Tiếng Việt | English

21/11/2015 - 08:28

Đức Lập Hạ xứng danh anh hùng

Vùng đất Đức Lập (nay là xã Đức Lập Hạ và Đức Lập Thượng), huyện Đức Hòa, tỉnh Long An là nơi giàu truyền thống cách mạng. Trong kháng chiến, quân và dân Đức Lập Hạ vinh dự được Nhà nước 2 lần tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; trong thời bình phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn xã văn hóa-nông thôn mới.

  

Đường giao thông nông thôn được nhựa hóa

2 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng 

45 năm đấu tranh gian khổ, hy sinh qua các thời kỳ, nhất là giai đoạn khó khăn, đen tối sau Khởi nghĩa Nam kỳ, sau 1954 và sau Mậu Thân 1968, khi địch tập trung đàn áp, đánh phá ác liệt phong trào cách mạng, lực lượng của ta không còn chỗ đứng, chỉ nhờ vào quần chúng nhân dân, trong đó nòng cốt là cơ sở và hàng trăm gia đình ở Đức Lập Hạ kiên trung, thà chết chứ không khai báo; quyết tâm nuôi giấu, che chở, bảo vệ cán bộ và lực lượng cách mạng.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có lúc địch huy động lực lượng hùng hậu, mở hàng ngàn cuộc hành quân càn quét, đánh phá; chiếm đóng hàng chục đồn, bót, tua và xây dựng 1 sân bay dã chiến trên địa bàn xã. Nhiều sắc lính, nhiều lực lượng quân đội tinh nhuệ như "Anh cả đỏ", "Tia chớp nhiệt đới" của Mỹ, Sư đoàn 25, Sư đoàn 7 chủ lực, lính thủy quân lục chiến, lính dù, các tiểu đoàn biệt động quân của ngụy, các đơn vị bảo an, thám sát, cảnh sát của Tiểu khu Hậu Nghĩa,... nhằm dập tắt phong trào cách mạng địa phương.

Quân, dân Đức Lập Hạ hy sinh xương máu, đóng góp to lớn vào hàng ngàn chiến công. Những chiến công này gắn liền với tên tuổi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội nhân dân Việt Nam, gắn liền với sự hy sinh của các đơn vị vũ trang. Đó là Chi đội 15 (sau là Trung đoàn 308), Tiểu đoàn 267, 269 của tỉnh Long An, Trung đoàn 2 thuộc Sư đoàn 9, Đại đội Địa phương quân huyện Đức Hòa,... với những trận đánh đi vào lịch sử như 3 trận đánh lớn ở ngã tư Đức Lập (Đêm 28, rạng 29-9-1965; đêm 26, rạng 27-10-1965; đêm 19, rạng 20-11-1965) và nhiều trận sau Tết Mậu Thân 1968, cao trào cách mạng cho đến năm 1975.

Ghi nhận những thành tích to lớn ấy, Nhà nước đã 2 lần tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho quân và dân Đức Lập Hạ vào năm 1970; cho lực lượng an ninh và nhân dân xã năm 1976 cùng nhiều huân chương, huy chương, dũng sĩ các loại khác.

Đức Lập Hạ đổi mới

Ngày nay, phát huy truyền thống anh hùng, Đức Lập Hạ có nhiều thay đổi bởi quyết tâm của những người dân kiên cường của vùng đất kiên trung. Những con đường đất trong ký ức xưa của ông Hồ Tấn Công (người gắn bó với mảnh đất Đức Lập Hạ từ những năm tháng chiến tranh đến nay) được thay bằng đường nhựa, đường rải sỏi đỏ. “Ngày trước, dân mình khổ, bây giờ sung sướng nhiều rồi! Đường sá, nhà cửa khang trang, trường học, bệnh viện cũng tốt hơn. Giờ đây, những người như chúng tôi vui cảnh an hưởng tuổi già, còn lại để cho tuổi trẻ làm tiếp” - ông Công chia sẻ.

Theo lãnh đạo xã, trong 1.000ha đất bưng biền (xã có 2.650ha đất tự nhiên) của xã trước đây không có giá trị kinh tế, nay có đến 800ha được quy hoạch để phát triển công nghiệp. Hiện tại, xã có 53 công ty, xí nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, giải quyết việc làm cho 3.000-4.000 lao động địa phương.

Bên cạnh đó, Đức Lập Hạ đạt chuẩn xã văn hóa-nông thôn mới: Giao thông hoàn chỉnh, hệ thống trường học cơ bản đáp ứng nhu cầu cho con em trên địa bàn, các nhà văn hóa ấp được xây mới, y tế đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay còn rất thấp - 1,7%.

Chủ tịch UBND xã - Thi Văn Út cho biết, mặc dù đạt chuẩn xã nông thôn mới nhưng địa phương vẫn luôn ra sức củng cố các tiêu chí, nhất là tiêu chí môi trường. Địa phương luôn quan tâm, chăm lo đối tượng có công với đất nước. Nhiều năm liền, xã đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh và nhận cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ./.

Nguyệt Nhi-Hoàng Thúy

 

Chia sẻ bài viết