Tiếng Việt | English

04/02/2020 - 08:16

Vụ lúa Đông Xuân 2019-2020: Nông dân có lợi nhuận khá

Vụ lúa Đông Xuân (ĐX) 2019-2020 đang trong giai đoạn thu hoạch. Hiện nay, giá lúa tương đối ổn định, năng suất khá nên nông dân có lãi.

Vụ Đông Xuân 2019-2020, được mùa, được giá

Giá lúa ổn định

Đến nay, toàn tỉnh Long An gieo sạ 226.088ha lúa ĐX 2019-2020, đạt 99,5% kế hoạch, bằng 97% so với vụ ĐX 2018-2019, trong đó thu hoạch 21.567ha, năng suất ước đạt 58,2 tạ/ha, sản lượng 125.625 tấn. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, vào thời điểm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, giá lúa có giảm, tuy nhiên hiện đã tăng trở lại. Giá lúa OM các loại (OM 4900, OM 6976,…) từ 6.000-6.200 đồng/kg, lúa ST từ 6.200-6.500 đồng/kg, nếp từ 6.200-6.500 đồng/kg. Năng suất vụ lúa ĐX năm nay cao hơn các vụ ĐX gần đây, trung bình từ 6-6,5 tấn/ha, nông dân có lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng/ha.

Vụ ĐX 2019-2020, nông dân trên địa bàn huyện Tân Hưng gieo sạ 36.700ha. Đến nay, thu hoạch khoảng 4.000ha, phần lớn diện tích còn lại trong giai đoạn làm đòng và trổ, nông dân đang tích cực chăm sóc. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, ngụ xã Vĩnh Đại, chia sẻ: “Năm nay, giá lúa tương đối ổn định, nông dân có lãi khá. Vụ ĐX 2019-2020, gia đình tôi gieo sạ 5ha, hiện đã thu hoạch 3ha, năng suất đạt 7 tấn/ha, bán 6.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, tôi lãi được 17 triệu đồng/ha. Năm nay, thương lái đặt cọc đều thu mua hết, không có tình trạng bỏ cọc như những năm trước”.

Tuy nhiên, theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có trên 600ha lúa bị sâu năn gây hại, trong đó, gây hại nặng (trên 20%) 100ha, trung bình 228ha và số còn lại bị gây hại nhẹ, tập trung chủ yếu ở 3 xã: Hưng Điền B, Vĩnh Lợi và Vĩnh Đại. Anh Bùi Xuân Hiệp, ngụ xã Vĩnh Đại, cho biết: “Vụ ĐX 2019-2020, tôi gieo sạ 8ha. Hiện lúa bị sâu năn gây hại nhưng không đáng kể. Tôi đang tích cực chăm sóc và thường xuyên theo dõi để tránh thiệt hại. Đây là vụ sản xuất chính trong năm, nếu sâu tiếp tục gây hại nhiều hơn nữa thì khả năng thua lỗ là không tránh khỏi”.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ thông tin: “Năm nay, giá lúa, năng suất tương đối ổn định nhưng hiện tại, tình hình thời tiết diễn biến bất thường. Đây là điều kiện thuận lợi cho sâu năn phát triển và gây hại. Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân chủ động thăm đồng thường xuyên nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất sự gây hại của sâu năn và sâu, bệnh gây hại khác, góp phần bảo đảm năng suất lúa cho đến khi thu hoạch”.

Tại huyện Vĩnh Hưng, hàng trăm hécta lúa ĐX 2019-2020 được nông dân trên địa bàn thu hoạch trước và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 có năng suất cao, giá bán ổn định, thu lợi nhuận cao. Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng - Tô Văn Chảnh, hiện nay, huyện thu hoạch được khoảng 500ha, tập trung ở các xã vùng cao như Khánh Hưng, Hưng Điền A và Thái Bình Trung; năng suất từ 6,5-8 tấn/ha; giá bán dao động từ 5.500- 6.500 đồng/kg tùy từng loại giống, nông dân có lãi khá.

Vụ lúa Đông Xuân 2019-2020, nông dân có lợi nhuận khá

Anh Nguyễn Văn Thiêm, ngụ xã Hưng Điền A, phấn khởi: “Vụ ĐX 2019-2020, nông dân vui mừng vì lúa bán được giá, năng suất cao, không còn tình trạng bị ép giá hay thương lái bỏ cọc như những năm trước. Hiện gia đình tôi đã thu hoạch được 2ha, 4ha còn lại sẽ thu hoạch vào 2 tuần nữa, ước tính vụ này lợi nhuận trên 100 triệu đồng”.

Còn tại huyện Mộc Hóa, vụ ĐX 2019-2020 gieo sạ được 21.500ha, đạt 97,28% kế hoạch. Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện, sâu năn, rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá có nguy cơ bùng phát thành dịch trong thời gian tới. Để bảo vệ lúa ĐX 2019-2020, vừa qua, UBND huyện ban hành Công văn số 125/UBND-PNN yêu cầu UBND các xã, thị trấn, các thành viên Ban Chỉ đạo Sản xuất nông nghiệp huyện tăng cường công tác chỉ đạo khuyến nông viên và các ban, ngành, đoàn thể xã, thị trấn đôn đốc, vận động nông dân tập trung kiểm tra đồng ruộng thường xuyên nhằm phát hiện và phòng trừ sâu, bệnh kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại sản xuất. UBND các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi, hướng dẫn người dân chủ động phòng trừ hiệu quả, tránh tình trạng xảy ra dịch hại trên diện rộng.

Phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ Đông Xuân

Mặc dù giá lúa tương đối ổn định nhưng đối với các huyện phía Nam, vụ ĐX 2019-2020, nông dân lo lắng vì nguy cơ ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn. Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, năm nay, xâm nhập mặn có khả năng diễn biến gay gắt, nghiêm trọng tại các tỉnh miền Nam, trong đó có Long An. Cụ thể, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định, khu vực sông Vàm Cỏ, thời gian ảnh hưởng xâm nhập mặn bắt đầu cao nhất vào các tháng 2, 3, 4/2020, giảm dần và kết thúc vào cuối tháng 5/2020. Theo đó, ở cửa sông Vàm Cỏ Đông có phạm vi xâm nhập 100km, cao hơn trung bình nhiều năm đến 40km, có khả năng cao hơn hạn mặn lịch sử năm 2016 là 3km. Riêng ở cửa sông Vàm Cỏ Tây, phạm vi xâm nhập 110km, cao hơn trung bình nhiều năm là 52km. Đồng thời, xâm nhập mặn sẽ ở mức cao trong kỳ triều cường, nếu xuất hiện kết hợp gió chướng, có thể giảm đột biến trong thời gian ngắn.

Trước tình hình trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Ngành xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết về phòng, chống hạn, xâm nhập mặn năm 2020. Trong đó, lưu ý kế hoạch chi tiết cấp bách chống mặn cho các huyện Thủ Thừa, Tân Trụ; dự kiến các cống có khả năng lấy nước; số lượng, vị trí đặt máy bơm; dự trù số lượng, kinh phí hỗ trợ dầu,… Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn kịp thời, đồng thời thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để người dân nắm và chủ động trong sản xuất, nhất là vụ ĐX và bảo đảm an sinh.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Đức Hòa, Đức Huệ và TP.Tân An theo dõi độ mặn thường xuyên và xây dựng kế hoạch vận hành các cống đầu mối hợp lý, tranh thủ lấy nước tích trữ khi độ mặn cho phép; thường xuyên kiểm tra và có kế hoạch xử lý triệt để các cửa cống bị rò rỉ, tránh tình trạng nước mặn xâm nhập vào nội đồng nhằm bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất vụ ĐX và cấp nước sinh hoạt cho người dân”.

“Bên cạnh đó, để đề phòng dịch bệnh vụ ĐX, các địa phương vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh và các huyện phía Nam tăng cường công tác dự tính, dự báo, phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp chặt chẽ địa phương bám sát đồng ruộng; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để cảnh báo kịp thời và hướng dẫn nông dân phòng, chống sinh vật gây hại trên các loại cây trồng; cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi, nắm chắc tình hình diễn biến của sâu, bệnh như sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, chuột,... đặc biệt là sâu năn, rầy nâu nhằm đưa ra giải pháp khuyến cáo nông dân phòng trừ kịp thời. Đồng thời, hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc lúa đúng kỹ thuật, hạn chế bón thừa phân đạm và không để ruộng khô nước khi bệnh đạo ôn xuất hiện. Theo dõi sát tình hình biến động của thời tiết, diễn biến triều cường, tình hình hạn, mặn có thể ảnh hưởng đến sản xuất, phối hợp chặt chẽ các cơ quan thông tin đại chúng để thông báo kịp thời đến người dân chủ động trong sản xuất”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết