Tiếng Việt | English

14/10/2018 - 19:18

Nông thôn “thay áo mới”

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Sau thời gian thực hiện, chương trình lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân và đạt những kết quả nhất định.

Người dân xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ chuyển đổi cây trồng

Đến nay, toàn tỉnh có 67 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Sức mạnh từ lòng dân

Nhiều con đường bêtông rộng rãi, cầu giao thông nông thôn được xây mới, đưa vào sử dụng, những ngôi nhà khang trang đua nhau mọc lên giữa cánh đồng thanh long trĩu quả như khẳng định sự đổi mới trên xã NTM An Lục Long, huyện Châu Thành. Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã - Hà Minh Tuấn cho biết, bắt tay vào XDNTM, xã có xuất phát điểm thấp, chỉ đạt 10/19 tiêu chí (TC). Sau 5 năm thực hiện chương trình, xã đạt 19/19 TC vào cuối năm 2017. Nguồn lực từ nhân dân là một trong những yếu tố quan trọng nhất để An Lục Long về đích NTM. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 55 triệu đồng/năm; hộ nghèo còn 1,52%; hơn 70km đường giao thông được đầu tư trải nhựa, bêtông;... Ông Lê Hữu Trí, ngụ ấp Đồng Tre, phấn khởi: “Người dân cùng nhau đóng góp, chung tay XDNTM. Người có đất thì hiến đất, không có đất thì góp tiền, công sức cùng thực hiện các công trình giao thông, thủy lợi. Bộ mặt nông thôn giờ khác xưa nhiều lắm, không thua gì thị trấn, thị tứ!”.

Chủ tịch UBND xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ - Phan Minh Thắng cho biết, để thực hiện thành công chương trình XDNTM, mọi việc làm phải dựa trên nguyện vọng chính đáng của người dân. Cấp ủy, chính quyền địa phương xác định, muốn chương trình đạt hiệu quả, cần có sự đồng lòng, chung sức của người dân. Với nhận thức “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, Bình Tịnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân và xem đây là “chìa khóa” cho sự thành công. Nhờ đó, xã hoàn thành 19/19 TC NTM và được công nhận đạt chuẩn vào cuối năm 2016. Hiện nay, hệ thống giao thông trên địa bàn hoàn thiện, trong đó, 100% đường trục xã, liên xã, trục ấp, liên ấp được trải nhựa, bêtông. Toàn xã hiện có 98% hộ sử dụng điện; 99% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; 85,7% người dân tham gia bảo hiểm y tế, thu nhập bình quân 41 triệu đồng/người/năm;... Từ sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự đồng thuận, chung tay của người dân, đến nay, diện mạo Bình Tịnh như khoác lên mình “chiếc áo mới”, đời sống người dân được nâng lên. Ông Trương Văn Đèo, ngụ ấp Bình Thạnh, cho biết: “Địa phương được đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông, trường học,... chúng tôi rất vui! Xã còn có nhiều tổ hợp tác liên kết sản xuất, tạo điều kiện cho nông dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất giúp giảm giá thành, tăng thu nhập, góp phần cải thiện cuộc sống”.

Giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh huy động hơn 32.000 tỉ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người dân

Giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh huy động hơn 32.000 tỉ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người dân

Nhiều kết quả khả quan

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh - Phan Văn Liêm cho biết: “Giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh huy động hơn 32.000 tỉ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, vốn tín dụng hơn 28.000 tỉ đồng, vốn lồng ghép hơn 2.500 tỉ đồng, vốn đầu tư trực tiếp gần 900 tỉ đồng, vốn doanh nghiệp và người dân đóng góp hơn 600 tỉ đồng, được đầu tư vào các lĩnh vực: Giao thông, giáo dục, môi trường, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà ở”.

Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt TC giao thông (chiếm 38,5% tổng số xã), 91 xã đạt chuẩn về TC trường học, 153 xã đạt TC cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 152 xã đạt TC điện, người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 79,6%; 96,4% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 24,8% sử dụng nước sạch,...

Ngoài ra, các ngành, nghề nông thôn có bước phát triển, góp phần nâng cao đời sống người dân. Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn tiếp tục được quan tâm thực hiện, trong 3 năm (2016-2018), toàn tỉnh đào tạo nghề cho trên 10.000 lao động nông thôn, góp phần tăng tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo đạt 89,7%, có 159 xã đạt TC lao động có việc làm (chiếm 95,7% tổng số xã). Các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả, tạo điều kiện cho hộ nghèo ổn định đời sống, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, toàn tỉnh còn 11.852 hộ nghèo (chiếm 2,92%), 14.987 hộ cận nghèo (chiếm 3,7%); 127 xã đạt TC hộ nghèo; 126 xã đạt TC thu nhập, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh đạt 39 triệu đồng/năm.

Người dân xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ chuyển đổi cây trồng

“Thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả trong XDNTM, xây dựng cảnh quan, môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn, trọng tâm là thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã và các hình thức tổ chức phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản; tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm thị trường giải quyết đầu ra cho nông sản, thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, ngân sách tỉnh cho XDNTM; huy động vốn tín dụng để phát triển sản xuất, dịch vụ, đời sống, đẩy mạnh vận động đóng góp tài trợ của tổ chức, cá nhân,...” - ông Liêm cho biết thêm./.

Đến nay, Long An có 67 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 81,7% kế hoạch Trung ương, 75,3% kế hoạch tỉnh). Số tiêu chí (TC) bình quân/xã là 14,2 TC, không còn xã dưới 7 TC. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 82 xã và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 16,5 TC/xã.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết