Tiếng Việt | English

30/01/2017 - 16:32

Ước mong của mẹ

Đến thăm mẹ một ngày đầu xuân nắng ấm, người Mẹ Việt Nam Anh hùng nay tóc bạc, da mồi. Chiến tranh lùi xa nên mẹ cũng không muốn níu kéo những đau thương cũ. Giờ đây, mẹ mong ước cuộc sống vui vầy cùng con, cháu.

Giấu nỗi đau sau nụ cười

Khi chúng tôi đến, mẹ Nguyễn Thị Két, ngụ ấp Phú Xuân 2, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An vừa từ vườn vào nhà. Xấp xỉ tuổi 90 nhưng cứ không làm việc là “buồn tay buồn chân” nên suốt ngày mẹ hết làm việc nhà lại việc vườn như một cách tập thể dục, giữ gìn sức khỏe.


Sự yêu thương, hiếu thảo của con, cháu chính là niềm vui lúc tuổi già của mẹ Phan Thị Nghe

Cũng có thể, đó là thói quen của mẹ từ những ngày còn trẻ, khi “một nách 7 con” để chồng yên tâm theo cách mạng. Mẹ kể: “Ông ấy (liệt sĩ Trần Văn Vốn, chồng mẹ - PV) theo cách mạng từ hồi 15, 16 tuổi. Đám cưới xong cũng đi đi, về về chứ có khi nào ở nhà luôn đâu. Tới hồi bệnh nặng quá, ông ấy mới về nhà, không bao lâu thì mất!”. Mẹ kể lại chuyện đời mình gãy gọn vậy thôi.

Chiến tranh loạn lạc, một người phụ nữ với 7 đứa con thơ, mẹ vắt cạn sức mình, dành cho con tất cả những gì tốt nhất có được. Ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, mẹ chỉ còn lại cho mình 3 người con. Các con của mẹ cứ 15, 17 tuổi là lại theo cha làm cách mạng, rồi... lần lượt hy sinh! Trong 2 năm 1968, 1969, mẹ liên tiếp nhận 2 tin dữ: Con mẹ - liệt sĩ Trần Văn Bảnh và Trần Văn Toản hy sinh khi chưa tròn 20 tuổi. Rồi sau đó, hay tin chồng bị bắt, tù đày ngoài Phú Quốc, mẹ chỉ biết gồng mình gánh những niềm đau.

Đón chồng trở về từ “địa ngục trần gian” với đầy thương tích, mẹ cứ ngỡ người đàn ông ấy sẽ ở lại với mình. Nhưng không, người cán bộ cách mạng Trần Văn Vốn tiếp tục thoát ly. Đến khi trở về với mẹ cũng là lúc người đàn ông của mẹ “sức tàn lực kiệt”.

Rồi mẹ lặng người nhớ lại, trong một chuyến du lịch về thăm đảo ngọc Phú Quốc do UBND huyện Châu Thành tổ chức, mẹ được đưa đi thăm di tích nhà tù. Mẹ nhớ, mẹ chỉ đi qua và nghe thuyết minh về 2 buồng giam, rồi... mẹ không đi nổi nữa! Bởi chỉ nhìn những hình ảnh tái hiện lại thôi cũng đủ khơi dậy nỗi đau trong lòng mẹ. Mẹ biết, chồng mẹ từng hứng chịu chừng ấy khổ đau bởi những đòn tra tấn dã man của kẻ thù trong những năm tháng bị tù đày...

Nhưng thôi! Tất cả qua rồi, mẹ giờ đây đang có cuộc sống vui vầy bên con cháu. Mẹ vui vẻ, nói cười nhiều, sức khỏe tốt và mẹ đi du lịch hàng năm. Mẹ khoe với chúng tôi, mỗi năm, huyện đều tổ chức đi du lịch. Đó là niềm vui trong những năm tháng tuổi già của mẹ.

Những đứa con “thay thế”

Mẹ Phan Thị Nghe ở ấp Đình, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa cũng vậy. Với mẹ, mỗi lần những đứa con không máu mủ ghé thăm là một lần vui và hạnh phúc. Nhưng đằng sau niềm vui ấy cũng có chút ngậm ngùi. Mẹ thương đứa con hy sinh, thương anh em bộ đội chịu nhiều gian khổ suốt những năm tháng chiến tranh bởi hơn ai hết, người đàn bà suốt đời cùng chồng, con phục vụ cách mạng này hiểu rõ những gian nan, vất vả mà người làm cách mạng phải vượt qua.

Một con trai, một con gái, một con rể và một người cháu lần lượt ra đi vì Tổ quốc đủ để thấy mẹ anh hùng đến mức nào khi vững dạ bước qua từng ấy nỗi đau. Mọi người vẫn nói rằng, mẹ có 2 con là liệt sĩ nhưng với chúng tôi, mẹ có tới 3 người con là liệt sĩ, bởi liệt sĩ Trần Văn Lễ chính là người cháu được mẹ dưỡng nuôi từ khi chưa tròn 1 tuổi.

Về nhà chồng, thương đứa cháu chồng mồ côi, mẹ chăm lo cho cháu như chính con ruột của mình. Mẹ cũng nhớ như in lời nói năm anh 16 tuổi: “Mợ ơi, mợ cho con đi đi!”, mẹ gật đầu, anh tham gia kháng chiến rồi... trở thành liệt sĩ. 2 người con của mẹ, Trình Văn Một, Trình Thị Hôn cũng lần lượt thoát ly và hy sinh.

Còn khỏe nên mẹ Nguyễn Thị Két vẫn làm những việc nhẹ nhàng như một cách tập thể dục

Một năm sau khi con gái hy sinh, từ chiến trường báo tin con rể mẹ cũng không còn, vậy là mẹ lại một lần nữa vượt qua nỗi đau, nuôi dạy lớn khôn đứa cháu ngoại mới tròn 4 tuổi. Vừa tham gia đấu tranh công khai, vừa nuôi con, nuôi cháu, mẹ vẫn vững lòng tin vào chiến thắng cuối cùng của cách mạng.

Mẹ kể: “Bây giờ, mẹ cũng có thêm mấy đứa con, tụi nó đến thăm mẹ hoài. Trong đó, có một đứa cùng tên, cùng thứ, lại trạc tuổi thằng con đã hy sinh của mẹ nên mỗi lần thấy nó, mẹ thương quá! Có lẽ ông trời muốn bù đắp một đứa con khác cho mẹ”. Chị Nguyễn Ngọc Phượng (vợ anh Trình Văn Quang - con trai út của mẹ) - người đang trực tiếp phụng dưỡng mẹ cho biết: “Mỗi khi có các anh đến thăm, mẹ mừng lắm, ngồi nói chuyện huyên thuyên. Cứ dịp lễ, tết là các anh lại đến thăm, tặng quà cho mẹ và gia đình”.

Giờ đây, khi sắp bước sang tuổi 90, sức khỏe mẹ Nghe suy giảm nhiều. Mẹ chỉ có thể đi lại quanh nhà, sinh hoạt cá nhân hầu như cần vợ chồng anh Quang giúp đỡ. Chính sự yêu thương, hiếu thảo của con, cháu giúp mẹ thêm sức khỏe, thêm niềm vui lúc tuổi già.

Và trong năm mới, mẹ cũng chỉ ước mong sao cho sự ấm no, hạnh phúc đến với tất cả mọi người. Mẹ nói: “Sống trong sự thanh bình hôm nay, mẹ chỉ mong các con, các cháu, thế hệ hôm nay và mai sau biết trân trọng và gìn giữ những gì mà cha anh đã không tiếc máu xương bảo vệ”./.

Hoàng Thúy

Chia sẻ bài viết