Tiếng Việt | English

06/10/2020 - 11:00

Những tập thể có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước

Nhiều phong trào thi đua (PTTĐ) trong tỉnh Long An lan tỏa trên các lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT-XH tại địa phương.

Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh - Phạm Ngọc Tiệp tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh - Phạm Ngọc Tiệp tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

Huy động sức dân

Nhiều năm gắn bó với công tác Mặt trận ấp, ông Nguyễn Văn Nin, ngụ ấp Sậy Giăng, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia hưởng ứng các phong trào, nhất là xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Hơn 5 năm qua, ông không ngại khó, vận động nhân dân thực hiện các công trình giao thông nông thôn, góp Quỹ Vì người nghèo; tặng trên 100 phần quà, cặp, xe đạp cho học sinh nghèo, xây dựng nhà tình thương,... trị giá trên 150 triệu đồng.

Ông Nin nói: “Hưởng ứng cùng chính quyền nâng chất xã NTM, chúng tôi cùng với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện các mô hình xây dựng cảnh quan môi trường, hỗ trợ, giúp đỡ những hộ nghèo,… Công việc đôi lúc vất vả, thù lao cũng chẳng có gì nhưng tôi làm vì niềm vui. Người dân ủng hộ, tin tưởng giúp tôi có thêm động lực”.

Chính những người tận tụy như ông góp phần làm đẹp cho đời, đưa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần dân hơn. Nhờ những cá nhân, tập thể tích cực từ cơ sở, góp phần đưa công tác Mặt trận tỉnh đạt nhiều kết quả trong PTTĐ. Theo Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh - Phạm Ngọc Tiệp, điểm nổi bật nhất của Mặt trận các cấp thời gian qua chính là huy động được sức dân, thực hiện tốt các cuộc vận động lớn, đặc biệt là phong trào Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh.

Với phương châm lấy sức dân để chăm lo đời sống nhân dân, MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp, vận động nhân dân đóng góp nguồn lực, hiến đất, góp công xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, chấp hành pháp luật và xây dựng các cộng đồng dân cư văn minh. Giai đoạn 2014-2019, MTTQ Việt Nam tỉnh vận động xây dựng, sửa chữa gần 400 cầu bêtông, trị giá hơn 111 tỉ đồng; nâng cấp và sửa chữa, giặm vá, bêtông hóa gần 300km đường, trị giá gần 120 tỉ đồng; nhân dân góp tiền, hiến đất, vật dụng làm công trình trị giá gần 1.850 tỉ đồng với hơn 56.000 ngày công, hiến gần 400.000.000m2 đất làm đường.

Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp tập trung phát động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường với nhiều mô hình tiêu biểu. Đó là Tuyến đường văn minh đô thị; Khu dân cư tự quản về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; Cơ sở thờ tự sáng, xanh, sạch, đẹp; Tuyến đường tự quản bảo vệ môi trường; Tuyến đường hoa, Camera giám sát an ninh, trật tự;... Nhiều phong trào thi đua lan tỏa: Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững của Hội Nông dân; phong trào Xung kích phát triển KT-XH và bảo vệ Tổ quốc, Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, 5 không, 3 sạch của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh; Cựu chiến binh gương mẫu của Hội Cựu chiến binh; Lao động sáng tạo, lao động giỏi, chương trình Phúc lợi đoàn viên của Liên đoàn Lao động,...

5 năm qua, MTTQ Việt Nam tỉnh nhận được cờ, bằng khen của UBND tỉnh, cờ thi đua của Chính phủ; cấp huyện, cơ sở và cán bộ Mặt trận nhận hàng ngàn bằng khen, giấy khen các cấp.

Nổi bật nhất trong phong trào thi đua của Mặt trận và các hội, đoàn thể là “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

Nổi bật nhất trong phong trào thi đua của Mặt trận và các hội, đoàn thể là “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

Chăm lo đời sống người dân

Huyện Tân Thạnh được thành lập vào ngày 19/9/1980, trên cơ sở tách ra từ huyện Mộc Hóa, là một trong những huyện cửa ngõ của vùng Đồng Tháp Mười. Những năm đầu khi mới thành lập, đời sống người dân rất khó khăn, trong đó 70% diện tích đất hoang hóa, 20% người dân mù chữ, trên 90% nhà cửa tạm bợ,... Với những khó khăn, thách thức đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Thạnh luôn nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, ra sức xây dựng quê hương, chăm lo đời sống người dân.

Phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp, huyện tập trung phát triển diện tích lúa 2-3 vụ, tăng năng suất, mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng hàng hóa. Sản lượng lương thực tăng nhanh từ 185.000 tấn (năm 2000) lên 440.000 tấn (năm 2020), trong đó 80% lúa chất lượng cao. Ngày nay, Tân Thạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bên cạnh 27 mô hình lúa ứng dụng công nghệ cao còn có các loại cây ăn quả, bước đầu mang lại hiệu quả. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm.

Là huyện thuộc vùng trũng nên cần sức đầu tư lớn, Tân Thạnh phải nỗ lực nhiều để tranh thủ các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng ngân sách các cấp, người dân tự nguyện hiến đất không yêu cầu bồi thường, đóng góp ngày công lao động, vật tư, tiền,… xây dựng kênh, mương, phát triển giao thông và đầu tư các thiết chế văn hóa, trung bình mỗi năm 25-30 tỉ đồng. Đến nay, huyện có hệ thống kênh, mương nội đồng cơ bản hoàn chỉnh, bảo đảm tưới tiêu trên 30.000ha lúa và cây trồng; có 32 trạm bơm điện với diện tích phục vụ trên 9.200ha, chiếm gần 30% diện tích sản xuất lúa của huyện.

Mặt trận và các đoàn thể có nhiều phong trào thi đua

Mặt trận và các đoàn thể có nhiều phong trào thi đua

Tân Thạnh có 390km đường liên ấp, liên xã được bêtông hóa hoặc trải đá theo tiêu chuẩn NTM. Những chiếc cầu vỉ, cầu khỉ được thay bằng cầu bêtông vững chắc, xe 15 chỗ đi được tới hầu hết các ấp trong huyện, xóa 100% bến tàu, đò. Hệ thống điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho gần 100% hộ dân. Tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,5%, trong đó 77% là nước sạch. Nhà ở dân cư đại bộ phận người dân được xây dựng kiên cố. Trụ sở làm việc các cơ quan, đoàn thể từ huyện đến xã, trường học, trạm y tế,... được xây dựng đạt chuẩn theo quy định.

Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Thanh Đông cho biết, trải qua 40 năm hình thành và phát triển, huyện đạt nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Đến nay, huyện có 6/12 xã đạt chuẩn NTM; hộ nghèo còn 2,97%; 27/39 trường học đạt chuẩn quốc gia;...

Với những thành tích xuất sắc tiêu biểu như trên, huyện được nhận nhiều bằng khen, cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh,... Trong đó, nhân dân và cán bộ huyện Tân Thạnh được Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từ năm 2011 đến năm 2019; 2 lần đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng. Ngoài ra, huyện cũng đang được xét tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích qua 20 năm xây dựng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Chuẩn bị tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V

Theo Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ, Đại hội (ĐH) Thi đua yêu nước Long An lần thứ V, giai đoạn 2020-2025 dự kiến tổ chức trong tháng 10/2020.

ĐH nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2015-2020, những kết quả đã đạt và chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2020-2025.

Tại ĐH cũng biểu dương thành tích các phong trào thi đua và tôn vinh các tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc, các gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu của các cấp, các ngành, lĩnh vực,... trong các phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua. Qua đó, tiếp tục khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy mạnh mẽ nội lực, tạo động lực mới để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, ĐH toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tạo không khí phấn khởi chào mừng ĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, ĐH toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và ĐH Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết