Tiếng Việt | English

12/06/2018 - 15:46

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - Thiếu vốn và khó về đầu ra

Trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bên cạnh những kết quả bước đầu đáng phấn khởi, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất cần được tạo “cú hích” về vốn và tìm đầu ra cho nông sản.

Trang trại Nutifarm của ông Lê Văn Phon

Nâng sức cạnh tranh

Nắm bắt xu hướng về nhu cầu thực phẩm an toàn, Công ty (Cty) TNHH MTV V-S Thiên Lộc Phú (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) vừa đầu tư dây chuyền xay xát lúa gạo tự động từ khâu hút lúa, sấy, xay xát, lau bóng, đóng gói gạo theo công nghệ hiện đại của Tập đoàn Buhler (Thụy Sĩ). Quy mô sản xuất đạt bình quân 12-15 tấn/giờ. Tất cả các khâu sản xuất của nhà máy đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ trong sản xuất, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh, phù hợp với hướng phát triển nông nghiệp CNC. Giám đốc Cty TNHH MTV V-S Thiên Lộc Phú - Lê Văn Luật chia sẻ: “Nghề xay xát lúa gạo có mặt tại Long An khá lâu, doanh nghiệp (DN) mới đi vào hoạt động nên phải đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để tiết kiệm thời gian và chi phí, nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, tạo thuận lợi để gạo Việt Nam tiếp cận các thị trường cao cấp trên thế giới. Hiện, có rất nhiều đối tác đến tham quan dây chuyền sản xuất và mong muốn hợp tác dài lâu trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu với Cty. Đây là tín hiệu khả quan, đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ trong sản xuất, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh, phù hợp với hướng phát triển nông nghiệp ƯDCNC”.

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Tân Thành (huyện Thủ Thừa) được thành lập vào đầu tháng 4/2018. Đây là 1 trong 3 HTX thí điểm theo Luật Hợp tác xã năm 2012 trên tổng số 16 HTX toàn tỉnh. Giám đốc HTX Nông nghiệp CNC Tân Thành - Nguyễn Văn Tâm cho biết, 11 xã viên của HTX đang sản xuất 50ha mãng cầu và thanh long. Về ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp, HTX luôn lựa chọn giống mới và áp dụng phương pháp sản xuất tiên tiến như tưới tự động. Nguồn phân dùng trong trồng trọt là phân sạch, phân hữu cơ, chế phẩm dùng trên trái cây là chế phẩm sinh học. Mục tiêu của HTX là tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, trồng cây ăn trái các loại, đáp ứng, nâng cao hiệu quả kinh tế, phục vụ nội địa và xuất khẩu.

Ông Võ Quan Huy chăm sóc vườn chuối ứng dụng công nghệ cao

Thách thức vẫn là vốn, đầu ra

Hiện tại, 40ha cây mãng cầu mà HTX Nông nghiệp CNC Tân Thành trồng chưa cho trái. Theo kế hoạch, tết năm 2019 sẽ cho lứa trái đầu tiên phục vụ thị trường. Riêng diện tích thanh long đã cho trái và đón rất nhiều lượt khách trong, ngoài nước đến tham quan, mong muốn hợp tác tiêu thụ khi biết HTX và các thành viên liên kết sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm. Có nhiều đối tác từ các nước tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật đặt vấn đề HTX xuất khẩu trực tiếp nhưng hiện HTX vẫn bán thanh long cho một DN khác để xử lý hấp nhiệt, chiếu xạ. Ông Tâm nói: “Nếu có dây chuyền hấp nhiệt, chiếu xạ để kiểm soát vi khuẩn, HTX có thể hoàn toàn chủ động trong việc xuất khẩu trực tiếp đến thị trường Hàn Quốc, Nhật, Mỹ hay châu Âu. Tuy nhiên, vốn đầu tư cho dây chuyền này khá lớn trong khi vốn điều lệ của HTX không nhiều. Đây là điều đáng tiếc, HTX còn phải phụ thuộc về giá bán với DN trung gian”.

Mấy năm nay, Cty TNHH Huy Long An (huyện Đức Huệ) khá nổi tiếng bởi thành công trong chăn nuôi bò vỗ béo và trồng chuối xuất khẩu theo hướng CNC. Giám đốc Cty TNHH Huy Long An - Võ Quan Huy cho biết, để đầu tư 1ha chuối từ khi bắt đầu đến lúc thu hoạch, cần khoảng 500-600 triệu đồng. Vốn đầu tư lớn nhưng khi cho thu hoạch, lợi nhuận/ha không nhiều.

Giá trị đất nông nghiệp theo quy định của Nhà nước không cao nên khi mang thế chấp để vay vốn không được nhiều. Số tiền vay được thấp hơn nhiều so với số vốn cần đầu tư. Một bất cập lớn khác là khi DN, cá nhân mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp vay vốn ngân hàng, lại chỉ được định giá giá trị đất mà không tính giá trị tài sản trên đất. Trên thực tế, sau nhiều năm làm nông nghiệp, nhiều DN, trang trại đầu tư hạ tầng, nhà xưởng, máy móc, thiết bị trên đất với giá trị khá lớn. Ông Huy nói: “Với những quy định về giá đất hiện tại cũng như ngân hàng luôn bảo vệ quan điểm tránh rủi ro thì DN, nông dân rất khó khăn khi tiếp cận nguồn vối đầu tư ƯDCNC”.

Trang trại Sản xuất rau sạch Nutifarm do ông Lê Văn Phon đầu tư hơn 2.000m2 đất và nhà lưới tại phường 7, TP.Tân An theo công nghệ hiện đại để trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh, nhỏ giọt, trồng hơn 10 loại rau ăn lá, dưa leo, khổ qua để thử nghiệm nhằm chọn ra loại rau thích hợp với khí hậu cũng như thăm dò thị trường. Khi ổn định sản xuất, Nutifarm cung cấp ra thị trường 80kg rau sạch/ngày. Các bước tiếp theo như xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm cũng đang trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, điều ông Phon lo lắng nhất là đầu ra sản phẩm. Ông nói: “Đầu tư hệ thống nhà lưới và trang thiết bị đến vài tỉ đồng nhưng sau thời gian thử nghiệm, đầu ra sản phẩm khá chật vật mặc dù đây là sản phẩm sạch, an toàn. Trong khi đó, rau ăn lá có chu kỳ phát triển và thu hoạch nhất định, không thể bảo quản lâu, không thể để quá lứa”.

Ông Võ Quan Huy cho rằng: “Sản xuất nông nghiệp vốn mang tính rủi ro cao, trong khi hoạt động tín dụng của ngân hàng lại đặt nặng tính an toàn. Đó là một trong những lý do khiến DN tư nhân sản xuất nông nghiệp chưa tiếp cận được vốn tín dụng. Do đó, cần phải có cơ chế, chính sách để các ngân hàng khi cho vay nông nghiệp, nông thôn dám chấp nhận rủi ro”.

Trang trại Nutifarm của ông Lê Văn Phon

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đoàn Văn Hoàng chia sẻ, ƯDCNC là xu hướng tất yếu, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, DN lẫn người dân được tiếp cận thông tin cũng như chuyển giao khoa học - kỹ thuật nên đồng thuận, ủng hộ tham gia. Tân Trụ không phải là địa phương điểm trong thực hiện ƯDCNC của tỉnh nhưng vẫn quyết liệt thực hiện các mô hình điểm để nhân rộng. Không phải là huyện điểm thực hiện ƯDCNC, nguồn kinh phí trên địa bàn huyện sử dụng từ kinh phí sự nghiệp nên vốn hỗ trợ mô hình điểm ít, vốn đối ứng từ các đơn vị thực hiện cao. Ngoài ra, sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm ƯDCNC chưa nhiều và chặt chẽ nên đa số vẫn còn khó khăn về đầu ra.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp, DN và nông dân là lực lượng sản xuất chủ lực, đi đầu trong ƯDCNC nhưng vẫn đối mặt với nhiều rào cản lớn là vốn và đầu ra sản phẩm khiến họ gặp không ít khó khăn, trăn trở. Để thúc đẩy chương trình ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt tháo gỡ khó khăn về vốn, tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN, hộ sản xuất. Ngành nông nghiệp và công thương đang xúc tiến thành lập các chuỗi liên kết dọc và ngang trong sản xuất nông sản, trên cơ sở ứng dụng công nghệ để tăng hiệu quả vận hành, quản lý chuỗi, kết nối với chuỗi cung ứng trong và ngoài tỉnh./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết