Tiếng Việt | English

26/06/2018 - 04:30

Thầm lặng sau từng tác phẩm báo chí

Mỗi tác phẩm báo chí được biết đến như “đứa con” tinh thần của tác giả và để những “đứa con” ấy đến được với bạn đọc, cần có người “đỡ đầu”. Đó là những biên tập viên, kỹ thuật viên trình bày báo và những người làm công tác hậu kỳ để cho ra một tác phẩm báo chí hoàn chỉnh.

Tác phẩm báo chí là “đứa con tinh thần” của tác giả, nhưng để đứa con ấy có thể “chào đời”, có sự đóng góp của cả một đội ngũ những tác giả không tên phía sau!

Tác phẩm báo chí là “đứa con tinh thần” của tác giả, nhưng để đứa con ấy có thể “chào đời”, có sự đóng góp của cả một đội ngũ những tác giả không tên phía sau!

Người “gác cổng” khó tính

Phó Trưởng phòng Thư ký Tòa soạn, Báo Long An - Nguyễn Thị Minh Tâm cho biết: “Biên tập viên giống như người “gác cổng” trước khi một tác phẩm báo chí được xuất bản. Đội ngũ biên tập viên không chỉ làm nhiệm vụ biên tập mà còn góp phần định hướng tuyên truyền, hướng dẫn phóng viên thực hiện lại tin, bài chưa đạt yêu cầu và bảo đảm thông tin, hình ảnh tốt nhất khi đến với người đọc”.

Chính những yêu cầu ấy đôi lúc khiến biên tập viên và phóng viên có sự “tranh cãi” nảy lửa. Đó là tính chất của công việc giữa người tạo ra sản phẩm và người “nhặt sạn”. Muốn hoàn thành tốt công việc của mình, đội ngũ biên tập viên phải có kiến thức sâu, rộng, kinh nghiệm sống để phản biện trên nhiều lĩnh vực.

Phó Trưởng phòng Thư ký Tòa soạn, Báo Long An - Nguyễn Thị Minh Tâm

Phó Trưởng phòng Thư ký Tòa soạn, Báo Long An - Nguyễn Thị Minh Tâm

Sau khi biên tập hoàn tất, tin, bài được chuyển cho kỹ thuật viên, người chịu trách nhiệm trình bày trang báo. Kỹ thuật viên không chỉ là một họa sĩ, yêu cầu quan trọng là nắm được vấn đề bài báo phản ánh để dàn sao cho nổi bật nội dung và thu hút bạn đọc.

Tại Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, Phòng Biên tập cũng là nơi giúp các tác giả hoàn thành tác phẩm trước khi lên sóng. Khi bài viết được viết xong sẽ chuyển trực tiếp lên Phòng Biên tập, phát thanh viên thu âm, ghi hình cho từng tác phẩm. Kỹ thuật viên phòng thu là người chịu trách nhiệm kỹ thuật về chất lượng âm thanh cũng như cắt bỏ tạp âm, đoạn sai, vấp trong quá trình đọc của phát thanh viên.

Do tính chất công việc khiến các kỹ thuật viên phòng thu luôn phải tiếp xúc với nhiều máy móc. Chị Lê Thị Hiền - kỹ thuật viên phòng thu Phòng Biên tập, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, cho biết: “Trong phòng làm việc của tôi có ít nhất 6 máy tính, lúc nào cũng trong trạng thái hoạt động. Tiếng máy và ánh sáng màn hình máy tính luôn khiến người lạ mới vào phòng cảm thấy khó chịu nhưng chúng tôi quen rồi!”.

Chị Lê Thị Hiền - kỹ thuật viên phòng thu Phòng Biên tập, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An

Chị Lê Thị Hiền - kỹ thuật viên phòng thu Phòng Biên tập, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An

Chị Hiền chia sẻ thêm, công việc tại phòng thu luôn mang tính bị động, phụ thuộc vào phóng viên, phát thanh viên. Kỹ thuật viên phòng thu như chị Hiền phải luôn trong vị trí sẵn sàng hỗ trợ thu âm, ghi hình bất cứ lúc nào. Khi tin, bài của phóng viên chuyển đến cùng một lúc, phát thanh viên xếp hàng chờ thu âm, ghi hình thì người kỹ thuật như chị Hiền gặp rất nhiều áp lực. 

Đó cũng là vất vả chung của đội ngũ làm công tác hậu kỳ. Tại Báo Long An, đội ngũ biên tập viên và kỹ thuật viên cũng gặp không ít khó khăn. Vào những đợt làm báo xuân, số cuối tháng, các thành viên Phòng Thư ký Tòa soạn thường trở về nhà vào lúc nửa đêm, bởi khối lượng công việc nhiều, thời gian lại gấp. 

Phía sau công việc

Chị Hiền chia sẻ: “Làm công việc này, hầu như chúng tôi không có ngày nghỉ, kể cả cuối tuần, ngày lễ. Chương trình của đài ngày nào cũng phát nên ngày nào cũng có công việc chờ chúng tôi”.

Như khẳng định lời nói của chị Hiền, anh Lê Đức Trí Dũng - đạo diễn truyền hình làm việc tại Phòng Biên tập, nói: “Tết vừa rồi, tôi nghỉ được 1 ngày!”, rồi anh cười xòa như để xóa tan những áp lực trong công việc. Anh Dũng cho biết, vào dịp cuối tuần, đội ngũ kỹ thuật viên phòng thu thường thay phiên nhau trực để vừa bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, vừa có thời gian cho gia đình. Như chị Hiền, mỗi tháng, chị được nghỉ 2 ngày chủ nhật trọn vẹn. Với chị, đó là những ngày nghỉ quý giá dành cho gia đình. 

Với tính chất công việc, đội ngũ hậu kỳ ở đài, công tác “bếp núc” ở tòa soạn ít có thời gian cho gia đình và những mối quan hệ khác. Và đặc biệt vất vả hơn khi người làm hậu kỳ là nữ. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, các nữ biên tập viên, kỹ thuật viên phải hy sinh rất nhiều trong cuộc sống riêng tư, và cần có sự cảm thông từ phía gia đình.

Bất cứ người mẹ nào cũng muốn được dành nhiều thời gian chăm sóc các con nhưng với những phụ nữ làm công việc này, gia đình được xếp phía sau công việc. Chị Minh Tâm kể, có khi cả nhà lên kế hoạch đi du lịch nhưng đến ngày, chị không sắp xếp công việc được nên đành ở lại. Thế là cuộc vui chỉ có 3 cha con. Với chị Hiền, thỉnh thoảng, khi con được nghỉ học, chị tranh thủ đưa bé đến nơi làm việc, cho con một chiếc bàn nhỏ, con gái học bài, mẹ làm việc, đó là cách họ ở bên nhau!

Dẫu biết rằng tác phẩm báo chí mang tên tác giả nhưng để tác phẩm ấy hoàn chỉnh đến với người xem, người nghe, người đọc thì cần có rất nhiều công sức của những người thầm lặng phía sau./.

Hoàng Thúy

Chia sẻ bài viết