Tiếng Việt | English

01/03/2018 - 10:52

Vụ Đông Xuân được mùa, trúng giá

Sau Tết Nguyên đán, nông dân bắt tay vào thu hoạch lúa Đông Xuân (ĐX) 2017-2018. Vụ ĐX năm nay, năng suất và giá lúa cao hơn năm trước.

Toàn tỉnh Long An gieo sạ 233.756ha lúa ĐX 2017-2018, đạt 100,3% kế hoạch, trong đó, thu hoạch trên 29.700ha, năng suất khô ước đạt 5,5-6 tấn/ha. Hiện, giá lúa tươi tương đối ổn định: Lúa IR50404 5.200 đồng/kg; lúa OM các loại (OM 4900, OM 6976,...) từ 5.500-6.500 đồng/kg; nếp từ 5.800-6.300 đồng/kg.

Vụ lúa Đông Xuân 2017-2018, nông dân được mùa, trúng giá

Nông dân phấn khởi

Đầu vụ, tuy gặp nhiều bất lợi về thời tiết nhưng nhờ chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên hầu hết diện tích lúa ĐX phát triển khá tốt, năng suất bình quân trên 6 tấn/ha, tăng khoảng 10-20% so với vụ ĐX năm trước.

Những ngày này, nông dân khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh khẩn trương thu hoạch lúa. Những năm trước, ông Võ Văn Quang (xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh) trồng giống lúa thường, thấy hiệu quả không cao, năm nay, ông chuyển sang trồng giống lúa cấp xác nhận OM 9676. Giống lúa này với ưu điểm ít sâu, bệnh, phù hợp với điều kiện thời tiết tại địa phương. Nhờ đó, lúa phát triển tốt, chi phí đầu tư cho sản xuất thấp, sau khi thu hoạch, ông lãi 20 triệu đồng/ha (cao gần gấp đôi so vụ ĐX trước).

Ông Quang cho biết: “Không chỉ trúng mùa, năm nay, nông dân còn phấn khởi khi giá lúa bán ra tăng hơn trước từ 500-800 đồng/kg. Những ngày qua, trên địa bàn huyện xuất hiện một vài cơn mưa trái mùa, ảnh hưởng phần nào đến việc sản xuất cuối vụ. Nhiều diện tích, lúa thu hoạch đến đâu, thương lái mua đến đó.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tám (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) đang tập trung thu hoạch lúa. Ông Tám chia sẻ: “Tranh thủ thời tiết nắng ráo, gia đình tôi thuê máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa. Vụ này, năng suất cao, bán được giá, gia đình tôi rất vui!”. Cũng như nhiều hộ nông dân trong huyện Vĩnh Hưng, vụ ĐX năm nay, gia đình anh Lê Thanh Lương canh tác theo khung thời vụ, chủ động nguồn nước tưới tiêu và làm tốt các khâu: Chọn giống, chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh, nên diện tích lúa của gia đình anh phát triển tốt.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Tô Văn Chảnh: “Đến thời điểm này, toàn huyện thu hoạch hơn 600ha lúa ĐX. Diện tích lúa còn lại đang trong giai đoạn trổ và chín. Thời gian qua, nhờ địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, nông dân mạnh dạn chuyển đổi giống và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên đạt năng suất cao. Nông dân lãi trung bình từ 17-19 triệu đồng/ha. Với những diện tích lúa thu hoạch xong, các ngành chức năng vận động nông dân cày ải, phơi đất chuẩn bị xuống giống vụ Hè Thu 2018”.

Hiện, giá lúa tươi tương đối ổn định

Tập trung chăm sóc diện tích lúa chưa thu hoạch

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Vụ ĐX năm nay, do sử dụng nhiều giống lúa mới, đúng cơ cấu, phù hợp với điều kiện của địa phương nên năng suất lúa cao, nông dân được mùa, trúng giá. Những năm gần đây, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nông dân tích cực cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh thuận lợi, hiện nay, một số diện tích lúa ĐX ở các huyện Đồng Tháp Mười bị sâu năn do gieo sạ trễ.

Để vụ ĐX năm nay đạt hiệu quả, ngành đề nghị, các địa phương tiếp tục tập trung chăm sóc, thu hoạch lúa; theo dõi tình hình gây hại của các sinh vật trên các loại cây trồng; tăng cường điều tra, dự báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu, bệnh trên đồng ruộng: Rầy nâu, bệnh đạo ôn lá, bệnh cháy bìa lá, sâu năn, sâu cuốn lá, chuột,... từ đó, hướng dẫn nông dân các biện pháp quản lý hiệu quả và an toàn, đặc biệt là rầy nâu trưởng thành mang virus nhiễm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá.

Bên cạnh đó, các địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Công văn số 145/TB-CCTTBVTV, ngày 26-01-2018 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật về việc tăng cường phòng, chống sâu năn, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá hại lúa; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền tình trạng dịch hại trên các phương tiện thông tin đại chúng để nông dân chủ động ứng phó; cảnh báo nguy cơ sâu năn tiếp tục gia tăng diện tích nhiễm. Ngoài ra, các địa phương cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng để ứng phó kịp thời; tăng cường kiểm tra các tuyến đê bao, bờ bao ngăn lũ, tình hình sạt lở và có kế hoạch gia cố, duy tu, sửa chữa các khu vực xung yếu”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết