Tiếng Việt | English

16/12/2016 - 14:13

Long An và TP.HCM kết nối cung - cầu ngày càng hiệu quả

Giữa 2 địa phương cùng nhau trao đổi thông tin về cung - cầu hàng hóa, giá cả thị trường,... Từ sự gắn kết chặt chẽ này, nhiều hàng hóa, nông sản của Long An được kết nối với các doanh nghiệp (DN) chủ lực chuyên phân phối hàng hóa tại TP.HCM.


Rau, củ, quả an toàn của Hợp tác xã Tân Hiệp (Đức Hòa) cung ứng cho Saigon Co.op (Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của Hợp tác xã Tân Hiệp tại Hội thảo Kết nối giao thương ở Cần Giuộc vào tháng 9/2016)

Tạo cầu nối lưu thông hàng hóa

Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An - Nguyễn Xuân Hồng thông tin, sau 5 năm thực hiện, đến thời điểm này, chương trình kết nối giao thương giữa Long An và TP.HCM phát triển mạnh mẽ, hướng đến chuyên nghiệp trong việc kết nối 2 chiều, nâng cao hiệu quả lưu thông hàng hóa. Từ chương trình, nhiều DN, cơ sở, nông dân sản xuất từ các hợp tác xã (HTX) tìm được đầu ra ổn định.

Cơm mẻ là gia vị truyền thống của người Việt, có vị chua, thường được dùng trong các món lẩu, nấu canh, xào chua ngọt,... Các gia đình có thể tự làm cơm mẻ bằng cách ủ cơm nguội, cháo cho lên men. Tuy nhiên, cơm mẻ không dễ làm, khó để lâu vì dễ bị hư nếu không cẩn thận trong quá trình sử dụng. Để khắc phục những hạn chế này, anh Đỗ Văn Hương (ấp Giồng Ngang, xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa) nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm cơm mẻ đóng gói vừa dễ sử dụng, vừa tiện lợi trong việc bảo quản.

Đến thời điểm này, sau hơn 5 năm nghiên cứu thành công cách chế biến, mua sắm trang thiết bị đóng gói, sản phẩm Cơm mẻ Nhất Hương có mặt trên thị trường Long An, TP.HCM và các siêu thị như Co.opMart, Satra,... với sức tiêu thụ khoảng 2 tấn sản phẩm/tháng.

Anh Hương cho biết: “Hiện tại, năng lực của DN có thể sản xuất nhiều hơn nhưng còn khó khăn trong việc tìm kiếm hệ thống phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Tham gia Hội nghị Kết nối cung - cầu tại TP.HCM, DN mong muốn sản phẩm cơm mẻ được mọi người biết đến nhiều hơn, nhất là các DN có hệ thống phân phối lớn. Hy vọng qua buổi kết nối giao thương từ các lần tổ chức hội chợ, triển lãm, năm 2017, DN tiêu thụ khoảng 10-15 tấn sản phẩm/tháng”.

Chuối được trồng bằng phương pháp hữu cơ từ trang trại của ông Võ Quan Huy với thương hiệu Huy Long An (xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ) đến thời điểm này có được thị trường tiêu thụ khá lý tưởng. Với gần 200ha đất trồng chuối, hiện nay, ngoài cung cấp cho thị trường nước ngoài như Nhật, Trung Quốc,... khoảng 100 tấn/tuần, thị trường trong nước cũng đang dần tăng sản lượng thông qua các cuộc hội chợ, triển lãm do Sở Công Thương Long An làm cầu nối.

Ông Võ Quan Huy cho biết, tại buổi kết nối giao thương do UBND tỉnh tổ chức tại huyện Cần Giuộc vào tháng 9-2016, DN ký kết hợp đồng cung ứng cho Satra mỗi ngày khoảng 250-400kg chuối. Hiện tại, DN nhận được sự quan tâm và tìm hiểu của nhiều DN phân phối khác như siêu thị, các cửa hàng tiện ích tại TP.HCM. Theo ông, tham gia các buổi kết nối giao thương, DN có thể tiếp cận trực tiếp nhà phân phối, người tiêu dùng và tham khảo ý kiến về sản phẩm, từ đó tiếp nhận được thông tin, làm ra sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách tốt nhất.

Từ hiệu quả của chương trình kết nối giao thương, nhiều sản phẩm có thế mạnh của Long An có mặt tại hệ thống thương mại, siêu thị, chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM như: Rau, củ, quả an toàn của HTX Tân Hiệp (Đức Hòa) cung ứng cho Saigon Co.op; HTX Thương mại - Dịch vụ Phước Hậu cung ứng gà thịt cho Công ty TNHH San Hà; HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Vạn Hưng cung ứng cho Công ty TNHH Thy Hạnh Dung; HTX Nông nghiệp SX-TM-DV Phước Thịnh ký hợp đồng cung ứng với Satra;... Ngoài ra, Long An còn có 5 cơ sở giết mổ gia súc tham gia vào Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo thuộc Dự án mô hình Chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020.


Anh Đỗ Văn Hương nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm cơm mẻ đóng gói trong các loại bao bì, vừa dễ sử dụng, vừa tiện lợi trong việc bảo quản

Năm 2016, Long An và TP.HCM có gần 40 DN ký kết hơn 70 hợp đồng thương mại, hợp đồng nguyên tắc từ các buổi kết nối giao thương. Hiện nay, Sở Công Thương đang trong quá trình đàm phán để giữa 2 địa phương tiếp tục có những hợp đồng cung ứng sản phẩm đa dạng hơn vào năm 2017.

Những giải pháp để kết nối tốt hơn

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, bên cạnh những kết quả, còn một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kết nối cung - cầu. Hiện nay, Long An chưa có nhiều DN hoặc HTX làm đầu mối thu mua nông sản, thực phẩm cho nông dân, dẫn đến khó khăn trong công tác thu gom hàng hóa tập trung để cung cấp cho các hợp đồng bao tiêu sản phẩm của các DN sản xuất, chế biến hàng hóa. Thêm vào đó, một số hợp đồng nguyên tắc được ký kết với các nhà phân phối lớn tại các hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa gặp khó khăn khi triển khai thực hiện. Lý do là giữa 2 bên không thống nhất được tỷ lệ chiết khấu, giá cả hàng hóa, thời gian giao, nhận hàng và phương thức thanh toán tiền. Nguyên nhân khác nữa là nhiều DN có quy mô nhỏ và vừa nên số lượng hàng hóa, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng và phong phú, chưa đáp ứng nhu cầu hệ thống phân phối và tiêu thụ.

Công ty TNHH San Hà là đơn vị kết nối trong tiêu thụ gà tại Long An thời gian qua. Bà Phạm Thị Ngọc Hà - Giám đốc công ty cho rằng: “Thị trường phân phối quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập, để có thể cạnh tranh với DN trong và ngoài nước trong việc tiêu thụ và phân phối sản phẩm, trong chuỗi liên kết 4 nhà, Nhà nước phải đi đầu. Vì vậy, các cơ quan chuyên ngành nên tạo điều kiện cho DN, người chăn nuôi học tập về khoa học - kỹ thuật, ứng dụng giải pháp công nghệ cao, con giống mới nhằm tạo ra các sản phẩm đạt chuẩn và đạt chất lượng, làm tăng giá trị trong chuỗi sản xuất ngành hàng thịt gia cầm, phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Long An có lợi thế là tỉnh có truyền thống trong chăn nuôi gia cầm và có nhiều cơ sở giết mổ nên cần phát huy vai trò đó của mình. Nếu làm được những điều này, tin rằng, không chỉ có gia cầm mà các sản phẩm khác của Long An sẽ hội nhập sâu, rộng trên thị trường thông qua các nhà phân phối”.

Để sản phẩm hàng hóa trong tỉnh tiếp tục được kết nối giao thương ngày càng sâu và rộng hơn, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp các ngành liên quan đẩy mạnh trao đổi thông tin, kinh nghiệm thực tiễn về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại; phối hợp các tỉnh, thành đẩy mạnh xúc tiến thương mại; tháo gỡ khó khăn cho DN; xây dựng vùng nguyên liệu cũng như thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; phát triển hệ thống phân phối, tạo nguồn hàng ổn định cung cấp cho thị trường TP.HCM và các tỉnh, thành khác, góp phần ổn định đầu ra sản phẩm./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết