Tiếng Việt | English

27/07/2017 - 02:00

Những tín hiệu khả quan trong xây dựng vùng lúa ứng dụng công nghệ cao

Theo kế hoạch xây dựng vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) 20.000ha trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An có 2.500ha. Dù gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện nhưng kết quả tích cực từ mô hình điểm cho thấy những tín hiệu khả quan.

Kết quả tích cực

Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh, Mộc Hóa xây dựng nghị quyết, kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, có quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể.

Đến nay, huyện thống kê, quy hoạch vùng lúa chất lượng cao với tổng diện tích 2.433ha, 1.015 hộ tham gia thuộc địa bàn 3 xã: Bình Hòa Tây 555ha với 193 hộ; Bình Hòa Trung 835ha với 391 hộ; Bình Hòa Đông 1.043ha với 431 hộ.

Sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao mang lại lợi nhuận chênh lệch 5-7 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa ngoài mô hình

Vụ Đông Xuân 2016-2017, huyện phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai mô hình điểm trình diễn 50ha lúa ƯDCNC đầu tiên trên địa bàn, tại ấp Bình Trung 2, xã Bình Hòa Trung, với sự tham gia của 25 hộ là thành viên Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Nông nghiệp Tiến Tiến.

Theo đó, huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác lúa theo quy trình “1 phải - 6 giảm” cho nông dân, trình diễn máy cấy lúa trên diện tích 14,5ha, sạ thưa bằng máy đeo vai trên 35,5ha và hỗ trợ 100% phân bón sinh học trên 2ha.

Tham gia mô hình, nông dân còn được cung cấp giống lúa xác nhận RVT, OM 6976 (trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% giá giống, 30% chi phí máy cấy) và 100% giống cây trồng sinh thái trên bờ ruộng.

Theo anh Nguyễn Thành Xuân, SN 1981, ngụ ấp Bình Trung 2, xã Bình Hòa Trung, thành viên của Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Nông nghiệp Tiến Tiến, việc áp dụng gieo sạ giống lúa xác nhận là cần thiết, vì lúa ít sâu, bệnh, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mang lại năng suất cao hơn. Bên cạnh đó, việc giảm lượng giống gieo sạ từ 130-150kg/ha xuống còn 80-100kg/ha còn giúp cây lúa phát triển tốt, nở bụi, tăng số nhánh hữu hiệu, khâu chăm sóc lúa cũng dễ dàng hơn.

Còn theo ông Phạm Văn Để, SN 1948, ngụ cùng ấp với anh Xuân, việc sản xuất lúa ƯDCNC sử dụng giống xác nhận và áp dụng các biện pháp kỹ thuật không chỉ giúp nông dân giảm chi phí sản xuất bình quân 1,5-2 triệu đồng/ha, mà năng suất còn tăng từ 5-10 tạ/ha, lợi nhuận chênh lệch 5-7 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa ngoài mô hình.

Từng bước gỡ khó

Thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền thông qua các cuộc tập huấn, tham quan, hội thảo, trình diễn tạo chuyển biến tích cực trong các tổ hợp tác, hợp tác xã và nhận thức của nông dân trong vùng quy hoạch về tầm quan trọng của việc sản xuất sạch, an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, sản xuất theo chuỗi nhằm bảo đảm đầu ra.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chương trình gặp một số khó khăn, nhất là sự phối kết hợp của các ngành, địa phương, hội, đoàn thể,... chưa thật sự chặt chẽ khiến cho tiến độ thực hiện còn chậm so với yêu cầu.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Lê Văn Tùng cho rằng, mô hình trình diễn sản xuất ƯDCNC cho hiệu quả nhưng chưa thể nhân rộng do tỷ lệ vốn đối ứng của người dân trong các mô hình còn cao và chưa có chính sách khuyến khích riêng để thực hiện chương trình. Các địa phương chưa gắn kết được với doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu đầu ra sản phẩm cho nông dân. Vì vậy, thực hiện chuỗi sản xuất hàng hóa trong xây dựng cánh đồng lớn, góp phần ổn định sản xuất, giá cả nông sản còn gặp nhiều khó khăn.

Việc áp dụng gieo sạ giống lúa xác nhận giúp lúa ít sâu, bệnh, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mang lại năng suất cao hơn

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Tây - Lê Hoàng Thiện đánh giá: “Khó khăn nhất hiện nay chính là liên kết sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Bởi một số hộ dân còn e ngại khi tham gia mô hình phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình, công sức bỏ ra nhiều hơn. Đến khi thu hoạch, nếu không có công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nông dân phải bán cho thương lái bằng với giá lúa ngoài vùng quy hoạch, lợi nhuận sẽ không tăng. Từ đó, việc ƯDCNC vào sản xuất, theo hướng tập thể lớn vẫn chưa thu hút được sự tham gia của nông dân”.

Trước những thách thức trên, để thực hiện tốt chương trình ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến tận cơ sở, cấp phát các tờ bướm, tích cực vận động nông dân tham gia thực hiện; nhân rộng các mô hình thí điểm, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, tạo sự phát triển, lan tỏa với quy mô lớn.

Huyện chủ động phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đối thoại, làm việc với các doanh nghiệp đăng ký tham gia cánh đồng lớn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm thực hiện đúng cam kết với doanh nghiệp, phát huy cánh đồng lớn cả về diện tích lẫn chất lượng.

Bên cạnh đó, huyện tập trung huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sản xuất nông nghiệp; hoàn chỉnh hệ thống đê bao lửng kết hợp xây dựng hệ thống trạm bơm điện nhằm tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận, tạo tiền đề thuận lợi cho việc hình thành các loại hình kinh tế hợp tác.

Trong đó, chú trọng thi công các công trình trong vùng sản xuất lúa ƯDCNC: Nạo vét kênh Phước Lại chiều dài 2,2km, làm đường bêtông bờ Bắc kênh T5 (Gò Ông Trang) chiều dài 2km ở xã Bình Hòa Trung; trải đá đường Nam kênh ranh T1 chiều dài trên 3,1km, đường Bắc kênh Thanh Niên 2 chiều dài trên 3,7km ở xã Bình Hòa Đông;...

Bí thư Huyện ủy - Lê Văn Chính cho biết: “Mộc Hóa xác định mục tiêu ưu tiên là phát triển nông nghiệp ƯDCNC nhằm từng bước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong phát triển kinh tế. Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian tới, huyện phối hợp các sở, ngành tỉnh rà soát, bổ sung các quy hoạch, nhất là quy hoạch phát triển nông nghiệp phù hợp với điều kiện của địa phương và Chương trình đột phá của Đại hội X Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2015-2020) về Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống trị và kế hoạch thực hiện cụ thể, Mộc Hóa phấn đấu xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập cho người dân. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chương trình hành động số 12-CTr/HU của Huyện ủy ngày 22/8/2016 về thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh./.

Hồng Anh

Chia sẻ bài viết