giới trẻ TP.HCM); Khách sạn thiên đường (Đức); Giấc mơ (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM); Mối tình trong sáng (Philippines). Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 29 huy chương vàng, 27 huy chương bạc cho các NS trình diễn xuất sắc.

NSƯT Mỹ Uyên - Quyền Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM cho biết, lễ bế mạc Liên hoan Sân khấu thể nghiệm quốc tế vừa kết thúc tại Hà Nội, ê-kíp kịch Giấc mơ đoạt 3 giải thưởng, trong đó, 2 Huy chương Bạc dành cho vở diễn và diễn viên Trung Dũng, Huy chương Vàng dành cho NS Bạch Long.

So với nhiều bạn diễn, sự nghiệp nghệ thuật của Bạch Long được giới chuyên môn đánh giá cao, anh góp phần đào tạo thế hệ diễn viên nòng cốt cho sân khấu cải lương tuồng cổ khi gầy dựng đoàn đồng ấu mang tên mình. Các học trò của anh như: Vũ Luân, Quế Trân, Tú Sương đều được phong tặng danh hiệu NSƯT. Các diễn viên trẻ khác như: Chấn Cường, Bình Tinh, Lê Thanh Thảo, Thy Trang,... đều được khán giả yêu mến qua những vai diễn trên sân khấu.

Những năm gần đây, anh gắn bó với Sân khấu Kịch IDECAF, tham gia các vở diễn ca ngợi lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam và đưa những tác phẩm này vào học đường. Sự có mặt của anh trong các vở diễn lịch sử mang lại nhiều tiếng cười cho các em thiếu nhi khi anh đóng vai tướng giặc bị thua trận. “Giáo dục lịch sử cho trẻ em là trọng trách của những người thực hiện chương trình này. Tôi chỉ mong có được thật nhiều suất diễn để các em hiểu rõ hơn về lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, từ đó yêu quý Tổ quốc, bảo vệ bờ cõi, chủ quyền dân tộc” - Bạch Long chia sẻ.

Bạch Long luôn là người thầy mẫu mực, đào tạo nhiều thế hệ học trò và luôn đặt trọng trách này lên hàng đầu vì anh xem đó là công việc quan trọng, góp phần phát triển lực lượng kế thừa cho sân khấu. NSƯT Vũ Luân trong Ngày Nhà giáo Việt Nam viết trên trang cá nhân những lời tâm sự, trong đó nhớ ơn nhiều thầy, cô và đặc biệt là với NS Bạch Long - người phát hiện ra anh và mài giũa thành một tài năng cho sàn diễn cải lương tuồng cổ.

Đến với vai diễn Thần chết, sự hóa thân của NS Bạch Long chinh phục khán giả và đồng nghiệp bởi sự vận dụng vũ đạo hết sức tài tình, tạo điểm nhấn độc đáo cho tác phẩm thể nghiệm của đạo diễn trẻ Thái Kim Tùng.

“Vở Giấc mơ được dàn dựng theo hình thức kịch thể nghiệm. Đây là phong cách kịch hiện đại, còn khá mới mẻ với khán giả Việt Nam. Sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật như múa đương đại, tuồng cổ, cải lương,... là điều khiến tôi thích thú khi lao vào tập luyện, dù hiện nay sức khỏe của tôi không tốt” - NS Bạch Long tâm sự.

Nội dung kịch Giấc mơ kể về cuộc hành trình trong hư vô của người chiến sĩ hy sinh. Thần chết xuất hiện để bắt hồn người chiến sĩ nhưng với tinh thần mạnh mẽ, bất khuất, người lính không dễ dàng đầu hàng trước sự đe dọa của Thần chết cùng lưỡi hái tử thần uy lực.

Khán giả xem vở diễn này đều khen ngợi sự xuất hiện của NS Bạch Long, anh tạo dấu ấn mới cho sự nghiệp nghệ thuật của mình. Đồng thời, anh còn là điểm tựa vững vàng cho thế hệ trẻ tiếp bước trên con đường nghệ thuật, nỗ lực không ngừng để có thêm nhiều tác phẩm thử nghiệm hướng đến công chúng./.

Hoàng Thuận

Chia sẻ bài viết