Tiếng Việt | English

25/05/2020 - 16:48

Người chăn nuôi cần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Hiện nay, thời tiết diễn biến rất phức tạp, môi trường chăn nuôi ô nhiễm nên dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất dễ phát sinh. Đặc biệt ở thời điểm này, thời tiết hay có biến đổi thất thường sẽ làm vật nuôi không thích nghi kịp nên bị nhiễm bệnh.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Long An, trên địa bàn tỉnh thời gian tới sẽ có mưa nhiều nơi. Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột khiến đàn gia cầm không kịp thích nghi, sức đề kháng giảm, dễ mắc bệnh. Để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, người chăn nuôi các địa phương trong tỉnh đang thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe đàn gia cầm.

Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, thời gian qua, các hộ chăn nuôi luôn chú trọng chăm sóc, bảo vệ đàn gia cầm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương, do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi (DTHCP) nên số lượng đàn heo trên địa bàn huyện giảm mạnh và gặp khó khăn trong công tác tái đàn. Nhiều hộ chăn nuôi đã sửa chữa, cải tạo chuồng trại, chuyển từ nuôi heo sang nuôi gia cầm với mong muốn bù đắp thiệt hại do DTHCP gây ra. Toàn huyện hiện có trên 1,2 triệu con gia cầm và trên 2.250 con gia súc. “Thời gian qua, huyện tăng cường chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; kiểm tra, rà soát tổng đàn gia cầm, nắm bắt tình hình để kịp thời xử lý khi dịch bệnh phát sinh. Bước vào vụ Thu Đông năm 2020, huyện đã ban hành kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; yêu cầu các địa phương thực hiện tiêm phòng để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi, trong đó tổ chức tiêm đại trà cho đàn gia cầm, đồng thời thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn” - ông Chương nói.

Người chăn nuôi cần chủ động phòng bệnh hơn trị bệnh trong thời điểm giao mùa sắp đến

Ông Nguyễn Văn Thắng, ngụ xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tiến hành sửa chữa, che chắn chuồng trại để bảo vệ đàn gà thương phẩm gần 1.000 con của gia đình. Ông Thắng cho biết: “Xung quanh chuồng nuôi gà, tôi trang bị các tấm bạt dễ dàng che chắn khi thời tiết thay đổi, tránh mưa tạt, gió lùa khiến đàn gia cầm bị lạnh. Bên cạnh đó, tôi còn thường xuyên thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi để không ảnh hưởng tới sức khỏe đàn gà. Hàng ngày, tôi chú ý theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, kịp thời nắm thông tin, từ đó điều chỉnh việc chăm sóc cũng như chế độ dinh dưỡng hợp lý. Khi có thông báo của địa phương về việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi, tôi đều chấp hành đầy đủ”.

Để phòng, chống các bệnh thường gặp trên đàn gia cầm, ông Nguyễn Văn Thái - chủ cơ sở ấp gà, vịt trên địa bàn huyện Tân Trụ, chia sẻ: “Người chăn nuôi cần che chắn chuồng trại cẩn thận, tránh mưa tạt, gió lùa; khi nhiệt độ môi trường giảm, cần giữ ấm cho đàn gia cầm, đặc biệt là gia cầm non cần phải có chuồng úm, quây úm, đèn sưởi để cung cấp nhiệt phù hợp; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống, thu gom chất thải, thay chất độn chuồng. Về chế độ dinh dưỡng, cần cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm chất lượng, hợp vệ sinh, bổ sung thêm vitamin, B-complex, men tiêu hóa để tăng khả năng hấp thụ thức ăn nhằm nâng cao sức đề kháng cho gia cầm. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia cầm theo quy định”.

Theo nhận định của ngành chức năng, thời điểm này, một số gia súc dễ mắc bệnh. Đối với trâu, bò dễ mắc bệnh tụ huyết trùng, viêm phổi ở bê, nghé non, lở mồm long móng, cảm lạnh. Với đàn bò sữa có thể mắc thêm các bệnh về sinh sản như viêm vú, chậm sinh,... Trên đàn heo có thể mắc một số bệnh như tai xanh, lở mồm long móng, đặc biệt là hay mắc bệnh truyền nhiễm như 4 bệnh đỏ (tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn, đóng dấu). Ở heo con hay mắc hội chứng tiêu chảy, viêm phổi, Ecoli,... Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bến Lức - Lê Văn Nam cho biết: “Thời điểm chuyển giao mùa cũng là thời điểm bệnh xảy ra nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời thì rất dễ phát sinh thành dịch do mầm bệnh (vi khuẩn, vi-rút) có điều kiện thuận lợi để sinh sôi nảy nở, phát tán nhanh qua không khí, gió, thức ăn, nước uống, vật dụng chuồng nuôi. Để chủ động phòng bệnh, phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã tăng cường công tác giám sát tình hình dịch bệnh, tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi tái đàn theo đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn. Đồng thời, áp dụng triệt để các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh, tiêu độc chuồng trại, chăn nuôi an toàn sinh học”.

Cần tái đàn đúng quy định

Để thực hiện tái đàn hiệu quả, người chăn nuôi cần thực hiện và hợp tác tốt với chính quyền địa phương, cơ quan thú y để giữ vững, ổn định ngành chăn nuôi tại địa phương. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Huỳnh Thị Kim Phượng, ngành thú y khuyến cáo người chăn nuôi chú ý vệ sinh chuồng trại khi tái đàn, có thể nói đây là biện pháp tuy đơn giản nhưng thực tế người chăn nuôi chưa chú trọng và thật sự quan tâm. Biện pháp này có tác dụng rất quan trọng nhằm loại trừ và hạn chế mầm bệnh sinh trưởng và phát triển. Đối với các trang trại cần thực hiện tốt việc dùng các hố sát trùng và rắc vôi bột ngoài khu vực chuồng nuôi. Đối với các hộ còn nuôi ở trong gia đình cần lưu ý hệ thống thoát nước thải ra ngoài khu dân cư, tốt nhất cần có hệ thống bioga để bảo vệ môi trường chăn nuôi cũng như công cộng. Đồng thời, bảo đảm dinh dưỡng đủ chất và đủ lượng, khi thực hiện tốt sẽ nâng cao sức đề kháng cho con vật. Bổ sung các loại khoáng chất, vitamin để giúp con vật nâng cao sức đề kháng, ngăn chặn mầm bệnh.

Riêng đối với con heo, để công tác tái đàn heo sau DTHCP đạt hiệu quả, hạn chế dịch bệnh xảy ra, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh đề nghị, người chăn nuôi cần thực hiện theo những hướng dẫn của ngành chức năng trước khi tái đàn. Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi chuẩn bị tái đàn cần thực hiện: Xây dựng, sửa chữa, nâng cấp chuồng trại bảo đảm các điều kiện an toàn sinh học; phải để trống chuồng và thực hiện nghiêm ngặt việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại liên tục ít nhất 30 ngày trước khi thả nuôi; chỉ mua con giống rõ nguồn gốc ở các cơ sở có uy tín, kết quả xét nghiệm âm tính với DTHCP và có giấy chứng nhận kiểm dịch đối với các trường hợp mua con giống ngoài tỉnh; bố trí nuôi cách ly ít nhất 2 tuần trước khi nhập đàn (đối với các cơ sở đang còn heo trong trại). Đối với các cơ sở chăn nuôi tái đàn sau dịch: Sau 30 ngày kể từ khi tiêu hủy heo bệnh cuối cùng và đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, tình hình sức khỏe đàn heo ổn định, có thể thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm. Nếu tất cả mẫu xét nghiệm đều âm tính với DTHCP, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng đàn.

Ngoài ra, trong quá trình nuôi, người dân thường xuyên theo dõi, giám sát sức khỏe đàn heo, tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm cho đàn vật nuôi như dịch tả heo cổ điển, tai xanh, lở mồm long móng…; thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng định kỳ ít nhất 2 lần/tuần để tiêu diệt và hạn chế mầm bệnh xuất hiện, tồn tại trong môi trường; chấp hành nghiêm việc lấy mẫu giám sát dịch bệnh và các điều kiện về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi của cơ quan chuyên môn.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết