Tiếng Việt | English

26/07/2017 - 19:27

Long An: Tăng cường thu gom, xử lý rác thải

Thời gian qua, việc quản lý rác thải, chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Long An còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Long An-Phan Nhân Duy xung quanh nội dung này.


Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Long An - Phan Nhân Duy

* PV: Ông có thể cho biết công tác quản lý rác thải, chất thải rắn tại tỉnh hiện nay có những hạn chế, tồn tại gì?

Ông Phan Nhân Duy: Hiện tại, tổng khối lượng rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 480 tấn/ngày, chưa được phân loại tại nguồn. Trong đó, các huyện: Bến Lức, Châu Thành, Đức Hòa, Tân Trụ, Thạnh Hóa, Tân Thạnh và TP.Tân An thì thu gom, vận chuyển rác về nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa tại huyện Thạnh Hóa; huyện Cần Đước và Cần Giuộc thu gom, vận chuyển về khu liên hợp Xử lý Chất thải rắn Đa Phước, TP.HCM; các địa phương còn lại thu gom, xử lý rác tại bãi chôn lấp và lò đốt của các huyện.

Rác thải tại chợ phường 1, TP.Tân An được thu gom đưa về nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa

Rác thải phát sinh do UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm kiểm soát, quản lý từng khâu thu gom vận chuyển đến xử lý.

Phí thu gom rác thải hiện còn thấp (20.000 đồng/hộ/tháng) và chưa được thu đúng, thu đủ dẫn đến nguồn thu không đủ bù chi.

Khu Liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp-Củ Chi, TP.HCM không tiếp nhận rác thải từ huyện Đức Hòa (khoảng 100-130 tấn/ngày). Do đó, rác thải được vận chuyển về nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa làm cho chi phí vận chuyển, xử lý tăng (1 tấn rác được thu gom, vận chuyển từ Đức Hòa về nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa hơn 1,2 triệu đồng). Trong khi đó, nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa có công suất xử lý khoảng 220-250 tấn/ngày nhưng lại tiếp nhận khoảng 380-400 tấn/ngày nên lượng rác tồn đọng ngày càng nhiều, gây áp lực công tác xử lý rác tại nhà máy.

*PV: Để khắc phục tình trạng trên, ngành có những đề xuất gì, thưa ông?

Ông Phan Nhân Duy: Trong năm 2016, tỉnh thỏa thuận với Công ty Cổ phần xử lý chất thải Việt Nam-Long An để xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, rác thải sẽ được thu gom vận chuyển về xử lý tại Khu Công nghệ Môi trường Xanh thuộc huyện Thủ Thừa, không bổ sung quy hoạch thêm các khu xử lý chất thải rắn mới.

Tuy nhiên, cho đến nay, chủ đầu tư Khu Công nghệ Môi trường xanh chưa báo cáo rõ về tiến độ thi công, thời gian vận hành dự án dẫn đến các ngành và địa phương lúng túng trong quá trình quản lý rác thải.

*PV: Thưa ông, thời gian tới, ngành tham mưu UBND chỉ đạo giải quyết những tồn tại, khó khăn bằng các giải pháp gì?

Ông Phan Nhân Duy: Trước mắt, tỉnh cần làm việc với UBND TP.HCM cho huyện Đức Hòa được tiếp tục vận chuyển rác thải đến Khu Liên hợp chất thải Phước Hiệp-Củ Chi (còn khả năng tiếp nhận) để xử lý, nhằm giảm chi phí vận chuyển cũng như giảm áp lực xử lý tại nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa.

Tỉnh sẽ làm việc, yêu cầu chủ đầu tư Khu Công nghệ Môi trường Xanh cam kết tiến độ triển khai thực hiện dự án để có cơ sở định hướng xử lý rác thải trong thời gian thi công xây dựng và vận hành ổn định.

Đồng thời, ngành tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thu đúng, thu đủ phí thu gom rác thải; tăng cường thu gom rác thải tại các khu dân cư, khu tập trung đông dân cư, các chợ,...Nhân rộng các mô hình triển khai hiệu quả như gắn camera giám sát, đưa ra dân những hộ đổ rác không đúng nơi quy định, giao UBND cấp xã, tổ, ấp giám sát, xác nhận việc thu gom, vận chuyển rác thải,…

Tham mưu ban hành phí thu gom rác thải phù hợp với tình hình phát triển KT-XH của tỉnh (có lộ trình tăng giá theo từng năm), bảo đảm lấy thu bù chi, hạn chế tối đa việc lấy bù lỗ từ ngân sách.

Về lâu dài, kiến nghị UBND tỉnh triển khai áp dụng phân loại rác tại nguồn để giảm khối lượng phát sinh; yêu cầu các đơn vị thu gom tách biệt các loại rác thải được phân loại để tăng tính hiệu quả qua việc phân loại rác tại nguồn.

UBND tỉnh cần bố trí ngân sách hoặc kêu gọi xã hội hóa đầu tư mô hình xử lý rác thải theo khu vực với công nghệ và công suất phù hợp từng địa phương.

Với những trường hợp “vô tư” đổ rác bừa bãi, UBND tỉnh kiên quyết xử lý mạnh tay

Cụ thể, tiếp tục vận hành lò đốt rác thải hiện có tại huyện Tân Hưng, thị xã Kiến Tường; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp bãi chôn lấp tại Vĩnh Hưng; xem xét cho đầu tư có niên hạn các lò đốt rác thải tại các huyện Mộc Hóa (xã Bình Hòa Đông), Thủ Thừa (bãi rác cũ tại xã Tân Thành), Đức Huệ (xã Mỹ Thạnh Bắc, tiếp nhận lượng rác từ Đức Huệ, Đức Hòa và một phần huyện Bến Lức).

Tiếp tục thu gom, xử lý rác thải tại nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa đối với TP.Tân An, các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Thạnh Hóa, Tân Thạnh và một phần huyện Bến Lức; xử lý rác thải tại Khu liên hợp Xử lý Chất thải rắn Đa Phước đối với huyện Cần Đước, Cần Giuộc;…

Về lâu dài, sau khi Khu Công nghệ Môi trường Xanh xây dựng hoàn thành, đi vào hoạt động sẽ có lộ trình đóng cửa các lò đốt rác các huyện và thống nhất vận chuyển toàn bộ rác về Khu Công nghệ Môi trường Xanh khi hoạt động ổn định; tăng tính hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Thanh Nga (thực hiện)

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích