Tiếng Việt | English

03/03/2019 - 09:17

Diện mạo mới của cù lao Long Hựu

Nhắc đến Long Hựu, nhiều người nhớ đến vùng đất cù lao gồm 2 xã Long Hựu Đông và Long Hựu Tây của huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Trước đây, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn do thường xuyên thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, nhưng những năm gần đây, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước và sự đồng lòng của người dân mà KT-XH cù lao Long Hựu dần thay đổi, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Kết cấu hạ tầng từng bước hoàn thiện

Toàn xã Long Hựu Đông có 3.600 hộ với khoảng 18.000 nhân khẩu, sinh sống tại 8 ấp. Trước đây, trình độ dân trí thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, kết cấu hạ tầng trên địa bàn xã dần được hoàn thiện. Ông Nguyễn Văn Hoàng, ngụ ấp Cầu Ngang, cho biết: “Những năm trước đây, tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất thường xuyên xảy ra, nhất là vào mùa khô. Nhưng nay, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền mà các trạm cấp nước được xây dựng. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao mức sống của người dân”.

Trường THPT Long Hựu Đông được xây dựng khang trang

Trường THPT Long Hựu Đông được xây dựng khang trang

Dù còn không ít khó khăn, song điều dễ dàng nhận thấy khi đến Long Hựu Đông  là kết cấu hạ tầng dần được hoàn thiện. Đến nay, hầu như toàn bộ đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bêtông hóa; các trục đường ấp, xóm cơ bản hoàn thành phần nền và được bêtông hóa, trải sỏi đỏ; 100% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia, 80% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh;... Có được diện mạo trên là nhờ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và sự đóng góp của người dân. Ông Lê Văn Tài, ngụ ấp Long Ninh, chia sẻ: “Trước đây, những con đường đất chật hẹp, hễ trời mưa là sình lầy, trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Nhưng những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền mà hệ thống đường sá được xây dựng khang trang, người dân buôn bán, đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn”.

Chủ tịch UBND xã Long Hựu Đông - Nguyễn Văn Khắc thông tin: “Thời gian qua, nhờ nguồn vốn đầu tư gần 1,1 tỉ đồng từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và sự đồng thuận của người dân mà các công trình: Điện, đường, trường, trạm,... được nhanh chóng triển khai và hoàn thành, mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, xã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới. Thời gian tới, chính quyền và nhân dân xã Long Hựu Đông tiếp tục phấn đấu để giữ vững các tiêu chí đã đạt và hoàn thành các tiêu chí còn lại để được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian gần nhất”.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Hựu Tây - Nguyễn Văn Út cho biết: “Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những năm qua, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã được đầu tư mở rộng, trồng cây xanh tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, góp phần từng bước nâng chất xã văn hóa, hướng đến xây dựng xã nông thôn mới; đồng thời, tạo điều kiện cho người dân giao thương, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”.

Chuyển đổi sản xuất, thoát nghèo bền vững

Đời sống người dân trên vùng đất cù lao chủ yếu dựa vào cây lúa. Nhận thức được mục tiêu hàng đầu là nâng cao mức sống của người dân trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Từ chỗ độc canh cây lúa, đến nay, người dân nơi đây mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả, giúp người dân vươn lên thoát nghèo

Hiện nay, ngoài 820ha lúa, năng suất bình quân khoảng 5,5 tấn/ha/vụ, nông dân Long Hựu Tây còn chuyển đổi gần 270ha sang nuôi tôm nước lợ và gần 10ha sang trồng khóm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với việc phát triển các loại cây trồng, xã còn quan tâm đến các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó, gia súc hơn 350 con, gia cầm gần 520 con. Nhờ đó, góp phần nâng cao đời sống người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 1,7% (năm 2017 là 2,4%). Ông Trần Văn Bon, ngụ ấp Mỹ Điền, xã Long Hựu Đông, chia sẻ: “Trước đây, vùng đất cù lao này nhiễm phèn nặng và thường bị ngập lũ do chưa có hệ thống đê bao và kênh, mương tưới tiêu, rửa phèn. Do đó, người dân chỉ canh tác lúa 1 vụ, năng suất rất thấp. Từ khi Nhà nước đầu tư hệ thống đê bao (năm 2014), tôi quyết định chuyển đổi 1,3ha lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Vụ tôm vừa rồi, với 1,3ha, tôi thu hoạch được gần 3 tấn, bán với giá 110.000 đồng/kg, lãi gần 200 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình tôi ăn tết vui vẻ, đầm ấm hơn”. 

Ông Nguyễn Văn Út chia sẻ: “Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung phát triển KT-XH, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như nuôi tôm sú, chăn nuôi gia súc,... Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng cũng được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Từ đó, diện mạo của xã ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân càng được nâng lên”.

Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng cho biết: “Những năm gần đây, vùng cù lao Long Hựu có nhiều đổi thay cùng với nhịp phát triển của huyện. Nhất là sau nhiều năm cải tạo đất đai sản xuất và đi lên từ cây lúa, người dân nơi đây nỗ lực không ngừng để xây dựng đời sống ngày càng đổi thay rõ nét. Đồng thời, khi những cây cầu, đường giao thông ngày càng được hoàn thiện góp phần kết nối vùng đất cù lao với “bốn phương”, tạo nên những dấu hiệu lạc quan, đầy khởi sắc”./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết