Tiếng Việt | English

07/07/2018 - 16:23

Tân Ân ngày mới

Nhắc đến xã Tân Ân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, nhiều người nhớ đến vùng đất trải dọc theo sông Vàm Cỏ, kiên cường trong đấu tranh. Nơi ấy có những Mẹ Việt Nam Anh hùng vượt mưa bom, bão đạn của kẻ thù, đưa bộ đội qua sông, bất chấp hiểm nguy, nuôi giấu cán bộ trong những năm tháng chiến tranh. Đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Ân năng động, sáng tạo, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương từ vô vàn khó khăn ngày càng "thay da đổi thịt". Tân Ân được công nhận xã văn hóa vào năm 2016 và đạt 19/19 tiêu chí (TC) nông thôn mới (NTM) vào năm 2017 (trước lộ trình).

Đổi thay từ một vùng quê

Thực hiện xây dựng NTM, xã tập trung công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến tích cực, huy động sức mạnh tổng hợp trong phát triển KT-XH. Để huy động sự tham gia của người dân, xã thực hiện tốt công tác dân vận, phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong thực hiện các công trình, từ đó, người dân đồng thuận, tham gia hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công mở rộng các tuyến giao thông nông thôn, nạo vét công trình thủy lợi, xây dựng công trình hạ thế điện.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Đỗ Hữu Lâm (thứ 2 từ phải qua) và lãnh đạo huyện Cần Đước tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Tân Ân

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Đỗ Hữu Lâm (áo xanh sậm màu) và lãnh đạo huyện Cần Đước tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Tân Ân

Nông dân tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản, thành lập các hợp tác xã nông nghiệp, tổ liên kết sản xuất, tham gia các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, tạo việc làm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã còn dưới 2,36%.

Giao thông nông thôn, nước sạch, vệ sinh môi trường,... là những TC khó thực hiện do điều kiện tự nhiên của xã không thuận lợi, đất nhiễm phèn, thiếu nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu, người dân sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt, dân cư phân tán; vẫn còn tình trạng đổ rác bừa bãi,... Để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, các đoàn thể tập trung tuyên truyền, thực hiện các mô hình thiết thực: Giỏ rác gia đình (Hội Liên hiệp phụ nữ), Hố rác tiêu hủy vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (Hội Nông dân),... các mô hình và những việc làm cụ thể. Từ đó, ý thức bảo vệ môi trường của người dân từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ đăng ký thu gom rác thải, hộ xây dựng công trình vệ sinh phù hợp ngày càng tăng, hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn đều tuân thủ nghiêm quy định về bảo vệ môi trường. Hiện nay, Tân Ân có 10 giếng khoan, cung cấp nước hợp vệ sinh cho trên 99,5% hộ dân, tỷ lệ nhà ở có bể chứa nước có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn trên 96%.

Huy động sức mạnh tập thể

Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, các công trình điện, nước, giao thông, thủy lợi được đầu tư hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, nâng cao đời sống người dân. Hệ thống giao thông nông thôn được nâng cấp, mở rộng. Toàn xã có 100% hộ sử dụng điện, 83% hộ có nhà ở đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng, thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/năm.

Diện mạo Tân Ân hôm nay

Diện mạo Tân Ân hôm nay

Năm 2017, Tân Ân được chọn làm xã điểm Về nguồn của huyện gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Qua đó, huy động trên 30 tỉ đồng cùng với sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương, sự tham gia của người dân, xã tập trung đầu tư các công trình giao thông, xây dựng mới trạm y tế, hoàn chỉnh khuôn viên trường học, hệ thống chiếu sáng,... Với những kết quả đó, Tân Ân hoàn thành 19/19 TC NTM và được tỉnh phúc tra, công nhận xã đạt chuẩn NTM trước lộ trình.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Ân vui mừng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM. Đây là kết quả quá trình phấn đấu của Tân Ân trong nhiều năm qua. Để giữ vững thành tích, từng bước xây dựng địa phương ngày càng phát triển, đòi hỏi từng hộ gia đình, cộng đồng dân cư phải nâng cao ý thức giữ gìn các công trình công cộng, chung tay, góp sức mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, kênh, mương nội đồng phục vụ sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, áp dụng khoa học - kỹ thuật, liên kết, hỗ trợ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tích cực đấu tranh ngăn chặn tệ nạn xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các phong trào thi đua do địa phương phát động, góp phần xây dựng thành công huyện NTM./.

Kim Khánh

Chia sẻ bài viết