Tiếng Việt | English

13/03/2017 - 12:21

Trồng dưa lưới trong nhà màng - Hiệu quả bước đầu

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) Sở KH&CN vừa tiếp nhận mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng từ Khu Nông nghiệp công nghệ cao và triển khai thực hiện tại Trạm Nghiên cứu ứng dụng KH&CN Đồng Tháp Mười, xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An.

Ươm cây con trong khay xốp tại nhà màng

Dưa lưới thuộc họ bầu bí, là rau ăn quả có thời gian sinh trưởng ngắn, trồng được nhiều vụ trong năm với năng suất khá cao; là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Nhà màng được xây dựng để thực hiện mô hình có diện tích 300m2 (16m x 18,75m), có lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt sử dụng đầu ghim capinet 40cm, có chế độ điều khiển tưới tự động nhằm giảm công lao động tại mô hình.

Giống dưa lưới được chọn là giống Taki - Nhật có độ Brix cao (>12) và có khả năng kháng bệnh tốt hơn các giống dưa lưới khác. Mô hình dưa lưới trong nhà màng tại Trạm Nghiên cứu ứng dụng KH&CN Đồng Tháp Mười được trồng theo hàng kép với mật độ 20.000-22.000 cây/1.000m2. Với diện tích 300m2 nhà màng, tổng số cây dưa lưới được trồng là 525 cây, tỷ lệ sống đạt trên 90%. Sau thời gian từ 45-50 ngày (sau khi thụ phấn), trái dưa lưới đạt độ chín và được thu hoạch. Tổng khối lượng trái thu được là 470 trái với trọng lượng trung bình đạt 1,6kg/trái, vượt 0,2kg/trái so với chỉ tiêu ban đầu. Dưa lưới có màu sắc bắt mắt, quả tròn đều, ruột quả có màu cam tươi, thơm ngọt.

Thu hoạch dưa lưới

Theo đánh giá ban đầu, dưa lưới hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết của Đồng Tháp Mười nên việc nhân rộng mô hình hoàn toàn khả quan. Bên cạnh đó, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại Trạm Nghiên cứu ứng dụng KH&CN Đồng Tháp Mười góp phần chuyển biến nhận thức cho các nông hộ canh tác nông nghiệp theo hướng an toàn và bền vững. Trong canh tác nông nghiệp, nông dân kiểm soát tốt việc sử dụng phân hóa học và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng và an toàn./.

Lê Thị Ngọc Hiếu

Chia sẻ bài viết