Tiếng Việt | English

01/07/2020 - 11:27

Hành trình nâng chất Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng

Bài cuối: Để Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả

Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng (VHTT&HTCĐ) là thiết chế văn hóa cần thiết tại mỗi địa phương. Với chức năng, nhiệm vụ “3 trong 1”, trung tâm được kỳ vọng là nơi tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân đến sinh hoạt văn hóa, học tập bổ sung kiến thức, tập luyện thể thao và cùng nhau lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, để trung tâm VHTT&HTCĐ phát huy hết công năng như kỳ vọng, cần cả một quá trình nỗ lực, bởi trước mắt còn lắm khó khăn.

Với mong muốn giúp người dân nâng cao đời sống tinh thần, rèn luyện sức khỏe và trang bị thêm những kiến thức cần thiết về mọi mặt, các Trung tâm VHTT&HTCĐ đã được hình thành tại khắp các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lonbg An. Tuy nhiên, hiệu quả các trung tâm này mang lại chưa cao, do đó, rất cần các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên môn sớm vào cuộc để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các trung tâm phát huy được hết công năng.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Văn nghệ xã Phước Lợi, huyện Bến Lức

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Văn nghệ xã Phước Lợi, huyện Bến Lức
Nỗ lực của địa phương

Trung tâm VHTT&HTCĐ cấp xã là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, đồng thời cũng là điểm để người dân sinh hoạt các câu lạc bộ (CLB) và học tập cộng đồng. Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện nay chỉ có 57/188 trung tâm VHTT&HTCĐ cấp xã tổ chức tốt và hiệu quả các CLB dưỡng sinh, võ thuật, đờn ca tài tử và các lớp năng khiếu cho thanh, thiếu niên. Các trung tâm còn lại vẫn chưa phát huy công năng của mình. 

Được thành lập từ năm 2010, Trung tâm VHTT&HTCĐ xã Phước Lợi, huyện Bến Lức là một trong số ít đơn vị phát huy tốt vai trò trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Từ khi hoạt động đến nay, trung tâm tạo sân chơi lành mạnh cho người dân trong và ngoài xã. 

Chủ tịch UBND xã Phước Lợi - Nguyễn Văn Vũ thông tin, Trung tâm VHTT&HTCĐ xã đã và đang duy trì hoạt động các CLB dưỡng sinh, đờn ca tài tử, bóng đá,... Đồng thời, trung bình mỗi năm, trung tâm tổ chức trên 20 lớp dạy nghề nông thôn với số lượng học viên tham gia đông đảo. Điều này cho thấy được sự nỗ lực của Ban Quản lý trung tâm và sự cố gắng của ban chủ nhiệm các CLB trong việc đáp ứng nhu cầu học tập kiến thức cần thiết và nâng cao đời sống tinh thần của người dân. 

Theo ông Vũ, kết quả đó là sự nỗ lực hết mình của địa phương. Mức hỗ trợ 40 triệu đồng/năm từ ngân sách nhà nước không đủ để chi trả cho các hoạt động hay mua sắm tài liệu, trang thiết bị phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao và học tập của người dân. Các CLB đang duy trì sinh hoạt đều phải tự vận động kinh phí hoạt động. Muốn có nhiều hoạt động sôi nổi thì trước hết phải làm tốt công tác xã hội hóa.

Chủ nhiệm CLB Dưỡng sinh của Trung tâm VHTT&HTCĐ xã An Lục Long - Nguyễn Thị Mười cho biết: “CLB hiện có trên 25 thành viên tham gia sinh hoạt. Kinh phí hoạt động của CLB chủ yếu từ sự đóng góp của các thành viên và một phần xã hội hóa. Do đó, điều kiện để CLB tham gia các giải của huyện, tỉnh, giao lưu với các CLB khác là rất khó khăn. Hy vọng, các cơ quan chuyên môn sớm có giải pháp hỗ trợ để CLB có thêm điều kiện duy trì hoạt động”. 

Thường xuyên tạo điều kiện cho các câu lạc bộ tham gia thi đấu trong và ngoài huyện

Thường xuyên tạo điều kiện cho các câu lạc bộ tham gia thi đấu trong và ngoài huyện

Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động

Thấy được khó khăn của các trung tâm VHTT&HTCĐ, những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm VHTT&HTCĐ cấp xã. Đến nay, hoạt động này được quan tâm đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thị Thủy, thời gian qua, nguồn kinh phí địa phương dành cho hoạt động của các trung tâm VHTT&HTCĐ cấp xã rất hạn chế. Chính vì vậy, Sở luôn khuyến khích các cơ sở chú trọng công tác liên kết với các cá nhân, đơn vị tổ chức các dịch vụ văn hóa - thể thao, vui chơi, giải trí nhằm tạo nguồn thu để chi cho các hoạt động chuyên môn, tích cực thực hiện phương thức xã hội hóa theo quy định của pháp luật. Sở sẽ cân đối, điều chỉnh kinh phí cấp mới hoặc bổ sung, thay mới trang thiết bị đã xuống cấp cho các trung tâm.

Hàng năm, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cử hơn 10 lượt cán bộ nghiệp vụ đến các trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh cấp huyện để tập huấn, hướng dẫn cán bộ phụ trách văn hóa, thể thao cấp xã và cộng tác viên về các nội dung: Biên tập chương trình nghệ thuật, kỹ năng tổ chức hoạt động văn hóa, lễ hội, dẫn chương trình,…; đồng thời, tổ chức lồng ghép các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn và các lớp phương pháp nhằm hướng dẫn cán bộ văn hóa cấp xã trong việc tăng cường phối hợp các ban, ngành, đoàn thể địa phương. Đây là giải pháp hữu hiệu trong điều kiện cán bộ văn hóa - thể thao cấp xã chưa đáp ứng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và thường xuyên biến động. Công chức Văn hóa - Xã hội xã An Lục Long, huyện Châu Thành - Phạm Tuấn Đạt chia sẻ, anh đã học được rất nhiều từ các lớp tập huấn chuyên môn để ứng dụng vào tổ chức hoạt động của trung tâm.

“Ngoài ra, Sở sẽ tăng cường tổ chức tập huấn chuyên môn, hướng dẫn thành lập các loại hình CLB, tổ chức các hoạt động phù hợp với địa phương và với từng nhóm đối tượng, lứa tuổi, đẩy mạnh việc đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt của các CLB, tránh sự nhàm chán nhằm thu hút thêm nhiều người dân tham gia sinh hoạt” - bà Thủy cho biết thêm.

Bên cạnh những giải pháp tháo gỡ trên, các trung tâm cũng cần được đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ để có thể tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao định kỳ, thu hút người dân đến tham gia. Các trung tâm chưa đạt chuẩn cần được xây dựng đủ phòng chức năng. Các trung tâm xây mới cần được chú trọng vị trí xây dựng sao cho thuận tiện đi lại của người dân và nên nằm ngoài khuôn viên UBND xã. Các địa phương nên dành riêng quỹ đất xây dựng công viên gắn với trung tâm (đối với trung tâm nằm ngoài khuôn viên UBND xã) nhằm thu hút người dân đến tập luyện thể dục - thể thao, vui chơi, giải trí. 

Và quan trọng hơn hết là cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Sự quan tâm đó sẽ là nền tảng cốt yếu giúp các trung tâm VHTT&HTCĐ có thể phát huy hết công năng, phục vụ tốt nhất nhu cầu xây dựng đời sống văn hóa, thể dục - thể thao, vui chơi, giải trí và học tập của người dân./.

Nhóm PV

 

Chia sẻ bài viết