Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Thú vui hoa, kiểng

 Với cây mai kiểng, người Nam bộ nói chung và dân Long An nói riêng, ngày Tết cổ truyền trong nhà không có hoa mai coi như giảm phần ý vị. Cây mai là biểu tượng của mùa xuân. Mai đứng đầu trong bộ Tứ quý: Mai, Trúc, Tùng, Lan, và cũng đứng đầu trong bộ Tam hữu: Mai, Tùng, Trúc. Đại thi hào Nguyễn Du mô tả vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều, Thúy Vân: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”. Cốt cách là vẻ đẹp của hình thể thanh nhã, yểu điệu. Mai cũng thể hiện phẩm chất người quân tử.

Thế hồi đầu (nạo sạch vỏ, làm cho cây khô cằn, già cỗi, nhưng vẫn đâm chồi trên ngọn xanh tươi và đổ xuống gốc, tạo nên dòng chảy “về nguồn” của một sức sống bền bĩ

Người Nam bộ rất quý mai. Sáng mồng một tết mà chậu mai đặt cạnh bàn thờ gia tiên nở rộ, phô cánh vàng rực là mọi người trong nhà hể hả biết chừng nào! Vậy thì, ngay từ bây giờ, nếu lá mai quá già là mai sẽ nở trước tết, nên tưới nhiều nước để mai ra nhiều lá non mà chậm ra hoa. Thường thì 13, chậm nhất là 18 tháng Chạp tuốt lá, đến 27-28 là cành mai đâm từng chùm nụ; sáng 30 tết nụ mai bung vỏ lụa, hứa hẹn mãn khai vào sáng mồng một tết. Nếu đã cận tết mà nụ mai còn quá nhỏ và thưa, nên pha phân urê, liều thấp, với nước ấm tưới đều quanh gốc. Nếu trời nắng nóng sẽ kích thích mai nở sớm, nên tưới thật nhiều nước để mai bung lá non, hoặc đưa mai vào chỗ mát, dùng vải trùm lên, mai sẽ chậm nở hoa.

Nhà thơ Nguyễn Duy có câu “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”. Hoa kiểng cũng như bài hát, bởi chúng tượng trưng cho cái đẹp, cho tình yêu cuộc sống. Người Việt Nam vốn tôn kính người già, thường chọn những loại cây có tuổi thọ cao như sanh, si, đa, đề, thiên tuế,… nuôi trồng thành cây kiểng.

Hiện nay, tại các công, tư sở, bệnh viện, trường học, xưởng thợ,… có đặt chậu kiểng, xây bồn hoa, trồng cây phong cảnh, tạo cho người làm việc văn phòng, người lao động, học tập, bệnh nhân một không gian để thư giãn.

Trưởng Chi hội kiểng Bonsai TP.Tân An - Võ Văn Tuyến chỉ mới 42 tuổi, đã sở hữu 2 vườn kiểng, 1 ở ấp Bình Nam, xã Bình Tâm và 1 ở xã Vĩnh Công (Châu Thành) với tổng số 700 chậu kiểng. Anh Tuyến cho biết, chỉ mới chơi kiểng 5 năm nay và anh tìm thấy ở sân chơi này một nguồn của cải để nuôi tâm hồn lành mạnh, làm cho mình trút bỏ những toan tính bon chen để nhẹ lòng mà an nhiên tự tại. Khi mới thành lập (tháng 7-2013), chi hội có 37 hội viên (HV), đến nay, tăng hơn 50 HV, đều dưới 30 tuổi. Theo anh Tuyến, người trẻ chơi kiểng Bonsai vẫn tôn trọng vẻ đẹp truyền thống nhưng rất nhạy cảm với cái đẹp mới mẻ, có tính sáng tạo. Hiện nay, HV của chi hội có hơn 100 gốc kiểng Bonsai. Người kinh doanh kiểng thì có đến ngàn chậu. Những cây kiểng đạt đỉnh nghệ thuật, giá từ 40-50 triệu đồng/chậu là thường. Cũng có anh mở vườn ươm, cung cấp cây nguyên liệu (cây phôi) để người chơi thả sức tư duy cảm xúc trong tạo hình, tạo dáng thế Bonsai hay kiểng cổ.

Một chậu mai kiểng (thế thác đổ)

Với sự khám phá cái mới và sáng tạo không ngừng, người chơi kiểng hiện nay còn tận dụng của thiên nhiên như cây mua, cây tràm gió mọc hoang nơi đồng bưng, qua bàn tay điêu luyện,  họ làm cho những cây “thô” ấy “có hồn” và hoa đẹp. Chả thế mà họ còn dùng kỹ thuật để “bắt”  cây me, cây ổi, cây khế,… vừa có hình thể kiểng đẹp, vừa có bông, trái từng chùm đẹp nữa.

Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP.Tân An - Nguyễn Văn Lộc cho biết: Xuân Ất Mùi 2015, Hội thi kiểng Bonsai và mai tết chỉ quy tụ kiểng lớn, kiểng Bonsai và mai tết. Còn hoa lan, gỗ, đá mỹ nghệ thì các chi hội tự mở gian hàng trưng bày và bán trong chợ Hoa Xuân ở công viên TP.Tân An. Đã là mai tết thì ngoài dáng, thế đẹp, mang “tư tưởng chủ đề” rõ ràng, còn cần phải có nhiều hoa mãn khai đúng lúc đón xuân, thế mới có giá trị. Hãy chờ và xem những điều mới mẻ ở hội thi!

 

QUANG HẢO

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Thú vui hoakiểng