Tiếng Việt | English

10/02/2016 - 15:15

Nông dân – chủ thể của mọi hoạt động

Tết đến, gác lại những bề bộn việc đồng áng, chăn nuôi, với người nông dân, ngày xuân là những ngày hạnh phúc. Đâu đó trong bữa cơm gia đình hay những lúc sum họp, quây quần bên nhau, nông dân vẫn bàn về một vụ mùa bội thu, những thành công trong năm cũ và cả những ước vọng trong năm mới. Càng vui hơn khi năm qua, năng suất, sản lượng lúa của tỉnh Long An đều tăng; các mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhà nhà chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần tạo nên diện mạo mới cho quê hương. Trong những thành công ấy, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của mỗi gia đình còn có cả vai trò, trách nhiệm của những người làm công tác hội.

Năng suất, sản lượng lúa đều tăng khi nông dân tham gia sản xuất lúa chất lượng cao

Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

Xuôi về xã biên giới Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng - 1 trong 8 xã NTM đầu tiên trong tỉnh, chúng tôi cảm nhận rõ nét sự thay đổi của nơi đây. Tuyến đường từ thị trấn Vĩnh Hưng về xã được trải nhựa phẳng lì, ngay cả những con đường liên ấp cũng được bêtông hóa kiên cố. Và, trong sự đổi thay ấy có phần đóng góp không nhỏ của những người nông dân. Người hiến đất làm đường, người góp công lao động, cũng có người ủng hộ tiền mặt. “Người dân có điều kiện thì mới có thể cùng chính quyền địa phương xây dựng quê hương” - Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng - Bùi Văn Hiệu chia sẻ với chúng tôi như thế!

Đến thăm những cánh đồng lúa chất lượng cao đang độ no hạt của hội viên, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Khánh Hưng - Huỳnh Văn Hùng tự hào khoe: “Lúa năm nay chắc chắn trúng mùa. Nông dân mình giờ giỏi lắm! Có gì mới là học tập và áp dụng ngay vào đồng ruộng. Hiện nay, hầu hết nông dân không còn trồng những giống lúa truyền thống mà chuyển sang giống chất lượng cao nhưng năng suất cũng chẳng thua kém. Không những vậy, rất nhiều hộ nông dân còn xen canh, tăng vụ bằng các giống mè ngắn ngày, vừa giúp cải tạo đất, vừa tăng thu nhập. Năm 2015, diện tích trồng mè trong xã đạt trên 600ha. Tính ra, nếu giá cả ổn định thì người dân có thu nhập thêm khoảng 30 triệu đồng/ha/vụ mè”.

Sở dĩ có thành công ấy, theo anh Hùng, có phần góp sức không nhỏ từ các cấp HND. Ngay từ đầu năm, từ sự hỗ trợ của hội, Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật đến người dân; xây dựng những cánh đồng “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” hay những cánh đồng trình diễn kỹ thuật. Cán bộ hội còn trực tiếp cùng nông dân ra đồng để hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật trong sản xuất.

Như ông Nguyễn Văn Phấn, hội viên HND xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, các lớp dạy nghề của các cấp HND, cảm thấy tự tin hơn trong sản xuất. “Trước đây, gia đình tôi làm lúa theo cách truyền thống, năng suất chỉ đạt khoảng 5 tấn/ha/vụ thì nay, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, phương pháp sản xuất mới, năng suất lên tới từ 7-9 tấn/ha/vụ” - ông Phấn cho biết.

Bên cạnh đó, hàng loạt phong trào thi đua lao động, sản xuất được HND phát động như: Phong trào sản xuất-kinh doanh giỏi, nông dân thi đua xây dựng NTM, nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng-an ninh cũng đạt những kết quả đáng tự hào, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi trong nhân dân.

Dân giàu, nước mạnh

Theo Chủ tịch HND Việt Nam tỉnh - Phạm Minh Hùng, điều cốt lõi nhất mà các cấp hội mong muốn chính là toàn thể nhân dân, đặc biệt là những nông dân có đời sống khá giả, kinh tế ổn định, bởi dân có giàu thì nước mới mạnh. Từ cơ sở ấy, các phong trào do hội phát động đều hướng đến nông dân, phát huy tính sáng tạo, chủ động của nông dân trong phát triển kinh tế. Nổi bật nhất là phong trào nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và thi đua xây dựng NTM.

Chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao cho nông dân

Chỉ tính riêng năm 2015, phong trào nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững có trên 146.000 hộ gia đình đăng ký tham gia, chiếm hơn 80% số hộ sản xuất nông nghiệp trong toàn tỉnh. Đến cuối năm, qua bình xét, có trên 56% số hộ đăng ký đạt danh hiệu. Từ phong trào, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế phát huy hiệu quả như: Mô hình nuôi trâu sinh sản, nuôi bò vỗ béo ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười; nuôi gà an toàn sinh học, trồng rau sạch, nuôi chim trĩ ở Cần Đước,...

Ngoài ra, các cấp hội cơ sở đăng ký giúp đỡ gần 1.300 hội viên nông dân thoát nghèo bằng những giải pháp cụ thể như hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi sản xuất từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách Xã hội. Qua đó, nâng cao đời sống người dân, tăng tỷ lệ hộ khá, giàu. Kinh tế phát triển, nông dân có điều kiện góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, đặc biệt là xây dựng NTM. Nông dân ý thức được rằng, xây dựng NTM không chỉ là việc làm của các cấp chính quyền mà còn là công việc của mỗi người và chính mình mới là chủ thể.

Theo đó, người dân tự nguyện hiến đất, góp tiền, ngày công lao động để xây dựng và sửa chữa cầu, đường giao thông, thủy lợi,... Từ khi phát động chương trình đến nay, người dân đóng góp sửa chữa và làm mới 257 cây cầu, tu sửa hơn 900 công trình giao thông thủy lợi với chiều dài trên 970km,... với tổng kinh phí trên 167 tỉ đồng và hơn 24.000 ngày công lao động.

“Trong năm mới, các cấp hội trong toàn tỉnh sẽ tích cực củng cố, đẩy mạnh các phong trào, lấy kết quả năm cũ làm tiền đề phấn đấu, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong từng địa phương. Hội chú trọng nâng cao kiến thức cho nông dân trong xu hướng hội nhập với khu vực và thế giới. Nông sản do chính nông dân mình làm ra phải có đầu ra ổn định nhằm khẳng định vai trò, vị trí của người nông dân Việt Nam. Và trên hết là mong muốn cho năm mới với những vụ mùa bội thu, những thắng lợi mới sẽ đến với nông dân” - Chủ tịch HND tỉnh - Phạm Minh Hùng chia sẻ./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết