Tiếng Việt | English

16/02/2019 - 14:43

Bảo đảm mùa lễ hội 2019 an toàn, văn minh

Sau Tết Nguyên đán, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều lễ hội lớn, nhỏ để cầu bình an, may mắn, mưa thuận gió hòa trong năm mới. Để các lễ hội thực sự có ý nghĩa thì công tác tổ chức, quản lý lễ hội rất quan trọng. Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Long An - Nguyễn Thành Thanh dành cho phóng viên (PV) Báo Long An cuộc phỏng vấn xung quanh vấn đề này.

Lễ hội Làm Chay là 1 trong 3 lễ hội lớn của tỉnh được đưa vào danh sách văn hóa phi vật thể quốc gia

PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình chấp hành các quy định về văn minh lễ hội trong những năm qua ở tỉnh. Sở đã có những chỉ đạo gì với công tác quản lý, tổ chức các lễ hội nhằm bảo đảm mùa lễ hội diễn ra trật tự, an toàn, văn minh?

Ông Nguyễn Thành Thanh: Nhiều năm qua, các cấp, các ngành và nhân dân thực hiện tốt, chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đón Tết Nguyên đán vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm cũng như thực hiện tốt nếp sống văn minh khi tham dự lễ hội.

Để tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu năm 2019, Sở VH-TT&DL ban hành Công văn số 196, ngày 28/01/2019, chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã Kiến Tường, TP.Tân An và các đơn vị thuộc sở nghiêm túc triển khai, quán triệt thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh, nhất là thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1446/VP UBND-VHXH, ngày 10/9/2018 về quản lý và tổ chức lễ hội. Đồng thời, trình UBND tỉnh công bố 5 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của sở về đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội theo quy định.

Sở VH-TT&DL tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND, ngày 15/01/2019, về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm trên địa bàn tỉnh, trong đó có tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội, tuyên truyền giới thiệu, quảng bá về nguồn gốc và giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc theo hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện KT-XH của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Sở cũng chỉ đạo ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội các địa phương có phương án quản lý, sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích; không đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, bảo đảm tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa.

PV: Trong một vài lễ hội tại tỉnh có duy trì tập tục xin lộc, dễ xảy ra xô đẩy, chen lấn. Xin ông cho biết tỉnh có biện pháp, chỉ đạo gì nhằm bảo đảm những lễ hội ấy diễn ra trong không khí vui tươi, an toàn, không xảy ra sự cố đáng tiếc?

Ông Nguyễn Thành Thanh: Trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt chỉ đạo của Trung ương, tỉnh trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quần chúng nhân dân thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động, tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không dùng xe công và các phương tiện công tham gia lễ hội trong giờ hành chính (trừ trường hợp đang thực thi nhiệm vụ). Tuyên truyền cho người tham gia lễ hội ứng xử có văn hóa, không chen lấn, xô đẩy, gây mất an ninh, trật tự.

Lễ hội Làm Chay là 1 trong 3 lễ hội lớn của tỉnh được đưa vào danh sách văn hóa phi vật thể quốc gia

Người tham gia lễ hội ứng xử có văn hóa, không chen lấn, xô đẩy, gây mất an ninh, trật tự

Ngoài ra, từ đầu năm, Sở VH-TT&DL có kế hoạch và thành lập Đoàn kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội, nhất là kiểm tra công tác xây dựng kế hoạch, các phương án chuẩn bị cho 3 lễ hội lớn của tỉnh được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh sách văn hóa phi vật thể quốc gia (Đại lễ Kỳ yên đình Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ; Lễ hội Làm Chay ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành; Lễ hội Vía bà Ngũ Hành Long Thượng ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc); một số lễ hội gắn với các di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh và các lễ hội thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh tham gia: Lễ hội rằm tháng Giêng tại chùa Nổi (huyện Vĩnh Hưng); Lễ hội cầu an tại đình Chánh Tân Kim (huyện Cần Giuộc); Lễ hội Kỳ yên tại đình Vĩnh Phong (huyện Thủ Thừa); Lễ hội cầu an và Lễ Húy kỵ đức Nghệ nhân nhạc sư Nguyễn Quang Đại tại đình Vạn Phước (huyện Cần Đước);...

PV: Xin cảm ơn ông!

Người tham gia lễ hội cần giữ gìn vệ sinh, hạn chế thắp hương nghi ngút, đốt nhiều vàng mã, không chen lấn giành lộc, không gây mất trật tự và thực hiện tốt Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội".

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thành Thanh

Phương Phương(thực hiện) 

Chia sẻ bài viết