Tiếng Việt | English

27/08/2015 - 14:36

Đến Phú Quốc thăm Đình thần Nguyễn Trung Trực

Nguyễn Trung Trực xuất thân trong một gia đình làm nghề chài lưới ở hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông. Năm 1861, hưởng ứng hịch Cần Vương chống Pháp, ông chiêu mộ nông dân đánh phá một số đồn giặc ở phủ Tân An. Lập được nhiều chiến công nên ông được triều đình Huế phong chức Quản cơ.

Chụp ảnh lưu niệm trước Đình thần AHDT Nguyễn Trung Trực

Nghĩa quân dưới quyền lãnh đạo của ông có một số nhà yêu nước như: Nguyễn Văn Điền, Nguyễn Học, lương thân Hồ Quang,…tổ chức cuộc phục kích đốt tàu L’ Esperance của Pháp trưa ngày 10-12-1861 tại Vàm Nhựt Tảo. Sau đó, ông tiếp tục chiến đấu trên địa bàn Gia Định, Biên Hòa. Sau khi 3 tỉnh miền Đông Nam bộ mất (hòa ước Nhâm Tuất 1862), ông được phong làm Lãnh binh. Năm 1861, ông lại được triều đình phong chức Hà Tiên thành thủ úy để trấn giữ đất Hà Tiên.

Thắp hương tưởng nhớ đến ơn đức của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Sau khi thành Hà Tiên thất thủ, ông rút quân về Rạch Giá tiếp tục cuộc chiến đấu, lập căn cứ ở Hòn Chồng. Giặc Pháp phản công, ông rút ra đảo Phú Quốc lập căn cứ để chống giặc lâu dài. Pháp huy động lực lượng hùng hậu bao vây, tấn công nghĩa quân trên đảo. Đến tháng 10-1868, để bảo đảm an toàn cho nghĩa quân và nhân dân trên đảo, Nguyễn Trung Trực quyết hy sinh vì nghĩa cả. Cuối cùng, giặc Pháp đem ông ra hành hình ở chợ Rạch Giá (lúc ông 31 tuổi).

Để tỏ lòng tôn kính ông, nhân dân thờ cúng ông ở nhiều nơi, tiêu biểu là Đền thờ Anh hùng dân tộc (AHDT) Nguyễn Trung Trực ở Long An; Đền thờ AHDT Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá và Đình thần Nguyễn Trung Trực ở Gành Dầu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Xem hiện vật trưng bày tại Đình thần Nguyễn Trung Trực

Đến viếng Đình thần Nguyễn Trung Trực tại Gành Dầu, thương binh 2/4 - Ngô Văn Ron, 67 tuổi, ngụ ấp Bà Nghiệm, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An vô cùng xúc động khi thấy người dân nơi đây rất tôn kính ông - vị anh hùng quê Long An với tinh thần yêu nước bất khuất. Tưởng nhớ đến ơn đức của ông, người dân lưu truyền qua 2 câu thơ nổi tiếng:

                                                                “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa
                                                               Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”
./.

Phan Bảo An

 

 

Chia sẻ bài viết