Tiếng Việt | English

02/07/2018 - 14:09

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - Cần nhiều mô hình điểm để nhân rộng

Những mô hình (MH) điểm trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) bước đầu phát huy hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân. Tuy nhiên, MH điểm còn ít so với nhu cầu thực tế, ảnh hưởng đến việc tổ chức học tập kinh nghiệm, nhân rộng MH.

Mô hình điểm có vai trò quan trọng trong thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Hiệu quả từ mô hình điểm

MH điểm có vai trò quan trọng trong thực hiện nông nghiệp ƯDCNC.Chính quyền địa phương, nông dân dựa vào đó để học tập kinh nghiệm, nhân rộng MH trong và ngoài vùng đề án. MH điểm được triển khai tại một số địa phương thuộc vùng đề án nông nghiệp ƯDCNC theo quy hoạch của tỉnh, bước đầu phát huy hiệu quả. Huyện Tân Hưng nằm trong vùng lúa ƯDCNC của tỉnh Long An và triển khai một số MH điểm.Theo đánh giá của một số nông dân và chính quyền địa phương, sản xuất trong MH điểm đạt năng suất, chất lượng cao hơn so với bên ngoài.

Ông Nguyễn Văn Toàn, ngụ xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, chia sẻ: “Vụ Đông Xuân 2017-2018, thấy một số nông dân tham gia MH điểm, lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình từ 3-5 triệu đồng/ha nên vụ Hè Thu 2018, tôi áp dụng quy trình sản xuất theo MH trên 10ha lúa. Bước đầu, chi phí sản xuất thấp hơn so với gieo sạ thông thường”.

Theo Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thành Phát (xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) - Nguyễn Văn Dũng, MH điểm giúp ích rất nhiều cho HTX, nhất là việc kêu gọi nông dân thực hiện ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp. Vụ Đông Xuân 2017-2018, HTX được chọn để triển khai MH điểm với diện tích 50ha, có 10 xã viên tham gia. Kết quả, sản xuất trong MH đạt lợi nhuận cao hơn so với ngoài MH từ 3-5 triệu đồng/ha. Vụ Hè Thu 2018, nhiều thành viên áp dụng sản xuất theo MH. Hiện nay, lúa phát triển tốt, đạt yêu cầu.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần nhiều mô hình điểm để nhân rộng

Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Trần Tấn Tài cho biết: “Vụ Đông Xuân 2017-2018, huyện thực hiện 9 MH điểm (tỉnh và huyện 5 MH, 4 MH nhân rộng). Vụ Hè Thu 2018, địa phương tiếp tục thực hiện 8 MH (tỉnh 2 MH, huyện 6 MH). Tại 6 xã thuộc vùng lúa ƯDCNC theo đề án, có khoảng 1.200ha lúa Hè Thu 2018 được nông dân nhân rộng MH”.

Tại vùng rau ƯDCNC, MH điểm phát huy hiệu quả.Từ đó, MH được nhân rộng. HTX Rau an toàn Mười Hai (ấp 4, xã Long Khê, huyện Cần Đước) là một trong những HTX được chọn triển khai MH điểm của tỉnh và huyện về trồng rau ƯDCNC, đạt lợi nhuận cao, được nhiều nơi đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai - Lê Văn Giấy cho rằng: “Những hộ tham gia sản xuất theo MH điểm có nhiều lợi thế hơn so với sản xuất thông thường. Nông dân tiếp cận quy trình tiên tiến, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng, lợi nhuận tăng 20% so với ngoài MH. Bên cạnh đó, ý thức của nông dân về việc tạo ra các sản phẩm an toàn được nâng lên”.

Mô hình điểm bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực

Cần nhiều mô hình điểm hơn nữa

Theo Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường, trồng rau ƯDCNC trên địa bàn bước đầu đạt kết quả. Các MH điểm được nhân rộng.Tuy nhiên, hiện nay MH điểm còn ít.Kinh phí của huyện cũng hạn chế nên chưa triển khai nhiều MH.Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm nông nghiệp ƯDCNC còn hạn chế nên nông dân ngại tham gia. Huyện tiếp tục kêu gọi các đơn vị bao tiêu sản phẩm, kiến nghị tỉnh cần hỗ trợ thêm MH điểm tại địa phương, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định để nông dân an tâm sản xuất.

Trong khi sản xuất lúa, rau ƯDCNC có nhiều thuận lợi thì chăn nuôi bò thịt ƯDCNC theo đề án tại 2 huyện Đức Huệ và Đức Hòa gặp khó khăn. Nông dân vẫn chăn nuôi theo cách truyền thống, manh mún, nhỏ, lẻ. Địa phương khá lúng túng trong thực hiện, cán bộ chuyên môn còn hạn chế về trình độ, khả năng.MH điểm được triển khai khá ít, thậm chí nhiều nơi chưa triển khai MH điểm. “Chúng tôi mong muốn được tham quan MH điểm chăn nuôi bò thịt ƯDCNC nhưng chưa thấy được triển khai theo kế hoạch. Mong ngành chức năng sớm thực hiện, tạo điều kiện cho nông dân học tập kinh nghiệm, áp dụng vào chăn nuôi” - bà Hoàng Thị Ái, ngụ xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, chia sẻ.

Cần nhiều mô hình điểm hơn nữa để giúp các địa phương, nông dân thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Trần Văn Lành thông tin: “Huyện thực hiện ƯDCNC trên cây rau và chăn nuôi bò thịt. Đối với cây rau, việc sản xuất tương đối thuận lợi, còn chăn nuôi bò thịt ƯDCNC gặp khó khăn, chưa thực hiện được MH điểm nên chưa thể tạo “cú hích” trong chăn nuôi. Địa phương kiến nghị tỉnh cần sớm triển khai MH điểm hoàn thiện để huyện học tập, làm cơ sở nhân rộng”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng đánh giá: “MH điểm triển khai bước đầu đạt một số kết quả nhất định. Từ đó, nhiều địa phương nhân rộng MH.Tuy nhiên, MH điểm còn ít so với nhu cầu, nhất là tại vùng chăn nuôi bò thịt ƯDCNC.Thời gian tới, sở triển khai thêm MH điểm, giúp địa phương và nông dân thuận lợi trong sản xuất. Tin rằng, với sự quan tâm đẩy mạnh thực hiện của các cấp, các ngành, địa phương, sự hưởng ứng tích cực của người dân, đề án nông nghiệp ƯDCNC sẽ đạt kết quả theo kế hoạch”.

Đến nay, toàn tỉnh xây dựng 45 MH trồng lúa ƯDCNC với 2.844ha, nhân rộng diện tích ứng dụng trên 2.000ha. Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh xây dựng được 14 MH trồng rau ƯDCNC với 632,9ha; 14 mô hình trồng thanh long ƯDCNC với 301,8ha, nông dân tự nhân rộng 48 MH tưới tiết kiệm với 36,4ha. Riêng vùng chăn nuôi bò thịt, thành lập được 6 tổ hợp tác và 2 HTX để triển khai thực hiện; hỗ trợ 1 HTX mua bò cái giống kết hợp hỗ trợ kỹ thuật xây dựng MH áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và quy trình chăn nuôi bò thịt an toàn; gieo tinh nhân tạo giống bò thịt chất lượng cao cho 732 con bò cái; tổ chức cho nông dân học tập kinh nghiệm 3 mô hình chăn nuôi bò thịt ƯDCNC tại TP.HCM, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết