Tiếng Việt | English

11/04/2017 - 12:03

Niềm vui ngày nhận bằng Tổ quốc ghi công

Chiến tranh lùi xa nhưng Long An vẫn còn rất nhiều hồ sơ người có công (NCC) tồn đọng chưa được giải quyết. Và đó chính là niềm trăn trở của các cấp, các ngành trong thời gian qua. Tuy nhiên, năm 2016, Long An vinh dự là 1 trong 5 tỉnh, thành phố triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ NCC tồn đọng. Qua đó, nhiều hồ sơ được giải quyết, góp phần tôn vinh những người đã ngã xuống vì nền độc lập của nước nhà.


Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Long An - Trương Văn Nọ trao bằng Tổ quốc ghi công cho các thân nhân gia đình liệt sĩ

Kết quả đáng tự hào

Long An là 1 trong 5 tỉnh, thành (gồm Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình, Long An và TP.Đà Nẵng) được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chọn thí điểm triển khai giải quyết hồ sơ NCC tồn đọng để rút kinh nghiệm, làm cơ sở nhân rộng trong cả nước.

Theo đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3638/KH-UBND về việc giải quyết hồ sơ NCC tồn đọng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên tập trung xem xét: Hồ sơ xác nhận liệt sĩ, hồ sơ xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Việc thành lập hồ sơ được xét duyệt theo 3 cấp: Tỉnh, huyện và xã. Mỗi cấp thành lập 1 hội đồng do chủ tịch UBND các cấp làm chủ tịch hội đồng. Quy trình duyệt hồ sơ được chia làm 2 trường hợp: Chưa thiết lập hồ sơ và đã thiết lập hồ sơ. Sau đó, hồ sơ sẽ được thông qua hội đồng cấp xã, huyện và tỉnh.

Sau thời gian thực hiện, toàn tỉnh có 229 hồ sơ tồn đọng đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, trong đó có 26 hồ sơ thiết lập trước ngày 01/7/2013 (16 liệt sĩ, 10 thương binh) thông qua hội đồng xét duyệt cấp huyện và đang hoàn chỉnh thủ tục trình Hội đồng Xét duyệt cấp tỉnh; 203 hồ sơ thiết lập sau ngày 01/7/2013 (130 liệt sĩ và 73 thương binh) không có giấy tờ liên quan và đang chờ xin ý kiến Bộ LĐ-TB&XH cho chủ trương giải quyết. Đặc biệt, Long An có 8 hồ sơ đề nghị công nhận Liệt sĩ được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định tặng bằng Tổ quốc ghi công.

Ông Nguyễn Văn Bê (ngụ ấp Đá Biên, xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh), con của ông Nguyễn Văn Nhường vừa được công nhận liệt sĩ cho biết: “Năm 1948, cha tôi tham gia cách mạng tại tỉnh Kiến Tường. Năm 1960, ông bị giặc bắt và thủ tiêu ngay nên rất ít người biết. Vì vậy, suốt thời gian dài, cha tôi không được công nhận liệt sĩ. Năm 2007, tôi đến UBND xã Kiến Bình thiết lập hồ sơ để công nhận liệt sĩ cho cha. Đến năm 2011, gia đình nhận được văn bản trả lời của Cục NCC là “Hồ sơ ông Nguyễn Văn Nhường chỉ có 1 người xác nhận, do đó chưa đủ điều kiện để công nhận liệt sĩ”. Năm 2016, gia đình tôi rất vui mừng khi biết được Long An tiến hành giải quyết các hồ sơ NCC tồn đọng. Được sự quan tâm của UBND huyện Tân Thạnh và Thạnh Hóa, UBND 2 xã Kiến Bình và Thạnh Phước, cha tôi được công nhận liệt sĩ”.


Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Long An - Trương Văn Nọ (thứ 4, trái qua) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Lê Tấn Dũng (thứ 5, trái qua) trao bằng Tổ quốc ghi công cho các thân nhân gia đình liệt sĩ

Bà Ngô Thị Kim Dung, ngụ xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc - con của liệt sĩ Ngô Văn Ký cho biết: “Gia đình tôi “gõ cửa” nhiều nơi để cha mình được công nhận liệt sĩ. Và đây cũng chính là lời trăng trối của mẹ tôi (bà Phan Thị Huê) trước lúc mất. Năm 2016, gia đình tôi có thêm hy vọng khi Phòng LĐ-TB&XH huyện chủ động đến nhà xem xét và xác minh các thông tin để làm hồ sơ công nhận cha tôi là liệt sĩ. Bao nhiêu năm chờ đợi, giờ đây, gia đình tôi được nhận bằng Tổ quốc ghi công”.

Còn nhiều trăn trở

Sau khi được tỉnh triển khai giải quyết hồ sơ NCC tồn đọng, hầu hết địa phương đều rất phấn khởi. Vì đây là bước ngoặt để những người thực sự có công với cách mạng được tôn vinh sự cống hiến. Tuy nhiên, trong quá trình xác nhận hồ sơ, các địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Thạnh - Võ Văn Tiến chia sẻ: “Hiện nay, toàn huyện Tân Thạnh còn trên 20 hồ sơ NCC tồn đọng. Đa số các hồ sơ này không có hồ sơ gốc, đồng thời rất khó tìm người xác nhận. Ngoài ra, trong chiến tranh, các đồng chí tham gia cách mạng chủ yếu hoạt động bí mật nên rất ít người biết và sử dụng rất nhiều cái tên, bí danh khác nhau. Tuy nhiên, với những khó khăn đó, chúng tôi không hề nản chí mà cố gắng điều tra, xác nhận nhằm thể hiện lòng biết ơn đối với thế hệ đi trước”.

Xác định được những khó khăn trên, thời gian qua, ngành LĐ -TB&XH chủ động tìm hiểu, khai thác các tài liệu liên quan đến các hồ sơ tồn đọng như: Lịch sử đảng bộ của xã và huyện; phối hợp Ban Quản lý Di tích lịch sử Côn Đảo tra cứu hồ sơ; lấy ý kiến đóng góp của các đồng chí cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ hai thời kỳ kháng chiến và các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, huyện qua các thời kỳ; phối hợp công an trích lục hồ sơ tàng thư;...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Tấn Dũng nhấn mạnh: Để giải quyết dứt điểm và hiệu quả các hồ sơ NCC tồn đọng, rất cần sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành. Đồng thời, những người trực tiếp đứng ra giải quyết hồ sơ NCC phải thực sự nhiệt huyết, làm việc bằng cái tâm trung thực, khách quan, không ngại khó, không ngại khổ. Đặc biệt, các địa phương cần chủ động phối hợp dòng họ, xóm làng, những người cao niên để việc xác minh hồ sơ được diễn ra công khai, minh bạch và tránh xảy ra sai sót”.

Hòa bình lập lại, nhiều gia đình hy vọng sự cống hiến của người thân được ghi nhận và tôn vinh. Thì giờ đây, với sự quyết tâm của các cấp, các ngành, những người thực sự có công với cách mạng sẽ được ghi nhận và biểu dương. Qua đó, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết